Chiều 4/8 tại Hà Nội, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có buổi làm việc với Bộ Xây dựng về tình hình thực hiện nghị quyết số 494/NQ-UBTVQH13 về hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết Bộ đã xây dựng, ban hành kịp thời nhiều chính sách hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng theo sát quy định của Nghị quyết 494 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở.
Theo Quyết định số 22, điều kiện được hỗ trợ là các hộ có nhà đang ở bị hư hỏng nặng phải phá dỡ để xây mới hoặc đang ở nhà tạm phải sửa khung, tường hoặc thay mới nhà ở (kể cả các hộ đã được hỗ trợ theo các chính sách khác trước đây).
Mức kinh phí mà ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với trường hợp phải xây dựng mới nhà ở là 40 triệu đồng/hộ; đối với trường hợp sửa chữa khung, tường và thay mới mái nhà ở là 20 triệu đồng/hộ.
Ngoài mức kinh phí này, Nhà nước cũng khuyến khích cộng đồng, dòng họ giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp và căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương có thể hỗ trợ thêm từ ngân sách cho các hộ gia đình.
Yêu cầu đối với trường hợp xây dựng mới nhà ở là phải có diện tích sử dụng tối thiểu là 30m2 (đối với các hộ độc thân thì có diện tích sử dụng nhỏ hơn 30m2 nhưng không thấp hơn 24m2), bảo đảm tiêu chuẩn 3 cứng (nền cứng, khung-tường cứng, mái cứng) và có tuổi thọ 10 năm trở lên; đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo thì phải bảo đảm tiêu chuẩn 2 cứng (khung-tường cứng, mái cứng), có tuổi thọ từ 10 năm trở lên và không yêu cầu phải đúng tiêu chuẩn diện tích sử dụng như đối với nhà ở xây dựng mới.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho rằng cần phải nâng chất lượng nhà để đáp ứng tiêu chí tuổi thọ tối thiểu cho mỗi căn nhà là 20 năm; đảm bảo cả các tiêu chí như an toàn, phòng chống thiên tai...
Trong tháng 7/2014, Bộ Xây dựng đã cử đoàn kiểm tra đi kiểm tra tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở tại nhiều địa phương, đặc biệt là những nơi có số lượng lớn người có công với cách mạng được hỗ trợ về nhà ở như Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hải Dương, Hà Nam, Thái Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Theo thống kê, số lượng người có công với cách mạng thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở mà các địa phương đã báo cáo theo đề án được phê duyệt và sau khi rà soát trong cả nước hiện đã lên tới 335.253 hộ, tăng khoảng 4,6 lần so với số lượng 72.153 hộ mà các địa phương đã báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2012. Trong đó, một số địa phương tăng nhiều như tỉnh Hòa Bình tăng hơn 45 lần, tỉnh Nghệ An tăng hơn 13 lần, tỉnh Thanh Hóa tăng hơn 17 lần, tỉnh Phú Thọ tăng hơn 8 lần, Hà Nội tăng 17 lần…
Như vậy, số tiền cần thực hiện hỗ trợ lên tới hơn 10.537 tỷ đồng (trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ là 9.912 tỷ đồng), vượt xa so với dự kiến 2.451 tỷ đồng trước đó.
Bình luận về vấn đề này, Trưởng đoàn Giám sát - Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nhận định các ban chỉ đạo, giám sát, kiểm tra tại các địa phương đã được thành lập rất kịp thời. Việc xây dựng tiêu chí tương đối cụ thể và đưa ra định mức khá phù hợp với khả năng ngân sách (40 triệu đồng cho nhà xây mới, 20 triệu đồng cho hộ sửa chữa lại nhà). Ngoài ra, cũng nên nghiên cứu phương án bổ sung nguồn vốn cho các hộ vay với lãi suất ưu đãi để xây dựng nhà có chất lượng cao hơn.
Đối tượng được hưởng chính sách theo thống kê mới nhất do các địa phương báo cáo về tăng nhưng cần có sự phối hợp rà soát từ chính quyền cấp cơ sở. Việc giám sát đúng đối tượng là trách nhiệm của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội với sự tham gia phối hợp của Bộ Xây dựng. Mục tiêu đặt ra là tháng 9 tới sẽ chốt con số trước khi rà soát lần 2.
Bên cạnh đó, vai trò tham gia giám sát của cộng đồng dân cư cũng rất cần thiết. Trước mắt, các đơn vị liên quan cần bố trí kinh phí để hoàn thành hỗ trợ cho các đối tượng theo Nghị quyết 494 trong năm 2014 hoặc giải quyết dứt điểm trong năm 2015.
Các đối tượng bổ sung theo Quyết định 22 sẽ tiếp tục giải quyết trong thời gian tiếp theo, cũng không nhất thiết phải kết thúc vào năm 2018 bởi số lượng hộ trong diện hỗ trợ có thể giảm dần nhưng vẫn cần duy trì chính sách này bởi nhà ở của họ có thể bị hư hỏng theo thời gian, đại biểu Trương Thị Mai cho hay.
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng đề nghị Bộ Tài chính cấp số kinh phí hỗ trợ được Chính phủ bổ sung năm 2014 (khoảng 800 tỷ đồng) để các địa phương tiếp tục thực hiện hỗ trợ trong năm nay. Theo đó, kinh phí cần để hoàn thành việc hỗ trợ cho số lượng người có công mà các địa phương báo cáo lên vẫn còn thiếu 366 tỷ đồng (tổng kinh phí từ ngân sách trung ương cần hỗ trợ là 2.232 tỷ đồng, đến nay đã cấp cho các địa phương là 956,7 tỷ đồng, còn lại 109,3 tỷ đồng Bộ Tài chính đang quản lý)./.