Giữ vững tăng trưởng 2 con số, xuất khẩu tiến gần mốc 300 tỷ USD

Nhờ kim ngạch xuất khẩu đạt được mức tăng trưởng cao nên sau 11 tháng, thặng dư thương mại của Việt Nam đã có xuất siêu, ước đạt 225 triệu USD.
Giữ vững tăng trưởng 2 con số, xuất khẩu tiến gần mốc 300 tỷ USD ảnh 1Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại Tân cảng Cát Lái. (Ảnh: Quang Châu/TTXVN)

Dù đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp song xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của cả nước, đóng góp tích cực vào việc hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

Giữ nhịp tăng trưởng cao

Theo đại diện Bộ Công Thương, trong tháng 11, xuất khẩu ước đạt 29,9 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, nâng kết quả xuất khẩu 11 tháng lên con số khoảng 299,67 tỷ USD (tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020.)

[Mở Gian hàng quốc gia trên sàn thương mại điện tử để hỗ trợ xuất khẩu]

Trong số đó, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản đóng góp khoảng 25,19 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước. Điểm nhấn là nhóm này không chỉ có sự gia tăng về lượng mà giá xuất khẩu cũng đạt cao hơn.

Tiêu biểu là xuất khẩu sắn tăng tới 64,7% về trị giá và tăng 47,1% về sản lượng so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu cao su mặc dù chỉ tăng 11,7% về lượng nhưng tăng tới 40,5% về trị giá xuất khẩu; xuất khẩu hạt tiêu mặc dù giảm 6,7% về lượng nhưng tăng tới 44% về trị giá xuất khẩu…

Đáng chú ý, xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục giữ vai trò chủ lực, với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 257,95 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 86,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước,) tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước.

Đại diện Bộ Công Thương cho biết việc tăng trưởng cao của nhóm này chủ yếu do sự trở lại hoạt động của các doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam sau hơn 3 tháng dừng hoạt động để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19.

Ngoài những mặt hàng có kim ngạch cao như: Điện thoại di động, sắt thép, gỗ và sản phẩm gỗ thì mặt hàng dệt và may mặc cũng hồi phục mạnh mẽ, ước đạt 28,89 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ…

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) chia sẻ lợi nhuận năm 2021 của Tập đoàn dự kiến cao gấp trên 2 lần năm 2020.

"Kết quả đạt được có thể cao hơn nếu vừa qua khu vực may phía Nam của Vinatex không bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bù lại năm nay lĩnh vực sản xuất nguyên liệu đóng góp 60% hiệu quả của Tập đoàn," ông Trường cho hay.

Nhìn chung, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường trọng điểm đều duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, trong đó có một số thị trường các doanh nghiệp xuất khẩu đã tận dụng được những lợi thế của các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu, như xuất khẩu sang EU, Hàn Quốc...

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy trong 11 tháng năm 2021, xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt 35,7 tỷ USD, tăng 11,9%; thị trường Hàn Quốc ước đạt 19,98 tỷ USD, tăng 14,6% và thị trường Nhật Bản ước đạt 18 tỷ USD, tăng 3%...

Thặng dư thương mại đạt 225 triệu USD

Ở chiều ngược lại, cả nước đã chi khoảng 29,8 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa, tăng 14% so với tháng 10. Tính chung 11 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 299,44 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước.

“Nhập khẩu tăng cao vào những tháng cuối năm do các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng cũng tăng cao phục vụ các dịp Noel và đón năm mới,” đại diện Bộ Công Thương cho hay.

Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 11 tiếp tục có sự cải thiện khi xuất siêu ước đạt 100 triệu USD. Tính chung 11 tháng, con số xuất siêu của cả nước ước đạt 225 triệu USD.

Chỉ còn 29 ngày nữa sẽ kết thúc năm 2021, về phía các doanh nghiệp cũng đang triển khai mọi giải pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất-kinh doanh; thích ứng linh hoạt trong bối cảnh "bình thường mới" cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin vượt qua những khó khăn của dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp vẫn duy trì được sản xuất và phục hồi sản xuất sau dịch một cách nhanh chóng.

Đáng chú ý, những ngành thế mạnh mặc dù chịu tác động lớn như dệt may, da giày… song nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên đà phục hồi được dự báo có thể sớm hơn.

“Từ nay đến cuối năm doanh nghiệp trong những ngành này có thể lấy lại được tốc độ tăng trưởng như trước khi có dịch và cùng với những ngành truyền thống đã có thế mạnh như điện thoại, điện tử, máy móc linh kiện thì khả năng cả nước sẽ đạt được mức tăng trưởng xuất nhập khẩu ở mức khoảng từ 15-25% và là con số khá ấn tượng,” ông Trần Thanh Hải nói.

- Cả nước xuất siêu 225 triệu USD sau 11 tháng:

Để tạo đà cho những mục tiêu trên, Bộ Công Thương đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào việc củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, giúp doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực.

Đặc biệt, giải pháp đổi mới, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung-cầu cả trong và ngoài nước trên môi trường trực tuyến là một trọng tâm nhằm tạo sức bật mạnh mẽ cho xuất khẩu.

Cụ thể là tập trung tổ chức kết nối, giao thương trực tuyến giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, địa phương với nhà nhập khẩu nước ngoài; Thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã xúc tiến quảng bá, bán hàng cũng như xuất khẩu hàng hóa thông qua các sàn thương mại điện tử và các nền tảng thương mại hiện đại khác…

Đáng chú ý, trong ngày 30/11, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chủ trì phối hợp với Tập đoàn JD, Vinanutrifood, Tổng công ty Cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post), VPBank, Visa... xây dựng và phát triển “Gian hàng Quốc gia Việt Nam” trên nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc JD.com nhằm hỗ trợ xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt.

Thông qua kênh này, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ nhiều mặt từ vận hành, logistics, hỗ trợ tài chính và quảng bá hình ảnh ngay tại thị trường quốc gia nhập khẩu từ các cơ quan chức năng cũng như các đối tác của chương trình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.