Tẩy trang đúng cách - bước quan trọng đầu tiên để da khỏe và đẹp

Bỏ qua bước tẩy trang mà chỉ sử dụng sữa rửa mặt sẽ dẫn tới việc làn da không được làm sạch sâu khiến lỗ chân lông bị bít tắc gây mụn và dày sừng, ngăn cản sự hấp thụ các sản phẩm chăm sóc da ban đêm.

Tẩy trang là bước cực kỳ quan trọng để làn da bạn có thể thẩm thấu tốt nhất các dưỡng chất. (Ảnh: iStock)
Tẩy trang là bước cực kỳ quan trọng để làn da bạn có thể thẩm thấu tốt nhất các dưỡng chất. (Ảnh: iStock)

Nếu bạn là người rất chăm chỉ dưỡng da nhưng trải qua một thời gian mà làn da ít được cải thiện, không được mịn màng, tươi sáng như mong muốn thì rất có thể bạn chưa chú trọng khâu quan trọng đầu tiên của quy trình skincare - làm sạch kép.

Đây là hai giai đoạn riêng biệt và thiết yếu của quá trình làm sạch da, gồm tẩy trang và làm sạch để loại bỏ những cặn bã trang điểm, bụi bẩn, bã nhờn và các tác nhân gây hại cho da, giúp da sạch sẽ, thông thoáng, sẵn sàng tiếp nhận các dưỡng chất ở bước chăm sóc kế tiếp.

nam da.jpg
Bỏ qua bước tẩy trang có khả năng khiến da bạn dày sừng, khó hấp thụ các dưỡng chất dưỡng da. (Ảnh: iStock)

Tuy nhiên, nhiều người đã bỏ qua bước tẩy trang mà tới luôn bước làm sạch bằng sữa rửa mặt vì cho rằng sữa rửa mặt có thể loại bỏ hoàn toàn được mọi bụi bẩn, dẫn tới việc làn da không được làm sạch hiệu quả khiến lỗ chân lông bị bít tắc, gây mụn, dày sừng và ngăn cản sự hấp thụ các sản phẩm chăm sóc da ban đêm.

Vì sao bước tẩy trang rất quan trọng?

Hàng ngày, da mặt của phái đẹp ngoài lớp trang điểm còn phải chịu nhiều tác động từ môi trường như khói bụi, ánh nắng, độ ẩm môi trường… khiến làn da chịu áp lực rất lớn và trở nên dễ bị tổn thương.

Việc làm sạch da cực kỳ quan trọng để da khỏe mạnh và cần phải thực hiện hiệu quả bước làm sạch này.

Trước hết cần hiểu rõ về chất tẩy trang và chất làm sạch. Đây là hai dòng sản phẩm có cùng công dụng làm sạch da và loại bỏ bụi bẩn, lớp trang điểm, nhưng chúng có những đặc điểm khác nhau

Các chất tẩy trang được pha chế đặc biệt để hòa tan và loại bỏ hiệu quả các sắc tố và các công thức chống thấm nước phức tạp gốc silicon có trong nhiều sản phẩm mỹ phẩm.

tay trang.jpg
Nhất thiết phải có sự kết hợp của cả hai sản phẩm làm sạch kép là nước tẩy trang và sữa rửa mặt. (Ảnh: iStock)

Trong khi đó, các chất làm sạch như gel rửa mặt, sữa rửa mặt được thiết kế với mục đích hòa tan bã nhờn, mồ hôi, bụi bẩn và các chất gây ô nhiễm bên ngoài khác trên da.

Nếu bạn bỏ qua bước tẩy trang mà trực tiếp dùng gel hoặc sữa rửa mặt trên da mặt còn nguyên lớp trang điểm sẽ chỉ khiến lớp trang điểm và tạp chất lan rộng khắp mặt, thay vì loại bỏ chúng khỏi da một cách hiệu quả. Do đó, nhất thiết phải có sự kết hợp của cả hai sản phẩm làm sạch kép.

Tẩy trang đúng cách

Luôn rửa sạch tay trước khi tẩy trang, sau đó đổ nước tẩy trang ra bông tẩy trang chuyên dụng.

Hãy bắt đầu bằng tẩy trang môi, sau đó làm sạch mắt và lông mày, cuối cùng mới chuyển sang tẩy trang khắp khuôn mặt. Nếu lớp trang điểm dày, hãy thay bông tẩy trang mới cho từng khu vực cần làm sạch.

Trong bước tẩy trang thì phức tạp và tốn thời gian nhất là tẩy trang mắt. Da trên mí mắt rất mỏng manh, cần được chăm sóc đặc biệt. Bởi vậy, bạn không bao giờ được chà xát mắt để loại bỏ mascara hoặc chì kẻ mắt không trôi.

tay trang mat.jpg
Tẩy trang mắt cần sự nhẹ nhàng và kiên nhẫn. (Ảnh: iStock)

Thay vào đó, hãy đặt miếng bông đã thấm nước/dầu tẩy trang lên mắt, đợi một phút để lớp trang điểm tan bớt, sau đó mới nhẹ nhàng di chuyển miếng bông từ khóe mắt trong ra thái dương để làm sạch lớp trang điểm.

Khi bạn tẩy trang kem nền, hãy luôn di chuyển bông tẩy trang từ giữa khuôn mặt sang hai bên và đừng quên tẩy trang vùng cổ.

Cuối cùng, thấm nước tẩy trang vào miếng bông mới và lau lại toàn bộ khuôn mặt trước khi chuyển sang bước rửa mặt.

Chọn sản phẩm tẩy trang phù hợp

Trên thị trường có các sản phẩm tẩy trang chuyên dụng được thiết kế để loại bỏ mỹ phẩm trên da. Chúng có nhiều loại khác nhau về thành phần, tác động và cách sử dụng.

Phổ biến nhất là nước tẩy trang micellar không chứa silicon hoặc dầu, có thể loại bỏ hiệu quả mọi tạp chất, làm sạch và thông thoáng lỗ chân lông.

Nếu bạn trang điểm đậm có thể dùng các chất tẩy trang gốc dầu cho phép hòa tan lớp trang điểm chống thấm nước chỉ trong vài phút. Tuy nhiên, do hàm lượng dầu cao nên bạn cần phải làm sạch chúng hoàn toàn ở bước làm sạch tiếp theo để tránh lên mụn.

Ngoài ra còn có dòng sữa tẩy trang khá hiệu quả trong việc loại bỏ lớp trang điểm gốc nước. Các sản phẩm này có tác dụng dưỡng ẩm tốt cho da, nhưng cũng có thể dẫn đến tình trạng da nhờn quá mức.

Một dòng sản phẩm tẩy trang khác có tác dụng "3 trong 1" kết hợp tẩy trang, làm sạch và làm săn chắc da. Sản phẩm này tiện dụng khi mang đi du lịch vì sử dụng không cần nước. Tuy nhiên, chúng không phù hợp để sử dụng thường xuyên vì không thể làm sạch sâu da.

Lưu ý rằng ngay cả những loại tẩy trang tốt nhất cũng sẽ để lại cặn trên da bạn, vì vậy hãy đảm bảo rằng bạn không bỏ qua bước làm sạch tiếp theo – rửa mặt bằng sữa rửa mặt.

rua mat.jpg
Sử dụng sữa rửa mặt sau bước tẩy trang để loại bỏ hoàn toàn các tạp chất. (Ảnh: iStock)

Một mẹo nhỏ dành cho trường hợp bạn quên hoặc chưa mua sản phẩm tẩy trang, đó là hãy làm sạch da bằng sữa rửa mặt 2 lần, nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế thôi nhé!

Một số câu hỏi thường gặp

Không trang điểm có cần phải tẩy trang?

Các bác sỹ da liễu khuyên bạn kể cả không trang điểm cũng vẫn nên tẩy trang để loại bỏ bụi bẩn, cặn mồ hôi và tế bào chết trên da bạn suốt cả ngày.

Nên tẩy trang mấy lần trong ngày?

Bạn chỉ cần tẩy trang vào cuối ngày mà không nên tẩy trang nhiều lần trong một ngày vì một số dòng tẩy trang có thể làm căng và khô da, dễ kích ứng.

Trong trường hợp cần tẩy trang nhiều lần trong ngày thì sau mỗi lần tẩy trang, hãy dùng toner và kem dưỡng ẩm để cân bằng da.

Chăm sóc da sau khi làm sạch

Sau khi làn da sau đã được làm sạch, bạn nên thoa tinh chất dưỡng ẩm hoặc toner để cấp ẩm cho da ngay lập tức, chuẩn bị cho các bước dưỡng da tiếp theo.

Thực hiện quy trình chăm sóc da thông thường của bạn và luôn kết thúc bằng kem khóa ẩm để giữ các dưỡng chất ngấm sâu vào trong da trong giấc ngủ phục hồi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục