Điểm nhấn của “Lễ hội mặt nạ chào Trung thu 2016” là việc giới thiệu những chiếc mặt nạ châu Phi trong không gian trải nghiệm của chương trình; tạo nên sự kết nối các nguồn di sản, giúp công chúng mở rộng sự hiểu biết về nghệ thuật sáng tạo mặt nạ trên thế giới.
Chương trình sẽ diễn ra vào ngày 4/9 tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (số 58 Quốc Tử Giám, Hà Nội) và ngày 10/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (97A Phó Đức Chính, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), do dự án Cùng bé sáng tạo (với thành viên là các giảng viên, sinh viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam, Câu lạc bộ Mỹ thuật Thiếu nhi Hà Nội...) tổ chức.
Tại đây, các em nhỏ tham dự lễ hội có thể tự tay sáng tạo nên những chiếc mặt nạ giấy bồi cho riêng mình, tham gia các trò chơi và trải nghiệm nghệ thuật.
Thằng Bờm - một nhân vật quen thuộc của văn hóa Việt sẽ cùng các em nhỏ tái hiện không khí rước hội đêm Rằm. Hoạt động này cũng là biểu tượng về sự viên mãn và ước vọng về một mùa màng bội thu của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước.
Bên cạnh việc vẽ mặt nạ, tìm hiểu cách bồi mặt nạ truyền thống, các bé sẽ cùng nhau thể hiện sự sáng tạo cùng bột màu trên quạt giấy - một biến tấu dân gian thú vị từ hình ảnh chiếc mo cau xưa.
“Những chiếc mặt nạ không chỉ đơn thuần là đồ chơi, vật dụng mua vui đêm Rằm mà ẩn sau đó, mỗi hình tượng đều mang thông điệp văn hóa rất rõ ràng. Ví dụ, mặt nạ ông Địa được làm với hình dáng tròn vo và sắc thái vui tươi tượng trưng cho sự màu mỡ của đất đai,” tiến sỹ Trang Thanh Hiền (Giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam) chia sẻ.
Những chiếc mặt nạ do các họa sỹ, sinh viên mỹ thuật và các bé vẽ cũng sẽ được gửi tặng cho các em nhỏ đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương vui Trung Thu./.