"Giữ hồn" một địa chỉ đỏ mang dấu ấn của chiến sỹ biệt động Sài Gòn

Căn nhà số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh là địa chỉ đỏ mang dấu ấn quá trình hoạt động của những chiến sỹ biệt động Sài Gòn năm xưa.
"Giữ hồn" một địa chỉ đỏ mang dấu ấn của chiến sỹ biệt động Sài Gòn ảnh 1Nữ biệt động Sài Gòn hướng dẫn quân Giải phóng tiến vào sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Những ngày này, gia đình ông Trần Vũ Bình, con trai Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai (tức Năm Lai, Mai Hồng Quế, Năm U.SOM) đang gấp rút hoàn tất phục dựng căn nhà số 113A Đặng Dung, phường Tân Định, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh - địa chỉ đỏ mang dấu ấn quá trình hoạt động của những chiến sỹ biệt động Sài Gòn năm xưa.

Bí mật "Hộp thư bí mật"

Dù ít được biết đến so với căn hầm vũ khí nổi tiếng của biệt động Sài Gòn, ở 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu (phường 5, quận 3) đã được phục dựng cách đây 2 năm, nhưng căn nhà số 113A Đặng Dung lại là địa chỉ lịch sử ghi dấu rõ nhất quá trình hoạt động ngầm của các chiến sĩ biệt động. Đây là nơi “nhà tư sản” Mai Hồng Quế đã cất giữ, chuyển giao thư từ, tài liệu mật, tiền vàng, thuốc thang... ra chiến khu.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai có vai trò rất lớn đối với lực lượng biệt động Sài Gòn. Trong vỏ bọc là "nhà tư sản" Mai Hồng Quế, một nhà thầu chuyên trang trí nội thất cho Phủ Đầu Rồng (tức Dinh Độc Lập), được cấp giấy ra vào Dinh để làm việc, tự do đi lại trong thành phố, ông đã thiết lập nhiều đường dây vận chuyển vũ khí, khí tài, vẽ họa đồ Dinh Độc Lập, cung cấp bản đồ đường cống ngầm của Sài Gòn cho lực lượng cách mạng tham gia Chiến dịch Mậu Thân 1968.

Ông cũng chính là người dẫn đầu một đội biệt động Sài Gòn đánh vào Dinh Độc Lập - đầu não của chính quyền Sài Gòn. Cuộc đời, con người của ông Trần Văn Lai phần nào đã được khắc họa thông qua nhân vật Hoàng Sơn, chủ hãng sơn Đông Á trong bộ phim nổi tiếng "Biệt động Sài Gòn."

Căn nhà 113A Đặng Dung do ông Năm Lai mua và giao cho vợ chồng ông Đỗ Miễn (1920-2010, người thợ làm cùng ông Năm Lai), bà Nguyễn Thị Sự (1924-2000, được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba năm 1987) trông coi.

Căn nhà có một tầng lầu, phía dưới tầng trệt bán cơm tấm. Theo giấy tờ lịch sử để lại, cũng chính tại đây, từ năm 1946, ông Năm Lai giao cho bà Nguyễn Thị Sự dán cờ và rải truyền đơn của Việt Minh chống thực dân Pháp tại vùng Tân Định, ĐaKao...; từ năm 1949-1954 làm liên lạc cho Hội Liên hiệp bí mật do bà Phạm Thị Chinh (vợ ông Lai) hướng dẫn. Năm 1955, ông Lai giao cho bà Sự bắt liên lạc và đóng góp tiền cho cán bộ nằm vùng.

Giai đoạn 1964-1968, ông Đỗ Miễn giúp ông Năm Lai xây dựng cơ sở bí mật, là nơi hội họp của cán bộ, giao liên thư từ, tiền bạc... Trong căn nhà có một “hộp thư bí mật” được giấu kỹ trông như cột nhà dựng đứng. Những cán bộ nằm vùng đi vào đây mở “cột nhà” trao đổi tài liệu.

[Miền Nam trước ngày giải phóng qua góc nhìn của phóng viên TTXVN]

Ngoài ra, ông Năm Lai còn thiết kế hầm bên trong vách tường giữa căn nhà 113A và căn nhà kế bên (ông Trần Vũ Bình cho biết đó chính là nhà của tướng ngụy Ngô Quang Trưởng). Khi đó, nếu ở căn gác tầng trên sẽ không thấy được khoảng vách tường rỗng giữa hai nhà ở tầng dưới, chỉ khi nào mở được miếng ván sàn sát tường lên, mới phát hiện ra hầm.

Ông Năm Lai sử dụng một hầm làm nơi cất giữ đồ bí mật của mình bằng cách dùng dây cột những vật cần bỏ xuống và một hầm sát với cửa hậu dùng để trú ẩn, thoát thân khi có động.

"Hộp thư bí mật” 113A Đặng Dung đã tồn tại đến tận ngày giải phóng mà chưa từng bị phát hiện. Sau khi vợ chồng ông Đỗ Miễn, bà Nguyễn Thị Sự mất, căn nhà được bà Đỗ Thị Hạnh (tức má Hai Mão, nay đã gần 70 tuổi, là con lớn của ông Đỗ Miễn) trông coi.

Bà Hai Mão nhớ lại: “Sau trận đánh Mậu Thân 1968, má tôi (bà Nguyễn Thị Sự) bị bắt. Má vừa bị bắt đi, ba tôi bảo sợ má ở trong đó bị họ đánh khai ra ông Năm Lai nên ba tôi lấy toàn bộ hồ sơ, giấy tờ, tài liệu của ông Năm Lai ra đốt. Vài tiếng sau, lính ngụy kéo tới lục soát. Họ dỡ toàn bộ nhà lên nhưng vẫn không phát hiện được gì, đặc biệt không phát hiện ra hộp thư bí mật và hai căn hầm đứng trong vách tường nhà."

"Giữ hồn” một địa chỉ đỏ

Căn nhà 113A Đặng Dung là căn thứ 2 được gia đình ông Năm Lai dày công phục dựng, sau căn nhà số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu (phường 5, quận 3) - nơi cất giấu vũ khí của biệt động Sài Gòn. Để phục dựng lại nguyên trạng căn nhà 113A Đặng Dung, những người con của ông Trần Văn Lai, vợ chồng ông Đỗ Miễn cùng các con đã phải tính toán, nung nấu hơn 10 năm.

Ông Trần Vũ Bình cho biết từ năm 2005, ông được gia đình ông Đỗ Miễn nhượng lại căn nhà để làm công tác phục dựng.

Dựa vào lời kể của cha con ông Miễn và những hình ảnh xưa cũ của căn nhà, ông Bình đã nhờ người bạn đi khắp nơi tìm kiếm loại vật liệu đúng nguyên trạng căn nhà.

Ông Bình nói: “Theo lời kể và hình ảnh lịch sử, căn nhà được lợp bằng ngói âm dương từ thời Pháp. Đây là loại ngói có hình dạng cong, xếp viên úp xuống và viên úp lên, không tráng xi măng. Hiện nay, vẫn có một số làng nghề làm ngói âm dương nhưng không thể cứ lấy ngói ấy “đắp” lên là xong. Chúng tôi phải tìm những ngôi nhà thời Pháp xưa, đúng hình dáng, chất men của từng viên ngói âm dương giai đoạn đó, rồi tìm cách mua lại đem về kho để phục dựng."

Về thiết kế lan can tầng trên, cửa gỗ, ông Bình nhờ bạn bè, người quen tìm đúng loại gỗ của căn nhà trước đây.

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, những người thợ đang lót từng viên gạch bông đỏ-trắng trên sàn nhà tầng trệt để kịp mở cửa cho khách tham quan.

Ông Bình chia sẻ: “Tôi đã thuyết phục được má Hai Mão nấu cơm tấm đã bán trước đây, làm món kim chi Đại Hàn ăn kèm, rồi vừa uống càphê vừa ngắm hình ảnh, đồ vật xưa, hồi tưởng lại quá khứ."

Ông Bình cho rằng việc phục dựng được thêm một địa chỉ đỏ về quá trình hoạt động của cha mình là tâm huyết cả đời ông để thế hệ sau có cơ hội biết đến những năm tháng gian khổ nhưng hào hùng của người chiến sỹ biệt động Sài Gòn năm xưa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục