Gội đầu là bước cần thiết giúp làm sạch tóc và da đầu. Hầu hết chúng ta đều nghĩ đây là một bước vệ sinh cá nhân đơn giản và chúng ta làm sạch mái tóc theo thói quen riêng, có thể là mỗi ngày hoặc vài ngày mới gội một lần.
Thực tế tần suất gội đầu và cách gội đầu có tác động rất lớn đến mái tóc của mỗi người. Những người gặp vấn đề về tóc như nhanh bết dầu, khô xơ, vảy gàu hoặc rụng quá nhiều… đều muốn tìm kiếm một câu trả lời lý tưởng nhất về việc gội đầu như thế nào là tốt nhất cho mái tóc.
Theo các chuyên gia về tóc, không có một đáp án chung cho tất cả mọi người. Thay vào đó, mỗi người cần hiểu rõ về chất tóc của mình cùng với nếp sinh hoạt cá nhân để lựa chọn tần suất gội đầu phù hợp, và nhất là phải gội đầu đúng cách.
Gội quá ít hoặc quá nhiều đều gây hại cho tóc
Da đầu của bạn sẽ báo hiệu thời điểm bạn cần gội đầu dựa trên quá trình sản xuất bã nhờn - một loại dầu tự nhiên cung cấp độ ẩm, bảo vệ da đầu và tóc, và thường đó sẽ là cảm giác ngứa và có gàu. Dầu gội là chất nhũ hóa sẽ gom dầu thừa, bụi bẩn trên tóc và da đầu khi bạn tạo bọt, sau đó bạn xả nước và làm sạch.
Nếu bạn gội đầu quá ít, khoảng 1 tuần 1 lần hoặc lâu hơn thì bụi bẩn tích tụ cùng dầu thừa sẽ khiến mái tóc bết dính, có mùi khó chịu cũng như các tình trạng như gàu và ngứa da đầu, thậm chí dễ có nguy cơ bị nấm da đầu, nấm tóc.
Sự tích tụ bụi bẩn trên da đầu do không gội đầu cũng có thể khiến các nang tóc bị kẹt, ảnh hưởng đến sự phát triển của tóc và làm tăng nguy cơ tóc mọc ngược.
Ngược lại, nếu bạn gội đầu quá nhiều, ngày nào cũng gội 1 lần, thậm chí 2 lần, sẽ làm mất cân bằng lượng dầu tự nhiên do da đầu tiết ra, khiến tóc xỉn màu, khô giòn, chẻ ngọn, dễ gãy và dễ rụng, tóc mới cũng khó mọc lên hơn.
Mỗi tuần nên gội đầu bao nhiêu lần là tốt nhất?
Tiến sỹ Jessica Wu, Giáo sư chuyên khoa da liễu tại Trường Y khoa Keck của Đại học Nam California (Mỹ), cho biết tần suất gội đầu tùy thuộc vào cả chất tóc và tình trạng da đầu của bạn.
Chỉ có một nhóm nhỏ cần gội đầu hàng ngày, đó là những người có mái tóc mỏng và da đầu tiết nhiều dầu, thường xuyên đổ nhiều mồ hôi. Nhưng nếu những người này có mái tóc dễ gãy hoặc đã qua xử lý hóa chất và dễ tổn thương, thì nên gội đầu cách nhật để tránh làm mất đi lớp dầu tự nhiên bảo vệ tóc.
Với những người có tóc trung bình, tần suất gội nên là 2-3 ngày/lần. Tóc càng dày và ít dầu thì tần suất gội đầu càng thưa hơn, chỉ cần 2 lần/tuần là đủ.
Nhiều người đang gội đầu sai cách
Khá nhiều người khi gội đầu thường dùng móng tay cào gãi da đầu cho đã ngứa và làm sạch da đầu nhưng hành động này rất dễ làm tổn thương các nang tóc và khiến da đầu bị trầy xước, dễ gây viêm nhiễm.
Cách gội đúng là sử dụng các đầu ngón tay hoặc dùng lược gội đầu massage nhẹ nhàng trên da đầu trong khoảng thời gian từ 7-10 phút, sau đó xả hết dầu gội trên tóc bằng nước sạch và có thể dùng thêm dầu xả cho mềm tóc.
Lưu ý không gội đầu bằng nước nóng vì nước nóng sẽ khiến da dầu dễ bị kích ứng, gây ngứa và nhiều gàu hơn, cấu trúc của tóc cũng bị hư tổn, dễ khô xơ.
Nên gội đầu với nước tương đương nhiệt độ của cơ thể, nếu da đầu nhờn, nhiều dầu thì gội với nước ấm khoảng 40-45 độ C.
Việc lựa chọn đúng loại dầu gội cho từng chất tóc cũng quan trọng không kém. Nếu bạn có tóc dầu, hãy chọn loại dầu gội thành phần có chứa kẽm, có độ pH cân bằng cho da đầu (pH > 6), ít hóa chất, ít chất dưỡng ẩm.
Ngược lại, nếu bạn có mái tóc khô, hãy chọn các loại dầu gội giàu thành phần dưỡng chất cho tóc như bơ, mỡ và lanolin, có độ pH từ 4,5- 6,7.
Nếu bạn đang sở hữu mái tóc thường thì thật may mắn bởi loại tóc này rất dễ chăm sóc và hợp với các loại dầu gội có tính dịu nhẹ./.
6 mẹo tuyệt vời để có mái tóc đẹp qua đêm mà bạn nên biết
Mỗi sáng ngủ dậy, tóc bạn có bị xơ rối, bù xù hay bết dầu, xẹp lép khiến bạn không hài lòng? Bạn có thể thoát khỏi những vấn đề này nhờ 6 mẹo chăm sóc tóc qua đêm khá dễ dàng và hiệu quả.