Gói hỗ trợ khẩn cấp của Hàn Quốc phát huy hiệu quả rõ rệt

Từ ngày 4-26/5 vừa qua đã có hơn 20,8 triệu hộ gia đình Hàn Quốc được nhận khoản hỗ trợ khẩn cấp toàn dân của chính phủ nhằm khắc phục tác động của đại dịch COVID-19, với tổng tiền khoảng 10,6 tỷ USD.
Người dân di chuyển trên đường phố tại Seoul, Hàn Quốc ngày 10/5 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân di chuyển trên đường phố tại Seoul, Hàn Quốc ngày 10/5 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Bộ Hành chính và an toàn Hàn Quốc (MOIS), từ ngày 4-26/5 vừa qua đã có hơn 20,8 triệu hộ gia đình Hàn Quốc được nhận khoản hỗ trợ khẩn cấp toàn dân của chính phủ nhằm khắc phục tác động của đại dịch COVID-19, tương đương 96% đối tượng thụ hưởng, với tổng số tiền lên tới 13.128,1 tỷ won (khoảng 10,6 tỷ USD).

Việc Chính phủ Hàn Quốc nhanh chóng chuyển khoản tiền hỗ trợ khẩn cấp cho người dân đã mang lại hiệu quả rõ rệt, điển hình là cải thiện xu hướng giảm doanh thu của các tiểu thương, chợ đầu mối truyền thống và góp phần khiến chỉ số tâm lý tiêu dùng tăng trở lại.

Phóng viên TTXVN tại Seoul dẫn thông cáo báo chí của bộ trên cho biết 92% tổng quy mô ngân sách hỗ trợ khẩn cấp toàn dân trị giá 14.244,8 tỷ won (khoảng 11,5 tỷ USD) đã đến tay người dân.

Tiền hỗ trợ được chuyển đến người dân theo nhiều hình thức khác nhau như nạp vào thẻ tín dụng, thẻ thanh toán, thẻ trả trước của người dân hoặc phát phiếu mua hàng.

Người dân chỉ có thể sử dụng khoản hỗ trợ này tại địa phương, nơi đăng ký địa chỉ cư trú hiện tại và mua sắm tại các cơ sở kinh doanh vừa và nhỏ, chợ đầu mối truyền thống chứ không được sử dụng tại các trung tâm thương mại, siêu thị lớn, cơ sở vui chơi giải trí, trang mạng mua sắm trực tuyến hay trung tâm đồ điện tử lớn.

Trong các hình thức chi trả, hình thức nạp tiền vào thẻ tín dụng và thẻ thanh toán chiếm tỷ lệ cao nhất với hơn 66%, tiếp đó là bằng tiền mặt (13%), thẻ trả trước (10%) và phiếu mua hàng (6,5%).

Người dân có thể đăng ký nhận hỗ trợ trên trang chủ của công ty phát hành thẻ hoặc quầy giao dịch của ngân hàng liên kết với công ty phát hành thẻ tới hết ngày 5/6 tới.

Sau thời hạn này, người dân có thể đăng ký nhận hỗ trợ bằng hình thức nhận phiếu mua hàng và thẻ trả trước tại trụ sở xã, phường nơi cư trú.

[Hàn Quốc hỗ trợ hơn 32 tỷ USD cho các ngành công nghiệp trọng yếu]

Cũng theo MOIS, khoản tiền hỗ trợ khẩn cấp toàn dân của Chính phủ Hàn Quốc đang cho thấy những hiệu quả rõ nét về kích cầu tiêu dùng, góp phần cải thiện xu hướng giảm doanh thu của các tiểu thương và chợ đầu mối truyền thống trên cả nước.

Từ ngày 3/2 vừa qua, Bộ Doanh nghiệp vừa và nhỏ và Khởi nghiệp Hàn Quốc đã tiến hành điều tra doanh thu hằng tuần của 300 cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ và 220 chợ đầu mối truyền thống trên cả nước.

Kết quả điều tra ngày 25/5/2020 (tuần thứ 17) cho thấy mức giảm doanh thu của các chợ đầu mối truyền thống là 40%, giới tiểu thương là 45,3%, thấp hơn lần lượt 12% và 6% so với kết quả điều tra tuần trước đó và thấp hơn nhiều so với mức giảm sâu kỷ lục ở mức 69,2% của ngày 6/4 vừa qua.

Xét theo từng địa phương, xu hướng giảm doanh thu có chiều hướng cải thiện trên toàn quốc trừ thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang, hai địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19.

Xét theo ngành nghề kinh doanh, cải thiện doanh thu thể hiện rõ nét nhất ở lĩnh vực nông thủy sản, chăn nuôi và cửa hàng ăn uống. Theo đó, xu hướng phục hồi này đã phản ánh tính hiệu quả của khoản hỗ trợ khẩn cấp toàn dân.

Một điểm đáng chú ý khác là chỉ số tâm lý tiêu dùng đã tăng trở lại trong tháng Năm. Trong báo cáo "Xu hướng tiêu dùng tháng 5/2020" do Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) công bố ngày 26/5, Chỉ số Tâm lý tiêu dùng tổng hợp (CCSI) đạt 77,6 điểm (tăng 6,8 điểm so với tháng 4/2020). Điều này cho thấy tâm lý tiêu dùng đã hồi phục sau một thời gian đóng băng vì đại dịch COVID-19.

Theo phân tích của BoK, chính tốc độ lây lan của COVID-19 chậm lại, chính phủ nới lỏng giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế được nối lại và các chính sách tài chính tích cực như khoản hỗ trợ khẩn cấp toàn dân là động lực làm hồi phục tâm lý tiêu dùng.

Tuy nhiên, mặc dù đã tăng trở lại nhưng chỉ số tâm lý tiêu dùng hiện vẫn ở mức thấp, tương tự mức 77,9 điểm của tháng 10/2008 (thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu).

Giới phân tích Hàn Quốc có chung nhận định rằng hiện vẫn còn quá sớm để kỳ vọng về một xu hướng hồi phục vững vàng, do đó chính phủ nước này cần tích cực thực hiện thêm các chính sách tài chính mở rộng khác nữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.