'Giáo sư Xoay' viết nhạc kịch, cổ vũ khán giả nhí theo đuổi ước mơ

Lấy cảm hứng và sử dụng tình tiết từ các câu chuyện cổ tích nổi tiếng thế giới, vở nhạc kịch phát triển thêm những hướng nội dung mới, gây cảm giác vừa lạ vừa quen, bất ngờ và thú vị cho người xem.
Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, nghệ sỹ ưu tú Trần Ly Ly chia sẻ về vở diễn tại buổi họp báo ngày 7/5. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, nghệ sỹ ưu tú Trần Ly Ly chia sẻ về vở diễn tại buổi họp báo ngày 7/5. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Vở nhạc kịch “Ông lão đánh cá và con cá mập” do “giáo sư Xoay” Đinh Tiến Dũng viết kịch bản sẽ là món quà giải trí dành cho thiếu nhi dịp 1/6.

Vở nhạc kịch có sự góp mặt của dàn nghệ sỹ có giọng hát đầy nội lực nhưng lần đầu tiên thử sức trong loại hình sân khấu nhạc kịch như ca sỹ Đông Hùng (trong vai Cá mập bố), Trung Dũng (Ông lão), ca sỹ Thu Hiền VK (Bà lão)... Đặc biệt, vở diễn có sự tham gia của nhiều tài năng nhí hóa thân vào nhân vật Cá mập con, Cá hề, Cá vàng, Cá bạc, Cá khuyến khích, nhóm Phù Du…

Kịch bản “Ông lão đánh cá và con cá mập" được định dạng nội dung kiểu “cổ tích tập 2" khi lấy cảm hứng và sử dụng tình tiết từ các câu chuyện cổ tích nổi tiếng thế giới, phát triển thêm những hướng nội dung mới, gây cảm giác vừa lạ vừa quen, bất ngờ và thú vị cho người xem.

Với tổng thời lượng khoảng 45 phút, thế giới thủy cung của các loài cá sẽ được tái hiện một cách sống động.

Chia sẻ về ý tưởng kịch bản, tác giả Đinh Tiến Dũng cho hay anh muốn thay đổi, đảo chiều nhân vật để tạo ra một phiên bản “cổ tích hiện đại” gần gũi với đời thực, từ đó đưa ra một góc nhìn mới, độc lập và phản biện cho người xem, đặc biệt là các em nhỏ.

“Cá vàng với khả năng ban điều ước trong cổ tích xưa chưa hẳn đã mang lại hạnh phúc đúng nghĩa. Ngược lại, nhân vật Cá mập vốn được mặc định là 'vai ác' gây bất ngờ khi lại là người tốt. Cổ tích thời nào thì cũng gieo cho con người những ước mơ và hướng thiện, thông điệp của vở diễn không nằm ngoài nội dung đó. Tôi muốn cổ vũ các em nhỏ theo đuổi ước mơ của mình, đừng ngồi yên chờ chú 'cá vàng' nào đó ban cho như trong truyện,” tác giả cho biết.

Anh nói thêm rằng trẻ em bây giờ có góc nhìn khác về xã hội, khả năng cảm thụ văn hóa-nghệ thuật cũng khác thế hệ trước. Do đó, những người làm về văn hóa giải trí phải “xoay 180 độ” mới có thể theo kịp và tiếp cận được.

[Khám phá thế giới nội tâm của nữ sỹ Xuân Quỳnh qua nhạc kịch 'Sóng']

Tham gia dự án ở vai trò cố vấn nghệ thuật, Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, nghệ sỹ ưu tú Trần Ly Ly chia sẻ: “Vở nhạc kịch khiến tôi thích thú bởi kịch bản ‘phản cổ tích,’ nghĩa là dựa trên cốt chuyện cổ tích kinh điển, tác giả thể hiện thông điệp tinh tế, khéo léo, dưới góc nhìn và hình thức mới mẻ để tiếp cận các em thiếu nhi.”

Nghệ sỹ ưu tú Trần Ly Ly cho rằng nội dung của tác phẩm có tính nhân văn, giáo dục các em về tình người, lòng nhân ái, khuyến khích các em nhỏ không ngừng mơ ước và nỗ lực lao động để thực hiện ước mơ của chính mình.

Vở nhạc kịch sẽ diễn ra trong hai đêm 1/6 và 2/6 tại Nhà hát Âu Cơ (số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Đống Đa, Hà Nội)./.

Giới thiệu quá trình sản xuất vở nhạc kịch:

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục