Giới phân tích: Thị trường vàng đang trong chế độ 'chờ đợi'

Từ đầu năm 2020 đến nay, giá vàng đã tăng 26% nhờ những chương trình kích thích kinh tế chưa từng có của các chính phủ và ngân hàng trung ương trên toàn thế giới.
Giới phân tích: Thị trường vàng đang trong chế độ 'chờ đợi' ảnh 1Khách hàng giao dịch vàng miếng. (Nguồn: Vietnam+)

Khép lại tuần giao dịch 19-25/10, thị trường vàng trong nước và thế giới biến động trong biên độ hẹp.

Theo giới phân tích, thị trường vàng đang ở chế độ chờ đợi những diễn biến mới trước khi có sự bứt phá.

Vàng vững giá trên mốc 56 triệu đồng/lượng

Ở những phiên đầu tuần, giá vàng trong nước và thế giới khá bình ổn khi xuất hiện những đồn đoán cho rằng gói kích thích kinh tế mới của Mỹ nhằm giảm bớt tác động của đại dịch COVID-19 sẽ được thông qua trước cuộc bầu cử tổng thống.

Trong phiên giao dịch đêm 20/10, giá vàng thế giới tăng nhẹ khi đồng USD suy yếu và hy vọng về một gói viện trợ mới cho kinh tế Mỹ trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đã khiến vàng "lấp lánh" hơn đối với nhà đầu tư như một biện pháp phòng ngừa lạm phát.

Giá vàng trong nước theo đó cũng tăng nhẹ và giữ ổn định trên mốc 56 triệu đồng/lượng trong phiên giao dịch 21/10.

Phiên giao dịch ngày 22/10, giá vàng thế giới giảm 1% trước sự mạnh lên của đồng USD và những hoài nghi về khả năng Mỹ có thể tung ra gói kích thích kinh tế mới trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Điều đó đã kéo giá vàng trong nước giảm nhẹ.

Hai phiên giao dịch cuối tuần, thị trường vàng tiếp tục ảm đạm với biên độ giao dịch khá hẹp. Giá vàng trong nước tiếp tục giữ vững trên mốc 56 triệu đồng/lượng.

[Giảm phiên sáng cuối tuần, vàng SJC xuống ngưỡng 56,3 triệu đồng]

Sáng 25/10, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 55,85-56,37 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra). Còn tại Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC cũng được giao dịch mua vào-bán ra ở mức 55,91-56,2 triệu đồng/lượng.

Tính chung cả tuần, giá vàng SJC được các doanh nghiệp trong nước điều chỉnh tăng gần 100.000 đồng/lượng.

Giá vàng đi xuống tuần thứ hai liên tiếp

Tính chung trong cả tuần, giá vàng giao kỳ hạn vẫn giảm gần 0,1%, ghi nhận tuần giảm giá thứ 2 liên tiếp.

Từ đầu năm 2020 đến nay, giá vàng đã tăng 26% nhờ những chương trình kích thích kinh tế chưa từng có của các chính phủ và ngân hàng trung ương trên toàn thế giới nhằm hỗ trợ các nền kinh tế hồi phục. 

Robin Bhar, một nhà phân tích độc lập nhận định giá vàng có khả năng đi ngang cho đến khi có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ.

Trong khi đó, ngân hàng Goldman Sachs gần đây dự báo giá vàng sẽ tăng lên mức 2.300 USD/ounce trong 12 tháng tới, khi chính sách tài khóa và tiền tệ ở các nước phát triển tiếp tục đẩy lãi suất xuống thấp và thúc đẩy nhu cầu phòng ngừa lạm phát.

Giới phân tích: Thị trường vàng đang trong chế độ 'chờ đợi' ảnh 2Vàng miếng được bán tại cửa hàng ở Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông David Meger, Giám đốc mảng giao dịch kim loại tại công ty tư vấn High Ridge Futures, cho biết thị trường vàng đang ở chế độ "chờ đợi" diễn biến tiếp theo của cuộc đàm phán về gói kích thích kinh tế mới của Mỹ.

Theo chuyên gia này, có vẻ như đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ vẫn còn chưa "tìm được tiếng nói chung" về một số vấn đề. Tuy nhiên, thị trường vẫn nuôi hy vọng rằng cuối cùng vẫn có một gói kích kích thích nào đó được thực hiện.

Tiến trình của các cuộc đàm phán gói viện trợ kinh tế mới liên quan tới dịch COVID-19 ở Quốc hội Mỹ vẫn không chắc chắn và những chi tiết về quy mô và phạm vi của gói viện trợ bổ sung cũng chưa rõ ràng.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi vào ngày 22/10 cho biết các cuộc đàm phán với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã "gần xong" nhưng Đảng Cộng hòa ở Thượng viện cho đến nay vẫn không sẵn lòng ủng hộ kế hoạch chi tiêu khoảng 2.000 tỷ USD.

Lãnh đạo phe đa số ở Thượng viện Mitch McConnell đã từ chối cam kết bỏ phiếu về gói cứu trợ trước ngày bầu cử Tổng thống.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow cho biết các cuộc đàm phán sáng ngày 23/10 về gói kích thích tài khóa hầu như không tiến triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.