Giới chuyên gia đưa ra biện pháp để G20 có thể chặn cú sốc kinh tế

Theo chuyên gia cố vấn Viện Brookings, mối đe dọa thực sự là không ai biết rõ đâu sẽ nút thắt của hoạt động sản xuất vì việc xác định bản đồ chuỗi cung ứng toàn cầu đã không còn minh bạch.
(Nguồn: indiatimes)
(Nguồn: indiatimes)

Trong bối cảnh Saudi Arabia - nước giữ chức Chủ tịch luân phiên Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) - kêu gọi tiến hành hội nghị trực tuyến khẩn cấp khi thị trường tài chính toàn cầu chao đảo, kinh tế các nước trượt dốc và đang trên đà rơi vào suy thoái do các lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2, giới chuyên gia đã đưa ra nhiều biện pháp để giúp tổ chức này ngăn chặn cú sốc kinh tế. 

Trang mạng eastasiaforum.org cho rằng có một cơn bão "hoàn hảo" sắp xảy ra trong nền kinh tế toàn cầu.

Hầu hết các cuộc suy thoái đều xuất phát từ cú sốc cầu, cú sốc cung hoặc cú sốc tài chính và COVID-19 có lẽ hội tụ cả ba cú sốc này. Trên thực tế, cú sốc cầu khi dịch COVID-19 đang "hoành hành" khá rõ ràng khi toàn bộ dân số đang cách ly. Giới phân tích dự báo, sẽ có một sự sụt giảm lớn trong quý 2/2020, từ 5-10% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Cú sốc cung cũng tương tự.

Theo ông Geoff Gertz, chuyên gia cố vấn Viện Brookings, mối đe dọa thực sự là không ai biết rõ đâu sẽ nút thắt của hoạt động sản xuất vì việc xác định bản đồ chuỗi cung ứng toàn cầu đã không còn minh bạch.

Trong khi đó, những hành động gần đây của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) nhằm bơm 500 tỷ USD vào các thị trường mua lại cho thấy sự khủng hoảng trong thanh khoản. Do đó, để có thể mang lại hiệu quả, G20 cần hành động đồng thời trên cả 3 mặt trận để đem lại hiệu quả.

Theo giới chuyên gia, đầu tiên, các nhà lãnh đạo G20 cần công bố gói kích thích tài khóa phối hợp để giải quyết cú sốc. Một cam kết tập thể của G20 có thể là đòn bẩy giúp các quốc gia khác cũng tung ra kích thích.

Thứ hai, các nhà lãnh đạo cần nhắc lại cam kết lâu dài để tránh phá giá tỷ giá cạnh tranh. Nghiên cứu cho thấy phá giá cạnh tranh có thể đi theo hình xoắn ốc và trở thành các cuộc chiến tranh tiền tệ toàn diện.

[IMF cảnh báo kinh tế toàn cầu suy thoái hơn năm 2009 do dịch COVID-19]

Thứ ba, các nhà lãnh đạo G20 cũng cần có một cam kết tập thể để giữ cho các chuỗi cung ứng toàn cầu luôn mở nhằm giải quyết cú sốc cung. Điều này bao gồm cung cấp cơ hội để các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận tín dụng. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo nên cam kết không đưa ra bất kỳ biện pháp đầu tư hoặc thương mại hạn chế mới nào, kể cả dưới vỏ bọc là nhằm giải quyết vấn đề y tế.

Đương nhiên, chuỗi cung ứng quan trọng nhất trong ngắn hạn là thiết bị y tế. Kể từ đầu năm 2020, 24 quốc gia đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu đối với thiết bị y tế.

G20 nên công khai cam kết loại bỏ các rào cản đối với việc nhập khẩu thiết bị y tế, xà phòng, chất khử trùng và thuốc men có liên quan, cũng như nhất trí thay đổi hoàn toàn và ngừng tất cả các lệnh cấm xuất khẩu và khuyến khích các nhà cung cấp tư nhân thông qua đảm bảo giá tối thiểu.

Thứ tư, các nhà lãnh đạo G20 cần cam kết đảm bảo an toàn mạng lưới tài chính toàn cầu. Cú sốc COVID-19 đang biến thành một cuộc khủng hoảng tài chính. Việc thắt chặt các điều kiện tài chính có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng trong cán cân thanh toán tại các nền kinh tế yếu ớt.

Nghiên cứu cho thấy sự an toàn của mạng lưới tài chính toàn cầu hiện nay chưa lâm nguy, nhưng không thể cung cấp mức hỗ trợ tài chính như trong các cuộc khủng hoảng trước đây.

Trong khi đó, rất ít ai nắm rõ được cách thức Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các hạn mức tín dụng chéo song phương, các cơ chế tài chính khu vực và các ngân hàng phát triển được phối hợp trong trường hợp diễn ra khủng hoảng.

Việc giải quyết các bất cập để đảm bảo an toàn mạng lưới tài chính toàn cầu rất quan trọng trong việc ngăn chặn sự lây nhiễm kinh tế.

Các nhà lãnh đạo G20 cần cam kết tăng cường các nguồn tài nguyên của IMF và cách nhanh nhất làm được điều này là kéo giãn các khoản vay song phương của các quốc gia với IMF, vốn sẽ hết hạn trong 2 năm tới.

Việc mở rộng sử dụng khoản cho vay dự phòng của IMF sẽ đảm bảo phản ứng nhanh, giảm thiểu chi phí khủng hoảng, nhưng cũng sẽ đòi hỏi các nguồn lực đáng kể của IMF.

Các nhà lãnh đạo nên đề nghị IMF khẩn trương tăng cường lập kế hoạch và phối hợp với các cơ chế tài chính khu vực, chẳng hạn như Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu và Thỏa thuận Về đa phương hóa sáng kiến Chiang Mai.

Đồng thời, các tổ chức tài chính quốc tế phải được khuyến khích cung cấp các nguồn lực để cho phép các nước đang phát triển có cùng không gian tài chính như các nền kinh tế khác.

Giới chuyên gia cho rằng không nên lặp lại kịch bản như cuộc khủng hoảng năm 2008, theo đó, các quốc gia có thu nhập thấp không thể mở rộng chi tiêu tài khóa cũng như chương trình trợ cấp xã hội.

Thế giới hiện nay rất khác so với năm 2008 và nó đang phải đối mặt với một cú sốc lớn. Tiềm lực kinh tế vĩ mô hạn chế là rất đáng lo ngại, nhưng mối quan ngại lớn nhất có lẽ là sự suy giảm trong hợp tác quốc tế.

Việc đẩy lùi COVID-19 chỉ có thể đạt được thành công khi nước yếu nhất cũng khống chế được dịch này. Đơn cử nếu Đức có thể chiến thắng COVID-19, nhưng nếu Italy không thể, thì dịch bệnh này cũng sẽ sớm quay lại. Do đó, hợp tác toàn cầu là rất quan trọng.

Đây cũng là lý do mà G20 ra đời. Chính vì vậy, giới chuyên gia cho rằng hiện là thời điểm các nhà lãnh đạo của tổ chức này đứng lên để cùng đối phó với thách thức./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.