Các chuyên gia mới đây đã nhận định Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vẫn có khả năng duy trì tăng trưởng ổn định trong năm tới và xa hơn, bất chấp các áp lực suy giảm lớn dần.
Các ý kiến này được đưa ra tại hội thảo có tên “Dự báo cho kinh tế Trung Quốc trong năm 2020” do Ủy ban Quốc gia về Quan hệ Mỹ-Trung và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc của Đại học Bắc Kinh tổ chức ở New York.
Phát biểu tại hội thảo, nhà kinh tế trưởng của Bank of China International, ông Xu Gao, cho biết các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc vẫn có đủ công cụ để duy trì tăng trưởng ổn định. Ông hy vọng nước này sẽ xây dựng môi trường chính sách thân thiện hơn nữa trong năm tới vì điều đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ông Xu Gao cũng chỉ ra rằng tiềm năng đi lên của nền kinh tế Trung Quốc chủ yếu nằm ở yếu tố nguồn nhân lực dồi dào có tay nghề cao và chi phí thấp.
Các thành viên tham gia hội thảo cũng đề cao những nỗ lực mạnh mẽ của Trung Quốc trong việc tăng cường cải cách và mở cửa, đồng thời giải quyết những thách thức trong những năm gần đây.
[Trung Quốc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng]
Ông Barry Naughton, nhà kinh tế của Trường Chính sách và Chiến lược Toàn cầu tại Đại học California, nói Trung Quốc đang dẫn đầu trong việc áp dụng các hệ thống thanh toán phi tập trung, thuận tiện và không tiền mặt, và ông đánh giá điều này "thực sự ấn tượng."
Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục mở cửa ngành tài chính trong khi tiếp tục kiểm soát rủi ro. Điều này được thể hiện qua việc Bắc Kinh đưa ra 34 chính sách mở cửa trong lĩnh vực ngân hàng và bảo hiểm trong hai năm qua, gồm mở rộng phạm vi kinh doanh của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài và nới lỏng quy định để tiếp cận thị trường.
Chuyên gia Nicholas Lardy, thành viên cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, cho biết hoạt động tiêu thụ mạnh mẽ từ các hộ gia đình, sự tăng trưởng trong tiêu dùng và thu nhập khả dụng sẽ tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.
Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, kinh tế nước này đã tăng trưởng 6,2% trong quý 1-3/2019, vẫn nằm trong ngưỡng mục tiêu cả năm của chính phủ là 6-6,5%. Tiêu dùng tiếp tục là yếu tố chính thúc đẩy nhu cầu tăng, với hoạt động tiêu dùng đóng góp 60,5% vào tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn từ quý 1-3/2019./.