Giới thiệu các tác phẩm chọn lọc của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh

Không chỉ để lại một khối lượng đồ sộ các tác phẩm thuộc nhiều thể loại từ thơ, bút ký, bài phê bình, Phạm Ngọc Cảnh còn là một nghệ sỹ tài hoa có nhiều đóng góp cho sân khấu kịch nói.

Các nhà văn, nghệ sỹ tham dự chương trình giới thiệu tuyển tập “Phạm Ngọc Cảnh - tác phẩm tuyển chọn” nhân kỷ niệm 1 năm ngày mất của ông đều chung nhận định nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh đích thực là một nghệ sỹ-chiến sỹ đa tài.

Buổi giới thiệu tuyển tập do Hội Nhà văn Việt Nam, gia đình nhà thơ phối hợp tổ chức ngày 21/12, tại Hà Nội.

Tại buổi lễ, Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, nhớ về Phạm Ngọc Cảnh là nhớ về một lớp nghệ sỹ, chiến sỹ trong những năm tháng chiến đấu hào hùng của dân tộc.

Vừa hoạt động trên sân khấu, Phạm Ngọc Cảnh vừa lặng lẽ làm thơ, đến với những người lính nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Là nhà thơ thành công từ những năm đầu của giai đoạn chống Mỹ song ông không coi nhẹ nghệ thuật. Ông viết về người lính với chất thơ khỏe khoắn, nhưng không rơi vào ước lệ.

Thơ ông trưởng thành hơn khi viết về quê hương, tình người; day dứt về đời sống hiện tại. Đặc biệt, nhà thơ cũng tham gia viết nhiều lời bình cho phim tư liệu, tài liệu, nhất là phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhà thơ Vũ Quần Phương cũng ghi nhận Phạm Ngọc Cảnh là đại diện cho lứa nhà thơ kế thừa tinh hoa thơ văn kháng chiến chống Pháp, kết hợp giữa tính lãng mạn và hiện thực.

"Hương vị" thơ Phạm Ngọc Cảnh là sự gắn kết phẩm chất công dân và niềm cảm hứng đậm tính dân tộc, truyền thống; ngôn ngữ, hình ảnh khơi gợi nét xưa của làng xóm, ruộng đồng.

Phạm Ngọc Cảnh luôn say mê với cái mới, tìm tòi và cách tân thơ từ rất sớm. Trong ông luôn tràn ngập sự đam mê nghệ thuật, cuộc sống.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam-nghệ sỹ ưu tú Lê Chức chia sẻ những kỷ niệm đáng nhớ với nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh.

Nghệ sỹ Lê Chức cho rằng mình có may mắn được đọc nhiều thơ, lời bình sâu sắc, hấp dẫn của Phạm Ngọc Cảnh trên sóng phát thanh. Ông cũng ấn tượng với hình ảnh Trung úy Phương trong vở diễn “Nổi gió” do Phạm Ngọc Cảnh thủ vai, khâm phục nhà thơ đã vượt qua nhiều khó khăn, đứng vững trên sàn diễn suốt 25 năm.

Được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, tuyển tập “Phạm Ngọc Cảnh - tác phẩm tuyển chọn” 5 phần gồm thơ; bút ký; lời bình phim-lễ hội; tình cảm đồng nghiệp, người thân và ảnh theo dòng thời gian.

Đây là tập sách chọn lọc, giới thiệu 99 bài thơ, 13 bút ký, 6 lời bình về phim-lễ hội, 19 bài viết của người thân, đồng nghiệp và 50 bức ảnh là những khoảnh khắc, dấu ấn riêng của Nguyễn Ngọc Cảnh.

“Tập sách giúp người đọc cảm nhận gần như trọn vẹn tình cảm, tâm hồn, tài hoa, tấm lòng của nhà thơ với con người, cuộc đời và nghệ thuật,” nhà thơ Hữu Thỉnh chia sẻ.

Đại tá-Nhà văn Phạm Ngọc Cảnh sinh năm 1934 tại thị xã Hà Tĩnh, bút danh Vũ Ngàn Chi. Năm 13 tuổi, Phạm Ngọc Cảnh tình nguyện vào vệ quốc đoàn, rồi trở thành tuyên truyền viên văn nghệ của Trung đoàn 103 Hà Tĩnh.

Thời Kháng chiến chống Mỹ, ông là diễn viên Đoàn Văn công quân khu Trị Thiên, diễn viên kịch nói của Tổng cục Chính trị. Song song với sáng tác, nhà thơ cũng làm biên tập viên, phóng viên cho nhiều báo, đài. Ông trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1974 và mất năm 2014.

Trong sự nghiệp của mình, Phạm Ngọc Cảnh đã viết hơn 1.000 bài thơ, xuất bản 15 tập thơ, tiêu biểu như “Đêm Quảng Trị,” “Trăng sau rằm,” “Khúc rong chơi...”

Nhà thơ cũng viết gần 600 lời bình phim, lễ hội; tham gia gần 1.000 tọa đàm, diễn thuyết về thơ, cuộc đời-sự nghiệp của Bác Hồ, thắng lợi của cuộc chiến tranh nhân dân của dân tộc và cũng có một số bút ký khá nổi tiếng.

Nhà thơ được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2007; được tặng rất nhiều huân, huy chương các loại.

Dịp này, những người yêu thơ Phạm Ngọc Cảnh cũng được xem phim giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của Nhà thơ; thưởng thức một số bài hát nổi tiếng phổ thơ của ông, trong đó có bài “Vầng Trăng Ba Đình”./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục