“Ứng dụng giáo dục tài chính góp phần giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận và sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính ưu đãi, giúp các khách hàng theo kịp với tiến trình triển khai Chính phủ điện tử và dịch vụ công quốc gia. Bên cạnh đó, ứng dụng này là một trong những công cụ, giải pháp minh bạch bảo vệ quyền lợi của khách hàng.”
Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thành Phương Chi, Phó giám đốc Ban Hợp tác Quốc tế và Truyền thông Ngân hàng Chính sách Xã hội tại tọa đàm “Giáo dục tài chính cho người nghèo và các đối tượng chính sách trên điện thoại di động” do Ngân hàng Chính sách xã hội và tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức ngày 29/9, tại Hà Nội.
Theo đó, vào đầu năm 2019, Ngân hàng Chính sách xã hội và tổ chức Oxfam và đã ký thoả thuận hợp tác về nghiên cứu khả năng tiếp cận giáo dục tài chính của người nghèo và các đối tượng yếu thế thông qua điện thoại di động.
[Đưa công nghệ và chuyển đổi số thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới]
Nghiên cứu này là giải pháp nhằm thông tin cho khách hàng về các chương trình tín dụng chính sách, thủ tục vay vốn, các sản phẩm tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội và kiến thức cơ bản về quản lý tài chính gia đình; giúp khách hàng nâng cao hiểu biết tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, gia tăng tiết kiệm và quản lý chi tiêu gia đình, từng bước làm quen với công nghệ số đặc biệt là khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Qua đó giúp tạo bình đẳng và thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa người nghèo và các đối tượng yếu thế trong xã hội.
Giáo dục tài chính không chỉ góp phần trực tiếp giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính của Ngân hàng Chính sách xã hội, thúc đẩy tài chính toàn diện mà còn gián tiếp hỗ trợ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Ngân hàng Chính sách xã hội đã phối hợp với chuyên gia Oxfam tiến hành nghiên cứu khảo sát về nhu cầu giáo dục tài chính của khách hàng tại 3 tỉnh Hải Dương, Thanh Hoá và Quảng Ngãi. Kết quả khảo sát cho thấy trên 80% khách hàng được phỏng vấn đều nhận thức lợi ích của giáo dục tài chính đối với bản thân và gia đình.
Trên cơ sở kết quả khảo sát, Ngân hàng Chính sách xã hội thiết kế và thử nghiệm phần mềm ứng dụng giáo dục tài chính trên điện thoại di động (gọi tắt là App giáo dục tài chính). App này có mặt tại kho ứng dụng của hệ điều hành iOS và Android với tên gọi “Ngân hàng Chính sách xã hội - Giáo dục tài chính.” Với giao diện tính năng đơn giản, dễ hiểu, dễ sử dụng phù hợp với đối tượng hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Ứng dụng gồm 4 nội dung chính gồm: Thông tin về Ngân hàng Chính sách xã hội; thông tin dịch vụ và ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội; giáo dục tài chính cá nhân và mô hình vay vốn sản xuất kinh doanh tiêu biểu.
Ngoài ra, ứng dụng còn có các công cụ về quản lý chi tiêu; tra cứu điểm giao dịch xã của Ngân hàng Chính sách xã hội trên toàn quốc và công cụ tính lãi suất các khoản vay và tiền gửi tiết kiệm. Tất cả các nội dung trong ứng dụng, người dùng có thể dùng chức năng bật nghe đọc rất tiện ích.
Bà Lê Kim Thái, đại diện Tổ chức Oxfam cho biết dự án này thử nghiệm một giải pháp sáng tạo thông qua smartphone, thúc đẩy việc truyền đạt kiến thức cơ bản về tài chính đến với số đông người nghèo ở khắp các vùng miền, nâng cao kỹ năng nhận và xử lý thông tin tài chính qua điện thoại di động.
Cũng theo bà Thái, trong dự án này Oxfam phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển và quảng bá App tới 7 triệu khách hàng của ngân hàng. Đây là những người có thu nhập thấp và là đối tượng của các chương trình hỗ trợ xã hội của Chính phủ.
Bà Nguyễn Thành Phương Chi chia sẻ về app hỗ trợ tài chính cho người nghèo:
Là một trong những người được thử nghiệm đầu tiên, chị Nguyễn Thị Thư, tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn thôn Hà Thái (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) chia sẻ: "Trước đây, nhà tôi có bao nhiêu tiền thì bấy nhiêu chứ không tính được hàng tháng thu chi tiết kiệm như thế nào. Từ khi có ứng dụng này, tôi và nhiều thành viên khác trong thôn hiểu cách tính toán, thu chi, biết cách tính lãi suất tiền vay, lịch trả nợ, tiền gửi tiết kiệm. Qua đó, tạo điều kiện cho chúng tôi từng bước tạo lập nguồn vốn tự có để vươn lên làm giàu." |