Theo quyết định 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 26/4/2013, những gia đình có công với cách mạng trên cả nước mà có hoàn cảnh khó khăn, nhà cửa dột nát, không đảm bảo sinh hoạt sẽ được hỗ trợ tiền để xây mới và sửa nhà. Những nhà phá đi xây mới sẽ được nhận hỗ trợ 40 triệu đồng, còn sửa chữa thì được nhận 20 triệu đồng.
Khi quyết định được ban hành về các địa phương, những gia đình nghèo từ lâu phải sống trong cảnh che chắn tạm bợ vui mừng khôn xiết, mơ ước được sống trong ngôi nhà kiên cố đã trong tầm tay với.
Cũng theo quyết định phê duyệt đã điều chỉnh về việc hỗ trợ nhà ở cho gia đình người có công của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang ngày 5/3/2014 thì toàn tỉnh Hà Giang có 999 hộ sẽ được nhận tiền hỗ trợ để xây và sửa nhà với tổng kinh phí là gần 31 tỷ đồng. Trong đó, riêng huyện Vị Xuyên có 154 hộ diện được nhận hỗ trợ do gia cảnh nghèo, nhà đã xuống cấp, hư hỏng nặng…
Tuy nhiên, câu chuyện về việc nhiều gia đình có công với cách mạng ở đã làm xong nhà nhưng vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ đang trở thành đề tài chính được bàn tán xôn xao trong nhiều tháng qua trên địa bàn huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Nhịn ăn để trả lãi vay và chờ tiền hỗ trợ
Gần một tháng nay, gia đình ông Nguyễn Văn Sầu, 80 tuổi, ở xã Kim Thạch, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang chưa có nổi một bữa cơm ngon, trẻ con ốm cũng chỉ được ăn trứng gà để dành trong nhà. Thế nhưng, con trai ông Sầu vừa phải đem 1,5 triệu dành dụm đi trả cho chủ nợ. Đó chỉ là tiền lãi trong một tháng của hơn 30 triệu mà gia đình ông đã đánh liều đi vay để làm nhà.
Theo thông báo của cán bộ xã, nhà ông may mắn được duyệt vào danh sách những hộ có công với cách mạng được ưu tiên hỗ trợ 40 triệu đồng nếu phá nhà đi để xây mới. Thế nhưng, theo “chỉ thị” từ huyện gửi về, người dân phải tự chủ động kinh phí, và hoàn thành việc xây nhà trong năm 2014 thì mới nhận được tiền hỗ trợ.
Gia cảnh vốn khó khăn, ngày thường vẫn phải chạy ăn từng bữa, nên 40 triệu đối với gia đình một thương binh nặng như gia đình ông Sầu là cả một gia tài.
Ông Sầu bàn với con trai bán hết gia súc trong nhà, nhờ vả người thân, hàng xóm và vay lãi 30 triệu để dựng một căn nhà nhỏ với tổng trị giá gần 70 triệu đồng.
Sau đó, ông đã nhiều lần lên xã hỏi về kinh phí hỗ trợ nhưng đều nhận được câu trả lời là "chưa có."
Ông Sầu than thở “Nếu cán bộ mà không thông báo là xây nhà xong trong năm 2014 thì tôi đã chẳng dại gì mà đi vay lãi. Gần một năm nay, ăn chẳng dám ăn, ốm cũng không dám mua thuốc, có đồng nào phải dành dụm để cuối tháng còn trả lãi."
Chung cảnh ngộ với ông Sầu, nhà ông Nguyễn Văn Khâm, gần 80 tuổi ở thôn Bản Khò, xã Kim Thạch đã xuống cấp từ lâu, không có tiền nên chỉ che đậy tạm bợ. Khi biết được hỗ trợ 20 triệu đồng, gia đình ông mới dám đi vay để sửa nhà.
“Nếu tôi có tiền thì đã không phải chịu khổ bao năm nay và chắc gì họ đã duyệt cho vào danh sách được nhận hỗ trợ. Tôi cứ nghĩ sau khi sửa nhà xong thì sẽ nhận được tiền hỗ trợ như thông báo nên mới liều đi vay lãi. Ngoài 20 triệu vay lãi, nhà tôi vẫn nợ hơn chục triệu tiền vật tư và công thợ, chủ thầu suốt ngày vào đòi khiến cuộc sống của gia đình tôi rất mệt mỏi và căng thẳng. Ở trong nhà kiên cố mà đau đầu như này thà ở nhà dột còn hơn.” Ông Khâm bức xúc nói.
Không chỉ riêng trường hợp ông Sầu, ông Khâm, mà gần 100 hộ gia đình có công trên địa bàn huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đã hoàn thành việc xây, sửa nhà nhưng đang rơi vào cảnh “dở khóc, dở cười” khi miếng ăn hàng ngày đã không đủ giờ lại ôm một đống nợ chưa biết khi nào trả được.
Những người nông dân nghèo rất bức xúc và cho rằng họ đã bị “lừa.”
Khi được hỏi về việc này, ông Hoàng Trung Tá, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Kim Thạch cho biết: "Không riêng ở Kim Thạch mà chính quyền nhiều xã cũng đang bị nghi oan vì người dân một mực cho rằng chúng tôi đã nhận được tiền của nhà nước mà không trả cho họ. Tết Nguyên đán 2015 vừa rồi, nhiều cụ còn ôm cả huân, huy chương lên Ủy ban Nhân dân xã để kiện vì hết năm các chủ nợ bắt phải trả tiền. Chúng tôi vừa giải thích, vừa phải đứng ra khất nợ cho người dân, nhưng về lâu dài sẽ rất khó vì chủ thầu cũng cần có tiền để trả công cho thợ."
Xã Kim Thạch có 11 hộ thuộc diện được hưởng hỗ trợ, tất cả đều phải vay lãi và hiện đời sống của họ đang rất khó khăn. Theo phản ánh của các cán bộ xã Kim Thạch, nguyên nhân khiến nhiều gia đình phải thi công “khẩn cấp” như vậy là do ngày 25/8/2014, Ủy ban Nhân dân huyện Vị Xuyên đã ra công văn số 621/UBND-TC “đôn đốc triển khai xây nhà cho người có công với cách mạng” gửi đi các xã.
Nội dung công văn yêu cầu Ban chỉ đạo các xã phải thống kê những gia đình đã xây, sửa xong nhà, gửi biên bản xác nhận đã hoàn thành công trình gửi về Ủy ban Nhân dân huyện trước ngày 26/8/2014. Những gia đình nào chưa triển khai thi công thì xã phải đôn đốc để công trình hoàn thành trước năm 2014.
Không thể yêu cầu dân xây nhà khi chưa có kinh phí
Khi phóng viên làm việc với các Sở Tài chính tỉnh Hà Giang, đơn vị trực tiếp nhận kinh phí của nhà nước về việc hỗ trợ xây, sửa nhà cho gia đình có công với cách mạng thì được biết, đến nay tỉnh Hà Giang mới chỉ nhận được 3,6 tỷ đồng từ Trung ương, chiếm 11,6% nhu cầu thực tế.
Bà Phan Điểm Bích, Trưởng phòng Quản lý ngân sách, Sở Tài chính tỉnh Hà Giang cho hay, do số lượng gia đình người có công cần hỗ trợ xây, sửa nhà trên cả nước phát sinh quá nhiều nên Trung ương chưa cân đối được nguồn kinh phí.
Trước thực tế đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang cũng đã trích 2 tỷ đồng từ ngân sách địa phương để tạm thời giải quyết cho những hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo thứ tự ưu tiên.
Cho đến thời điểm này, toàn tỉnh mới có 175/999 gia đình người có công nhận được tiền hỗ trợ với tổng kinh phí là 5,6 tỷ đồng. Sở Tài chính Hà Giang sẽ tiếp tục đề xuất về Trung ương đề nghị tiếp tục cấp kinh phí, nhưng chưa biết đến bao giờ mới nhận được tiền để chi trả cho các hộ dân.
Như vậy, cơ quan chức năng và lãnh đạo các địa phương chưa thể biết nguồn kinh phí hỗ trợ cho các gia đình bao giờ có, nhưng Ủy ban Nhân dân huyện Vị Xuyên lại ra công văn “đôn đốc” các gia đình phải hoàn thành theo thời gian quy định khiến cho họ vốn đã nghèo, giờ lại càng điêu đứng khi số nợ kèm theo lãi đang treo lơ lửng trên đầu.
Làm việc với phóng viên, ông Hoàng Thanh Tịnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Vị Xuyên lý giải rằng, đề án phê duyệt của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang chỉ thấy ghi thực hiện trong năm 2013 và 2014, chúng tôi không biết sang năm 2015 có được triển khai tiếp không. Chính vì vậy, Ủy ban Nhân dân huyện Vị Xuyên mới chỉ đạo việc hoàn thành xây, sửa nhà phải kết thúc trong năm 2014.
Tuy nhiên, ông Đinh Phú Lưu, Trưởng phòng Giao thông-Xây dựng, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang lại khẳng định việc phê duyệt danh sách các hộ đủ tiêu chuẩn được hỗ trợ nhưng chưa nhận kinh phí xảy ra ở nhiều tỉnh chứ không riêng gì Hà Giang. Đây là nguyên nhân khách quan, không có gì để bàn, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân huyện Vị Xuyên nhận thức như vậy là hoàn toàn sai lầm, không đúng với chủ trương của nhà nước.
Ông Lưu khẳng định, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang không hề có bất kỳ chỉ đạo nào để huyện gửi công văn đôn đốc người dân, kinh phí của nhà nước chưa có thì làm sao yêu cầu người dân phải hoàn thành việc xây nhà theo thời gian quy định được.
Quyết định hỗ trợ cho các gia đình có công với cách mạng trên cả nước là chủ trương đúng đắn của Chính Phủ nhằm đẩy mạnh các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn. Tuy nhiên, những bất cập trong quá trình triển khai thực hiện ở địa phương đã vô tình đẩy nhiều gia đình có công vốn đã nghèo vào hoàn cảnh bi đát hơn.
Từ thực tế nêu trên, các cơ quan chức năng ở địa phương cần sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, cũng như điều chỉnh cách thức triển khai cho phù hợp, đúng với chủ trương của nhà nước, để việc hỗ trợ những gia đình có công với cách mạng thực sự đem lại hiệu quả và ý nghĩa./.