Gỡ nút thắt cho người nước ngoài và Việt kiều mua nhà ở Việt Nam

Nhiều chuyên gia cho rằng chính phủ cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn luật, tao cơ hội sở hữu nhà thuân lợi cho người nước ngoài và kiều bào.
Dự án căn hộ cao cấp The Sun Avenue, quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Hội thảo “Mở nút thắt cho Việt kiều, người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam ” do báo Thanh Niên và Công ty cổ phần Thanh Niên tổ chức ngày 14/9 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút sự quan tâm tham gia của nhiều chủ đầu tư và chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến đã đánh giá cao chính sách nhà ở mới đây của Chính phủ (Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản), trong đó có quy định nới rộng quyền mua nhà cho người nước ngoài và Việt kiều. Những điểm mới đó đã hỗ trợ tích cực cho thị trường, nhất là cho các doanh nghiệp bất động sản trong việc mở rộng thêm đối tượng khách hàng, thu hút nguồn kiều hối, vốn FDI.

Tuy nhiên, theo tiến sỹ Đinh Thế Hiển, chính sách mới về bất động sản chưa phát huy được như kỳ vọng và có thể sẽ phải điều chỉnh; nguồn vốn từ người mua mới bền vững bao gồm người nước ngoài và người mua để ở chưa đạt. Vẫn có hiện tượng nhiều dự án huy động vốn chủ yếu từ ngân hàng và người mua thay vì có nguồn vốn “đúng mức” của chủ đầu tư; điều này phản ánh tình trạng đầu cơ.

Đến thời điểm hiện tại, mặc dù đã hơn 2 tháng có hiệu lực, chính sách mới về nhà ở vẫn chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Bên cạnh một số khu dân cư đã có người nước ngoài ở từ lâu thì có thêm một số dự án thông báo có lượng giao dịch tăng mạnh, tuy nhiên hầu như chỉ dừng lại ở việc đăng ký với số lượng không nhiều.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng bán nhà cho người nước ngoài khi chính sách mới về nhà ở được thông qua nhưng việc bán được hay không cho đối tượng này không phải doanh nghiệp nào cũng có câu trả lời.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đã có hiệu lực hơn 2 tháng nhưng vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn chi tiết.

Do đó, khách hàng ngoại vẫn đang trong tâm lý chờ đợi chưa dám đưa ra những quyết định cụ thể hoặc chỉ mới dừng lại ở mức độ tham quan, giữ chỗ hoặc đặt cọc. Mặt khác vẫn còn các rào cản về mặt thủ tục hành chính gây nên tâm lý e ngại cho người nước ngoài, Việt kiều mua nhà tại Việt Nam như vấn đề xác minh nguồn gốc, phương thức thanh toán khi mua nhà, vay ngân hàng…

Ông Đặng Chính Thắng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đất xanh miền Nam cho rằng theo quy định, người nước ngoài chỉ được mua 30% căn hộ trong một chung cư và tối đa 250 căn nhà riêng lẻ trên một phường hoặc xã; rất thấp đối với các khu vực trọng điểm làm ăn, sinh sống của người nước ngoài.

Đơn cử, nhiều nơi ở phường Thảo Điền (quận 2) hoặc Khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) tập trung nhiều người nước ngoài sinh sống, làm việc nhưng với mức quy định hiện tại thì rõ ràng không đủ so với nhu cầu của họ.

Mặt khác, các văn bản luật chính thức chưa được chuyển ngữ sang các ngôn ngữ quốc tế nên gây khó khăn cho người nước ngoài tìm hiểu luật. Những hạn chế này đã tạo ra sự bất bình đẳng cho người nước ngoài, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, từ đó hạn chế rất nhiều việc thu hút các nguồn lực đầu tư từ nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản.

Góp ý gỡ nút thắt cho Việt kiều, người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam, ông Vũ Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Địa ốc Phú Long cho rằng, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn luật cụ thể để cơ hội sở hữu nhà cho người nước ngoài được dễ dàng hơn cũng tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ và minh bạch.

Các ngân hàng cần có chính sách hỗ trợ vay với lãi suất ưu đãi, thủ tục nhanh chóng cho Việt kiều, người nước ngoài cũng như hướng dẫn cụ thể cho họ khi bán các bất động sản tại Việt Nam và chuyển tiền về nước sở tại.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, Ngân hàng Nhà nước và Bộ xây dựng cần thống nhất hướng dẫn tổ chức, cá nhân nước ngoài về việc chuyển khoản tiền mua nhà ở từ ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam để mua nhà; hoặc thủ tục vay của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam để mua nhà ở.

Trong khi đó, ông Đặng Chính Thắng cho rằng, cần gia tăng tỷ lệ sở hữu nhà riêng lẻ của tổ chức, cá nhân nước ngoài từ 250 căn lên thành tỷ lệ 20% so với tổng số lượng nhà ở riêng lẻ của mỗi khu vực hoặc có thể chuyển tỷ lệ sở hữu này thành quy định mỗi cá nhân, tổ chức nước ngoài được sở hữu tối đa 2 nhà ở riêng lẻ ở Việt Nam; nâng tỷ lệ sở hữu nhà chung cư từ 30% thành 40%-50%.

Theo tiến sỹ Đinh Thế Hiển, doanh nghiệp bất động sản trong nước cần xác định phân khúc thị trường chuyên biệt để tăng tính cạnh tranh và thu hút người mua đồng thời hoàn thiện dự án với nhiều tiện tích về thiết kế cảnh quan, môi trường, chất lượng xây dựng, đảm bảo tính chuyên nghiệp về quản lý toà nhà và các dịch vụ cung ứng.

Ngoài ra doanh nghiệp cũng cần thuê các công ty môi giới có kinh nghiệm với người nước ngoài cũng như kết nối với các công ty môi giới quốc tế theo từng thị trường mục tiêu.

Dưới góc độ quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng cho biết, Luật Nhà ở 2014 đã mở cửa thông thoáng, cho người nước ngoài được mua, sở hữu và chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế…

Thực hiện Nghị quyết 19/2008/QH12 của Quốc hội ngày 3/6/2008 về "Tổ chức thí điểm cho tổ chức, cá nhân nước ngoài mua và sở hữu nhà tại Việt Nam", đến nay trên phạm vi cả nước đã có 403 trường hợp được cấp giấy chứng nhận.

Trong đó, từ đầu năm đến nay có 59 trường hợp, bao gồm 9 trường hợp tính từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực (1/7/2015)”, ông Nguyễn Mạnh Khởi cho biết thêm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục