Gốm cổ của hai miền Nam-Bắc đất nước lần đầu tiên hội ngộ

Lần đầu tiên gốm cổ hai miền Nam-Bắc hội ngộ trong trưng bày chuyên đề “Gốm Nam Bộ và cổ vật trong các sưu tập tư nhân tiêu biểu” khai mạc chiều 8/5, tại Hà Nội.
Gốm cổ của hai miền Nam-Bắc đất nước lần đầu tiên hội ngộ ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Thu Trang/TTXVN)

Lần đầu tiên gốm cổ hai miền Nam-Bắc hội ngộ trong trưng bày chuyên đề “Gốm Nam Bộ và cổ vật trong các sưu tập tư nhân tiêu biểu” khai mạc chiều 8/5, tại Hà Nội.

Hoạt động do nhà sưu tập Nguyễn Thị Thu Hòa cùng 62 nhà sưu tập cổ vật tư nhân tại các tỉnh, thành phố tổ chức nhân kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2015) và kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2015).

Tại cuộc trưng bày, gần 300 tài liệu, cổ vật của 62 nhà sưu tập tư nhân được giới thiệu đến công chúng. Đáng chú ý trong đó có nhiều hiện vật gốm Nam Bộ đặc sắc của 36 nhà sưu tập khu vực phía Nam.

Chuyên đề được chia thành hai phần: Trưng bày gốm Nam Bộ và trưng bày cổ vật Việt Nam trong các sưu tập tư nhân tiêu biểu tại Hà Nội cùng một số tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Hải Dương, Bắc Ninh...

Phần thứ nhất giới thiệu gần 200 tài liệu, sưu tập hiện vật đặc sắc của nhà sưu tập gốm Nam Bộ Nguyễn Thị Thu Hòa tại Hà Nội, các nhà sưu tập tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam. Đây là những hiện vật có niên đại từ cuối thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20 với các bộ sưu tập hiện vật gốm đặc sắc, chọn lọc của các lò gốm cổ Nam Bộ như gốm Cây Mai, gốm Biên Hòa, gốm Thành Lễ, gốm Lái Thiêu.

Phần thứ hai giới thiệu gần 100 tài liệu, cổ vật, di vật Việt Nam của các nhà sưu tập tư nhân có niên đại trải dài từ Văn hóa Đông Sơn (khoảng 2.000-2.500 năm trước) qua các triều đại Lý, Trần, Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Nguyễn.

Nhiều hiện vật thu hút sự quan tâm của công chúng ngay trong ngày khai mạc gồm cặp đài xông trầm hình Nghê (gốm men nhiều màu thời Mạc-Lê Trung Hưng, thế kỷ 17); cặp chân đèn hình Nghê (gốm men trắng và xanh rêu thời Lê Trung Hưng, thế kỷ 17); ấm hình Nghê (gốm men lam thời Mạc, thế kỷ 16); chân đèn gốm men lam xám, được chế tác năm Hưng Trị thứ 2 đời vua Mạc Mậu Hợp (1589)...

Trưng bày nhằm tạo điều kiện cho nhân dân, du khách quốc tế hiểu thêm một phần tinh hoa di sản văn hóa Việt đang được lưu giữ trong các sưu tập tư nhân tại Việt Nam; đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc.

Qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đạt được nhiều thành tựu văn hóa rực rỡ. Trong đó, người Việt cổ đã sáng tạo, để lại nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị, được thế giới công nhận.

Trong kho tàng di sản văn hóa đặc sắc đó, cổ vật, di vật văn hóa vật thể hiện hữu là một bộ phận quan trọng, đang được lưu giữ tại các sưu tập, bảo tàng ở trong, ngoài nước cũng như trong lòng đất Việt Nam.

Thú chơi cổ vật, sưu tầm đồ cổ có giá trị từ lâu đã được không ít người Việt Nam yêu thích. Các nhà sưu tập cổ vật tư nhân làm nhiều nghề khác nhau nhưng đều có chung sở thích và tình yêu đối với di sản văn hóa Việt Nam. Họ đều mong muốn giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam qua việc sưu tầm, lưu giữ và trưng bày triển lãm, phát huy giá trị tinh hoa của các cổ vật, góp phần xã hội hóa công tác bảo tồn, bảo tàng của Việt Nam.

Trưng bày chuyên đề “Gốm Nam Bộ và cổ vật trong các sưu tập tư nhân tiêu biểu” diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội, đến hết ngày 15/5./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục