Mùa Hè năm 1998, tôi có dịp được thỏa nguyện ước vọng như trong mơ của mình là đi thăm thú những danh lam thắng cảnh của thành phố Paris hoa lệ.
Song ngay từ khi vừa đặt chân tới cái trung tâm du lịch nổi tiếng hàng đầu thế giới này, lòng tôi đã canh cánh một niềm khát khao mong muốn được gặp giáo sư-tiến sỹ âm nhạc Trần Văn Khê, Viện sỹ Hàn lâm-Ủy viên danh dự Hội đồng Quốc tế Âm nhạc (UNESCO) để được bày tỏ dầu chỉ một phút lòng ngưỡng mộ và biết ơn của mình đối với con người mà hơn nửa thế kỷ đã chuyên tâm, tự nguyện giảng dạy, quảng bá rộng rãi tại hơn 40 nước trên thế giới về nghệ thuật cổ truyền Việt Nam.
Tình cờ, có một người đồng hương vốn đã từng tham gia hoạt động tích cực trong phong trào đấu tranh của người Việt ở nước ngoài (Lào, Thái Lan, Pháp...) thông cảm với tôi, ông hứa sẽ cố gắng tìm cách liên lạc trước với giáo sư Trần Văn Khê, giới thiệu tôi và xin phép ông cho tôi được gặp mặt.
Thật chẳng ngờ, ngay sáng hôm sau (ngày 16/7/1998), người đồng hương của tôi đã đưa tôi ngồi trên xe con của ông đến thẳng nhà riêng vị giáo sư-tiến sỹ đầu ngành của âm nhạc truyền thống Việt Nam mà tên tuổi đã vang xa trên khắp cả các châu lục.
Như để cắt nghĩa về sự may mắn của tôi, người đồng hành vừa lái xe vừa trò chuyện: “Giáo sư nói ông đã đọc một số bài báo của chị viết về ca trù và về nghệ sỹ nhân dân Quách Thị Hồ, do những người thân của ông từ quê Việt gửi sang.” Tôi mừng rơn.
Giữa Paris nghe giảng âm nhạc truyền thống
Giáo sư Trần Văn Khê đón chúng tôi từ cửa ra vào. Tôi đưa máy ảnh nhờ người cùng đi bấm hộ, trong khi viên trợ lý của giáo sư đưa camera lên ngang tầm quay.
Sau những phút hàn huyên thân mật quý giá được giáo sư dành cho, tôi kính cẩn tặng ông mấy cuốn thơ, truyện in riêng của tôi cùng tập "Thế Giới Mới" và mấy tờ Báo Văn nghệ, Thể thao & Văn hóa và Người Hà Nội... có những bài tôi viết về ca trù.
Tôi tưởng như thế là mình đã toại nguyện lắm rồi. Nào ngờ, giáo sư đã dành cho tôi một sự ưu ái đặc biệt mà trước đó tôi không dám mơ tới. Tôi may mắn được dự một lớp học đặc biệt có lẽ xưa nay thế giới chưa từng có: Lớp học tại nhà riêng của giáo sư Trần Văn Khê ở Paris, giữa Thủ đô nước Pháp với la liệt những nhạc cụ dân tộc cả trong nước và ngoài nước, mà thầy giáo là một giáo sư-tiến sỹ-viện sỹ tầm cỡ quốc tế và học trò duy nhất chỉ có một mình tôi.
Vị giáo sư ngồi đó giảng bài (vì hai chân ông bị yếu) mà say sưa nhiệt tình như đang giảng trước cử tọa đông đảo ở một trường đại học âm nhạc tầm cỡ nào đó trên thế giới vậy. Khi phân tích, giảng giải, khi cất tiếng hát, tiếng ngâm và làm điệu bộ bằng tay minh họa, khi tấu lên mấy khúc nhạc bằng mấy cây đàn để so sánh âm nhạc truyền thống Việt Nam với âm nhạc truyền thống của Nhật Bản, Ba Tư, Trung Quốc, Ấn Độ...
Ông khẳng định: “Âm nhạc Việt Nam có một thực chất nghệ thuật, một thực chất khoa học. Nó là hoa thơm cỏ lạ của riêng mình, các nước không có. Mình mang ra thế giới cho họ mê, họ quý, họ tôn trọng mình và mình làm giàu có thêm cho vườn hoa âm nhạc trăm hương nghìn sắc, muôn màu muôn vẻ của thế giới. Âm nhạc truyền thống Việt Nam rất độc đáo, nó có cá tính đẹp, nó có một giá trị có sức hấp dẫn đặc biệt. Nhạc Việt Nam hát thì luyến láy, đờn thì nhấn nhá, đờn theo nguyên tắc “chân phương hoa lá” (nghĩa là thêm hoa lá vào những âm thanh chính của điệu thức). Khi mình đờn, bàn tay mặt mình sinh đẻ ra âm thanh, bàn tay trái mình tinh vi lắm, nó nhấn nhá, nuôi dưỡng âm thanh từ trong tim đi ra; hát thì phải truyền khẩu, đờn thì phải truyền ngón... Đó là chỗ mạnh của âm nhạc mình làm cho người nghe thú vị.”
Đặc biệt, khi giảng về nghệ thuật ca trù - nghệ thuật bác học đặc sắc, độc đáo và lâu đời của dân tộc, giáo sư đã gắn sự ra đời của cây đàn đáy của ca trù với truyền thuyết dân gian về chàng thư sinh Đinh Lễ được hai Tiên ông dạy cho cách đánh đàn và truyền nghề đàn.
“Tiếng đàn của Đinh Lễ đã chữa khỏi bệnh câm cho Bạch Hoa tiểu thơ và chàng được kết duyên cùng nàng.” Rồi, khi lướt tay trên dây và phím đàn để minh họa đàn đáy có “tiếng vê,” “tiếng lia,” “tiếng vẩy,” khi cất cao giọng hát để phân biệt ca trù có cách “hát khuôn” (hát chân phương), có cách hát “hàng hoa.”
Đoạn, ông đặt trước mặt một bộ phách và nhiệt tình làm “thị phạm,” khi đánh phía dẹt xuống “đòn gõ” là “lá phách,” đánh phía tròn xuống là “tay ba.” Khi gõ phách thì phải “một tay thấp, một tay cao,” “một tiếng nhẹ, một tiếng mạnh,” “một tiếng trong, một tiếng đục”...
Ông thân mật tâm sự: “Tôi sinh ra trong gia đình bốn đời nhạc sỹ, biết nói là biết hát. Càng ra khỏi đất nước tôi càng yêu nhớ đất nước, càng tìm tòi và càng thấy đẹp.”
Ông xúc động kể lại cuộc hội ngộ kỳ thú hơn một phần tư thế kỷ trước giữa ông - người nghiên cứu âm nhạc dân tộc cổ truyền với các nhạc sỹ, các nghệ sỹ ca trù hàng đầu của đất nước như Đỗ Nhuận, Nguyễn Xuân Khoát, Trúc Hiền, Đinh Khắc Ban, Phó Đình Kỳ, Nguyễn Thị Phúc và Quách Thị Hồ.
Ông không giấu nổi niềm tự hào trước những thành quả tốt đẹp của nghệ thuật truyền thống dân tộc nói chung và âm nhạc cổ truyền Việt Nam nói riêng, đĩa hát ca trù của nghệ sỹ nhân dân Quách Thị Hồ ở Hội đồng Quốc tế âm nhạc UNESCO và ở Liên hoan Âm nhạc châu Á tại Bình Nhưỡng, tiếng đàn tranh của Hải Phượng ở Pháp, tiếng hát Thúy Hòa với nhóm ca trù Thái Hà ở nhiều nước phương Tây làm người nghe phải “sốc” (chấn động mạnh). Tất cả vẫn mãi mãi xanh tươi và không ngừng phát triển.
Cuối cùng, giáo sư Trần Văn Khê vẫn không quên nhắc lại: “Nhưng đưa cho người nước ngoài phải cân nhắc liều lượng, đưa ra lần lần, có mức độ vừa phải, và phải thấy rằng “âm nhạc dẫu ai nói gì cũng không phải là tiếng nói của đại đồng. Do đó, phải có người bắn mũi tên âm thanh vào trái tim người ta.”
Đấy là giáo sư muốn khẳng định một kinh nghiệm: đưa nghệ thuật truyền thống dân tộc ra nước ngoài biểu diễn, phải chú ý kết hợp với giới thiệu, giảng giải ngắn gọn cho người ta hiểu: “Chúng ta phải trao cho người nước ngoài cái chìa khóa để vào vườn âm nhạc Việt Nam.”
Vị giáo sư xúc động giữ chặt bàn tay tôi trong tay ông giây lâu. Rồi ông ân cần trao tặng tôi những bức ảnh quý và nhiều tập tài liệu ông đã nghiên cứu và giảng dạy nhạc truyền thống Việt Nam ở nước ngoài cùng mấy cuốn sách về âm nhạc đã xuất bản của ông, trong đó có tập “Tình nhạc duyên thơ với Trần Văn Khê” do Trần Ngọc Sương và thân hữu xuất bản ở Pháp (Montréal - 1998).
Mấy hôm sau, người trợ lý của giáo sư mang đến Đại sứ quán Việt Nam tại Paris cho tôi một bọc tặng phẩm khá nặng, bao gồm những đĩa CD ca Huế, ca trù, quan họ... các nghệ sỹ Việt Nam biểu diễn ở nước ngoài, những băng casstte về các làn điệu dân ca cả ba miền mà giáo sư đã sưu tầm được trong mấy lần về nước, và về cuộc giao lưu kỳ thú đầu tiên giữa ông với các nghệ sỹ ca trù hàng đầu, và cả mấy băng ghi hình giáo sư Khê đang giảng ca trù cho người nước ngoài, đang ngâm thơ, lẩy Kiều và đang dạy cho những ông Tây bà đầm Paris hát ru...
Ông cũng không quên sang tặng tôi băng ghi hình về cuộc gặp gỡ kỳ thú vô song mà giáo sư đã ưu ái dành cho tôi mấy hôm trước (ngày 16/7/1998) tại nhà riêng của ông.
Mãi tới vài năm sau tôi mới được gặp lại thầy giáo âm nhạc Trần Văn Khê của tôi nhân dịp giáo sư về nước dự hai cuộc hội nghị quan trọng tổ chức tại Hà Nội: Hội nghị Vật lý với hơn 200 nhà khoa học trên thế giới (tháng 7/2000) và Hội nghị “Việt Nam trong thế kỷ 20” (tháng 9/2000) mà lần nào ông cũng gọi điện về trước, ngỏ ý muốn tôi làm cầu nối để liên hệ, thống nhất với Giám đốc Nhà hát Chèo Trung ương về một chương trình nghệ thuật truyền thống đặc sắc dành phục vụ Hội nghị Khoa học quốc tế nói trên, đồng thời để ông có điều kiện gặp gỡ, trò chuyện với anh chị em trong giới nghệ sỹ miền Bắc.
Với một người đã ở tuổi ngoại bát tuần, chân yếu, sức khỏe sút kém mà vẫn giàu nhiệt tình và sung sức với nghệ thuật truyền thống dân tộc như thế, mà vẫn thật sự cảm thấy sung sướng như cá gặp nước, như nắng hạn gặp mưa rào mỗi lần về nước như thế thì, thật dễ hiểu rằng mặc dầu đã hơn nửa thế kỷ sống ở Pháp mà giáo sư-tiến sỹ Trần Văn Khê vẫn chỉ mang trong mình một quốc tịch duy nhất: Quốc tịch Việt Nam!
Và cũng thật dễ cảm thông với những giọt nước mắt đầy xúc động của giáo sư khi ông (cùng nhà thơ Chu Hà, giáo sư Vũ Ngọc Khánh và tôi) đến thăm và tận mắt chứng kiến hình ảnh lắt lay như ngọn đèn trước gió của nghệ sỹ nhân dân Quách Thị Hồ - nghệ sỹ ca trù hàng đầu của Việt Nam.
Một tâm hồn Việt Nam
Nhận lời mời của tiến sỹ Trần Thanh Vân từ Pháp về Hà Nội, dự một cuộc Hội nghị quốc tế quan trọng ở Viện Vật lý, gồm hơn 200 nhà khoa học trên thế giới, trong đó có hai vị đoạt giải Nobel, giáo sư-tiến sỹ âm nhạc Trần Văn Khê nghĩ ngay đến việc phải nhân cơ hội này để quảng bá nghệ thuật truyền thống dân tộc Việt Nam - điều đã trở thành máu thịt tâm huyết của cả một đời ông, ông liền gọi điện về Việt Nam tìm tên tuổi và điện thoại của Giám đốc Nhà hát Chèo Vũ Đình Quân.
Thế là sau hàng chục lần gọi qua gọi lại giữa Paris-Hà Nội, Giám đốc Vũ Đình Quân đã thống nhất với giáo sư Trần Văn Khê một chương trình lựa chọn đặc sắc những tiết mục nghệ thuật truyền thống của Nhà hát Chèo Trung ương dành phục vụ Hội nghị khoa học quốc tế nói trên. Giáo sư Khê yên tâm, phấn khởi. Sàn tập của Nhà hát Chèo sôi động ôn luyện.
Vừa hạ cánh xuống Sân bay Nội Bài tối 19/7, thì ngay hôm sau (20/7), giáo sư Khê đã đích thân đến tận Dịch Vọng để dự buổi tổng duyệt của Nhà hát Chèo. Ông say sưa theo dõi và hào hứng thưởng thức liên tục cả 10 tiết mục, tay không ngừng ghi chép.
Người trợ lý của giáo sư bấm máy ảnh và quay video ghi không sót một hình ảnh náo. Mặc dầu chỉ là diễn thử trên sàn tập, các nghệ sỹ Nhà hát Chèo đã diễn hết mình, hát hết mình.
Giáo sư Trần Văn Khê thích thú khen ngợi: “Hay quá! Đẹp quá! Các cháu giỏi quá! Thật là thú vị vô cùng! Tôi chưa bao giờ được xem biểu diễn nghệ thuật truyền thống dân tộc nhiều như thế, kỹ càng như thế, cảm nhận được hết cái hay, cái đẹp của nghệ thuật truyền thống qua từng điệu hát, qua từng cử chỉ, điệu bộ, đường mày, ánh mắt, đôi tay, nét đi, dáng đứng của diễn viên!”
Đúng theo kế hoạch, tối 23/7/2000, hàng chục ôtô lớn, nhỏ đã đưa khách của Hội nghị Quốc tế Vật lý hạt nhân đến Nhà hát Lớn, dự buổi biểu diễn nghệ thuật truyền thống dân tộc của Nhà hát Chèo Việt Nam.
Từ “Hề dẹp đám,” “Hát bỏ bộ” cho đến “Ba giá hát chầu”..., 10 tiết mục diễn ra liên tục trong ngót 1 giờ 40 phút mà vẫn đủ sức hấp dẫn để giữ chân được các nhà khoa học thế giới.
Có người xem vì hiếu kỳ, có người muốn biết những sự lạ trong trang phục, dáng dấp, điệu bộ của các diễn viên, song cũng không ít những vị khách quý nước ngoài đã thật sự chú tâm theo dõi và nhiệt thành cổ vũ, tán thưởng; bởi chẳng những họ cảm nhận được cái hay, cái lạ, cái khác biệt của nghệ thuật truyền thống Việt Nam qua tài diễn xuất của các nghệ sỹ tên tuổi như Thúy Chinh (vai Thị Mầu), Thúy Ngần (vai Thị Kính và Xúy Vân), qua tiếng đàn bầu sâu lắng mà ngọt ngào của Thu Hiền, và qua những lời ca, tiếng hát thống thiết, tinh tế mà tròn vành rõ chữ của nghệ sỹ Thanh Hoài (hát xẩm và hát ca trù); mà phần nào còn nhờ ở những lời giới thiệu, giảng giải rất ngắn gọn mà sâu sắc của giáo sư-tiến sỹ Trần Văn Khê.
Chẳng hạn, bằng tiếng Anh, giáo sư Khê cho các vị khách nước ngoài biết những điều cần nhất: Tiểu Kính Tâm là đàn bà, vì bi kịch gia đình mà phải giả trai đi tu. Thị Mầu lên chùa đang khi lẳng lơ ve vãn, tán tỉnh chú Tiểu mà lại tự giới thiệu: “Nhà tôi có chín chị em, nhưng chỉ mình tôi là chín chắn nhất đấy.” Tiếng cười trào lộng dân gian của người Viêt Nam là ở chỗ đó.
Cũng như đang khi nghệ sỹ Thúy Ngần trình diễn màn “Xúy Vân giả dại,” giáo sư Khê thuyết minh: “Trên thế giới có nhiều nhân vật điên (dại) nhưng chưa hề có một nhân vật điên nào như Xúy Vân: giả-điên-vì-tình, giả điên mà như thật-điên câm. Đó là kịch không lời: ánh mắt, nét mặt diễn viên biểu hiện diễn biến nội tâm phức tạp của nhân vật: uất ức, giận hờn pha lẫn cả cay đắng, xót xa...
Còn cử chỉ, điệu bộ, dáng dấp, động tác của diễn viên thì diễn tả cuộc sống đời thường của một người phụ nữ Viêt Nam chăm chỉ, giỏi giang: nào trồng trọt, cấy hái, nào ươm tơ dệt lụa, nào xe chỉ luồn kim với một đời sống tâm hồn phong phú và tươi tắn...
Vị giáo sư chỉ nói có ít vậy thôi mà nhiều vị khách nước ngoài đã nghe hiểu và thật sự thú vị. Đó phải chăng cũng là một minh chứng cụ thể, một kinh nghiệm bổ ích giáo sư Trần Văn Khê muốn nói với các nhà văn hóa, văn nghệ dân tộc khi “mang chuông đi đấm nước người.”
Cũng trong tuần lễ dự Hội nghị Quốc tế Vật lý nói trên, giáo sư-tiến sỹ Trần Văn Khê đã có ba cuộc gặp gỡ lý thú và bổ ích với giới nghệ sỹ miền Bắc.
Trước đó, từ Paris ông đã gửi thư tâm sự: “Thời chiến tranh, tôi như cây xa cội, thiếu nhựa sống. Sau hòa bình, mỗi năm về nước một lần, tôi như được tiếp thêm nhựa sống, thêm sinh lực, tôi học hỏi thêm, mỗi người dạy tôi một câu, một điệu, không biết bao nhiêu thầy dạy tôi, tôi học được nhiều lắm” và “Ngày trước, tôi đem những kiến thức nghiên cứu được về nghệ thuật truyền thống Việt Nam giảng bằng tiếng nước ngoài, cho người nước ngoài. Nay, điều tha thiết nhất của tôi, hạnh phúc lớn nhất của tôi là được giảng giải, trò chuyện về âm nhạc truyền thống của dân tộc mình bằng tiếng mẹ đẻ, cho đồng bào mình.”
Vị giáo sư-tiến sỹ đầu ngành của âm nhạc truyền thống Việt Nam, người mà tên tuổi đã nổi tiếng trên khắp cả các châu lục, người mà hơn nửa thế kỷ đã chuyên tâm, tự nguyện giảng dạy, quảng bá rộng rãi hơn 40 nước trên thế giới về nghệ thuật cổ truyền Việt Nam, mỗi lần về nước đã thực sự cảm thấy sung sướng như cá gặp nước, như nắng hạn gặp mưa rào.
Còn giới nghệ sỹ miền Bắc đã nhiêt liệt đón mời ông với ý thức hết sức “tranh thủ khai thác” và “tận hưởng” vốn quý của dân tộc. Nhiều nghệ sỹ tên tuổi như nghệ sỹ nhân dân Đào Mộng Long, nhà thơ-nhà báo lão thành Chu Hà và các vị lãnh đạo đầu ngành các Hội nghệ sỹ Sân khấu, Hội Nhạc sỹ, Viện Âm nhạc, Giám đốc Sở Văn hóa và cả nhạc sỹ-thi sỹ Nguyễn Đình Thi, Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật Việt Nam đều tay bắt mặt mừng và nói với giáo sư Trần Văn Khê những lời quý mến và trân trọng.
Sáng ngày 21/7/2000, mặc dầu trời mưa và chân yếu phải chống gậy, giáo sư Trần Văn Khê đã đến rất sớm với Viện Nghiên cứu Âm nhạc ở 32 Nguyễn Thái Học. Ông thật sự không giấu nổi niềm vui khi được thấy cơ ngơi Viện đã khang trang, các thiết bị ghi âm tối tân, nhạc cụ phong phú, băng đĩa rất nhiều, tất cả đều được sắp xếp cẩn thận, trưng bày đẹp mắt. Và ông cũng không dấu nổi niềm tự hào trước những thành quả tốt đẹp của nghệ thuật truyền thống dân tộc nói chung và âm nhạc cổ truyền Việt Nam nói riêng khi đưa ra nước ngoài.
Sau khi tọa đàm thân mật đáp ứng yêu cầu của nhiều nhạc sỹ muốn biết về nhạc Phật giáo, muốn so sánh âm nhạc truyền thống Viêt Nam với âm nhạc truyền thống của Nhật Bản, Ba Tư, Trung Quốc, Ấn Độ... giáo sư Trần Văn Khê nhắc lại: “Âm nhạc dầu ai nói gì cũng không phải là tiếng nói của đại đồng. Do đó phải có người bắn mũi tên âm thanh vào trái tim người ta” và “ Chúng ta phải trao cho người nước ngoài cái chìa khóa để vào vườn âm nhạc Viêt Nam.”
Sáng 25/7/2000, giáo sư-tiến sỹ Trần Văn Khê đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo và một số nghệ sỹ sân khấu Việt Nam tại 51 Trần Hưng Đạo. Ông khẳng định: “Kịch nghệ truyền thống Việt Nam kỹ thuật rất tinh vi, phong cách thể hiện rất khác biệt với các nước (kể cả với Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ): hát khác, múa khác, đi khác, vuốt râu khác... Chỉ riêng cái quạt cũng được dùng với trạng thái tình cảm khác nhau, rất đẹp. Bàn tay từ đâu tới, đôi mắt từ đó tới. Đôi mắt từ đâu tới, cái tâm từ đó tới. Cái tâm từ đâu tới, tiếng hát từ đó tới. Người nước ngoài thích, phục, quý, trọng nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam vì nó khác biệt ở chỗ đó. Càng đưa ra cái gì nguyên chất của chúng ta, thế giới càng chấp nhận. Chúng ta không phải tìm những chất ngoại lai để hợp với bên ngoài, mà phải luôn luôn giữ bản sắc dân tộc của mình, lập trường dân tộc phải vững khi “đối thoại” với người nước ngoài. Mình không bị văn hóa bên ngoài chi phối, mà phải phát huy ảnh hưởng truyền thống của mình với bên ngoài.”
Ước muốn trở về định cư trên quê Việt để được giảng dạy, truyền bá nghệ thuật truyền thống dân tộc cho đồng bào mình bằng tiếng mẹ đẻ của giáo sư-tiến sỹ Trần Văn Khê đã được toại nguyện.
Từ năm 2005, được sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh, giáo sư-tiến sỹ Trần Văn Khê đã về hẳn, sống và làm việc tại Trường ca trang, 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh. Mặc dầu chân yếu, sức khỏe giảm sút nhưng nhiệt tình và lòng yêu quý nghệ thuật truyền thống dân tộc của thầy vẫn dồi dào, sôi nổi, trẻ trung. Giáo sư vẫn thường xuyên xuất hiện trên truyền hình, các cuộc Hội thảo, các chương trình truyền bá về nghệ thuật dân tộc...
Vậy mà, tiếc thay! Chỉ sau một tháng nằm Viện vì lâm bệnh nặng, mặc dầu được gia đình và bạn hữu chăm sóc hết lòng, các thầy thuốc tận tình cứu chữa, giáo sư-tiến sỹ Trần Văn Khê đã trút hơi thở cuối cùng vào hồi 2 giờ 55, ngày 24/6/2015, tại Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 95 tuổi.
Mặc dầu vẫn biết quy luật không tránh khỏi của đời người, tôi vẫn quá bàng hoàng, đau xót khi nhận được hung tin giáo sư Trần Văn Khê qua đời! Vô cùng thương tiếc người thầy-người cha, bao kỷ niệm gắn bó, gần gụi giữa hai bác cháu gần vài chục năm qua bỗng ùa về trong tôi tường tận, rõ rành như một cuốn phim quay chậm.
Tôi muốn được chia sẻ cùng bạn đọc và bằng hữu, như nén tâm hương con trân quý kính dâng lên hương linh giáo sư Trần Văn Khê với lòng tri ân sâu sắc một người đã trọn đời tâm huyết với nghệ thuật truyền thống dân tộc - Một tâm hồn Việt Nam!