Nhiều ngôi làng cổ của tỉnh Thừa Thiên-Huế vẫn đang lưu giữ được một kho tàng đồ sộ các đạo sắc phong của các triều vua nhà Nguyễn phong tặng.
Đây được xem như "báu vật" linh thiêng của cả cộng đồng, được gìn giữ bảo vệ, lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Tuy nhiên, trước tình trạng ăn trộm cổ vật tại nhiều nơi thờ tự, trong đó có các đạo sắc phong, cùng với việc bảo quản không khoa học trước những điều kiện khắc nghiệt của thời tiết đã khiến cho nhiều đạo sắc phong bị rách nát, hư hỏng nặng hoặc biến mất.
Trước thực trạng này, những năm qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã giúp đỡ nhiều ngôi làng trên địa bàn tỉnh trong việc phục hồi, tư vấn bảo quản, số hóa nhằm lưu giữ nguồn di sản tư liệu Hán Nôm quý trong dân gian.
Gian nan trong bảo quản sắc phong
Cổ Bưu là một ngôi làng cổ nằm ven Kinh thành Huế, nay thuộc phường Hương An, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên-Huế). Ngôi làng có nhiều công trình di tích lịch sử được các triều vua nhà Nguyễn ban tặng sắc phong, trong đó phải kể đến ngôi điện thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na.
Ông Phan Tuấn, 62 tuổi, người trông coi ngôi điện nhiều năm, cho biết ngôi điện thờ hiện đang lưu giữ 6 đạo sắc phong, trong đó sắc phong cổ nhất là thời vua Thiệu Trị ban cho điện thờ vào năm 1845.
[Thành lập tủ sách Huế, quảng bá văn hóa vùng đất Cố đô]
Trước đây các sắc phong thường được cho vào ống tre, nứa treo lên ở khu vực hậu cung của ngôi điện.
Tuy nhiên, do biến đổi của lịch sử, các sắc phong được cất giữ ở nhiều nơi khác nhau, có khi được mang về cất tại nhà của những vị trông nom điện thờ nhằm đề phòng khỏi bị kẻ gian trộm cắp, làm thất lạc.
Trải qua thời gian, hiện các sắc phong tại điện thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na đều bị hư hại ở mức độ khác nhau, có những sắc phong bị hư hại đến 70%.
Năm 2019, trong quá trình đi thực địa sưu tầm và số hóa văn bản Hán Nôm, cán bộ Phòng Nghiên cứu khoa học, thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã hỗ trợ phục chế các bản sắc phong bị hư hại tại điện thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na, cũng như sao in các bản sắc phong để treo trên tường, phục vụ người dân và du khách đến chiêm bái có cơ hội tìm hiểu.
Sáu bản sắc phong gốc tại điện thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na sau khi phục chế xong hiện đang được bảo quản một cách khoa học nhằm hạn chế hư hại theo thời gian.
Không được may mắn như các sắc phong tại điện thờ Thánh mẫu Thiên Y A Na, hàng chục sắc phong tại đình làng Cổ Bưu đã bị hư hỏng hoàn toàn, không có khả năng phục chế lại do quá trình cất giữ bảo quản thiếu khoa học.
Ông Trần Ngáo, một vị cao niên của làng Cổ Bưu, vẫn còn đau đáu nỗi xót xa trước việc nhiều sắc phong quý do nhiều triều vua ban tặng cho đình làng bị hư hỏng, mục nát cách đây vài năm.
Theo các nguồn sử liệu, đình làng Cổ Bưu đã có từ cách đây hàng trăm năm thờ Thành hoàng làng và các vị tiền hiền của các dòng họ có công khai phá, lập làng tạo dựng lên một vùng đất Cổ Bưu trù phú nổi tiếng gần xa.
Dưới thời phong kiến, đình làng Cổ Bưu đã được các vị hoàng đế nhà Nguyễn ban tặng 23 đạo sắc phong, đây là niềm vinh dự, tự hào mà hiếm có ngôi làng nào có được.
Ông Trần Ngáo nhớ lại, trải qua thời gian, các thế hệ người dân trong làng luôn giữ gìn cẩn thận các sắc phong như "báu vật" của cha ông để lại.
Tuy nhiên, chính do số lượng sắc phong lớn sợ bị mất trộm nên người dân trong làng đã bàn bạc, thống nhất phải cất giữ cận thận trong nhiều lớp bảo vệ.
Một cái hộc bằng ximăng kiên cố được xây dựng ngay trong đình làng, các sắc phong được cuộn lại cho vào túi nylon bỏ trong một chiếc hòm tôn khóa lại và được đặt trong chiếc hộc.
Theo lệ làng Cổ Bưu, ba năm mới mở hội lớn một lần và khi đó những sắc phong mới được các vị bô lão trong làng đưa ra để thực hiện nghi lễ.
Mùa lễ hội năm 2018, cả làng Cổ Bưu đi từ cảm giác bất ngờ cho đến đau xót khi chứng kiến cảnh các sắc phong của làng được đưa ra ngoài trong tình trạng đã bị vón thành cục, hư nát toàn bộ do hơi nước ẩm toát ra trong thời gian dài.
Theo ông Trần Ngáo, điều may mắn là trước đó tất cả các sắc phong tại đình làng Cổ Bưu đã được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chụp lại, số hóa nên có khả năng phục hồi phiên bản.
Nỗ lực gìn giữ những "báu vật" của làng
Những câu chuyện về các sắc phong bị hư hại một cách đáng tiếc không chỉ xảy ra ở làng Cổ Bưu mà còn bắt gặp ở nhiều điểm di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Chị Đoàn Thị Mỹ Hà là một trong những cán bộ của Phòng Nghiên cứu khoa học (Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) có nhiều năm gắn bó với công việc phục chế các sắc phong cổ cho các đình làng, từ đường các dòng họ.
Chị Đoàn Thị Mỹ Hà chia sẻ để phục chế thành công các sắc phong phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trước hết là mức độ hư hại của chính những sắc phong này và sự tỉ mỉ, cẩn trọng của cả một êkip làm việc.
Các sắc phong triều Nguyễn phần lớn được làm từ chất liệu giấy long đằng, vì vậy khi phục hồi phải dùng loại giấy dó với đặc tính mềm, dai, làm bằng chất liệu tự nhiên mới phù hợp.
Theo chị Hà, để phục hồi các sắc phong bị hư hại, trước hết cần thực hiện công đoạn bóc tách các mảnh rách vụn của sắc phong và tiến hành vệ sinh khử mốc.
Sau đó, một êkip từ 5-6 người sẽ tiền hành sắp xếp tỉ mỉ lại các mảnh vụn theo vị trí nguyên bản, trước khi chuyển toàn bộ sắc phong sang nền giấy dó đã được phủ một lớp bột hồ đặc biệt để kết dính với nhau.
Do tính chất công việc đòi hỏi về độ chính xác cao nên việc phục chế một sắc phong thường phải kéo dài trong nhiều ngày mới hoàn thiện.
Đa phần cán bộ Phòng Nghiên cứu khoa học (Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) thường phải về trực tiếp tận các điểm di tích để làm công việc này, bởi người dân không muốn các sắc phong bị di chuyển ra khỏi làng.
Gắn bó với công việc nhiều năm, chị Hà không khỏi xót xa trước nhiều sắc phong bị hư hại do sự thiếu hiểu biết của người dân trong việc bảo quản.
Nhiều nơi, khi sắc phong bị rách tém, người dân mang đi ép nhựa để cho cứng lại, dễ dàng treo lên.
Tuy nhiên điều này là phản khoa học, bởi để lâu ngày hơi nước sẽ tích tụ bên trong, đẩy nhanh quá trình mục nát và khi bóc tách ra lại các sắc phong dễ dàng bị rã ra hư hại đến bản gốc.
Do vậy, quá trình bảo quản, các sắc phong nên để trong hộp gỗ có bỏ một ít hạt tiêu khô để chống ẩm, thỉnh thoảng đưa ra phơi dưới ánh nắng vừa phải, hoặc đựng trong túi hút chân không.
Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và các đơn vị liên quan, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế hiện có khoảng trên 2.100 sắc phong. Sắc phong là loại hình văn bản hành chính cấp cao của vương triều, do các vị vua ban bố.
Sắc phong triều Nguyễn về cơ bản có hai loại gồm sắc phong nhân vật và sắc phong thần (thiên thần, nhiên thần, nhân thần).
Sắc phong nhân vật là loại hình văn bản hành chính do Hoàng đế ban phong về phẩm hàm, tước vị cho các quan lại của triều đình, thăng thưởng hàm tước, ban tặng hoặc truy tặng thụy hiệu cho ông bà, cha mẹ của những quan viên có công trạng.
Sắc phong thần là do Hoàng đế phong tặng và xếp hạng cho các vị thần được thờ cúng trong các đình làng, di tích. Hiện nay, loại hình sắc phong thần hiện hữu ở phần lớn các làng xã trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Tiến sỹ Lê Thị An Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học (Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế) cho biết, sắc phong thần linh là một loại hình tư liệu quý của làng xã, gắn liền với lịch sử và đời sống tâm linh của người dân. Sắc phong có tính độc bản, được ban cấp vào một thời điểm cụ thể nên nội dung sắc phong có tính chính xác gần như tuyệt đối.
Đây là nguồn tư liệu chuẩn xác nhất giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về sự thay đổi các địa danh và đơn vị hành chính của các làng xã. Ngoài ra, sắc phong của mỗi triều đại cũng mang những giá trị về nghệ thuật thể hiện qua họa tiết, chữ viết, ấn triện, cách hành văn…
Nhằm góp phần chung tay trong việc lưu giữ, bảo tồn những đạo sắc phong đang lưu giữ tại nhiều điểm di tích, những năm qua Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã phối hợp với các đơn vị đã thực hiện nhiều chương trình khảo sát, sưu tầm, dịch thuật, tổng hợp hệ thống nhằm phục vụ cho công tác số hóa các sắc phong hiện còn.
Chính điều này đã giúp cho nhiều ngôi làng có cơ hội phục hồi phiên bản sắc phong trong trường hợp bị mất trộm hay hư hỏng do nhiều nguyên nhân./.