Ngày 14/7, phát biểu chỉ đạo hội nghị giao ban về kết quả thực hiện “Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn Mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” đến hết quý 2; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2023, bà Nguyễn Thị Tuyến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh Hà Nội sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu đến hết năm 2023, thu nhập của người dân nông thôn đạt 70 triệu đồng/người/năm.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả việc sản xuất vụ mùa; hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi đẩy nhanh tái đàn và áp dụng biện pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trong sản xuất.
Đối với các huyện đang thực hiện đề án xây dựng thành quận như: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao chưa đạt, cơ bản đạt, hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao trước khi lên quận.
Đối với các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023, đề nghị các huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, sớm hoàn thiện hồ sơ công nhận.
Tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã hoan nghênh huyện Thanh Trì là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, huyện Đan Phượng là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Ông Nguyễn Xuân Đại, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết, tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình Xây dựng Nông thôn Mới từ năm 2021 đến quý 2/2023 là 49.889 tỷ đồng; trong đó, ngân sách thành phố chiếm 44,3%; ngân sách huyện chiếm 45,9%; ngân sách xã chiếm 4,1%; huy động ngoài ngân sách Nhà nước chiếm 5,7%...
[Hà Nội: Sự khởi sắc rõ nét sau hơn 10 năm xây dựng nông thôn mới]
Đến hết quý 2/2023, thành phố có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Có 3 huyện là Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức chưa đạt chuẩn, đã hoàn thiện hồ sơ và được đoàn công tác của Trung ương kiểm tra thực tế, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ.
Bên cạnh đó, 5 huyện gồm: Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức, Gia Lâm đang tập trung xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao...
Đối với cấp xã, đến nay, thành phố có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), lũy kế từ năm 2019 đến nay, thành phố đã tổ chức đánh giá, công nhận được 2.167 sản phẩm OCOP.
Ông Nguyễn Xuân Linh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đông Anh cho biết xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, đến nay, Đông Anh đã đạt 6/9 tiêu chí. Một số tiêu chí nông thôn mới nâng cao cao hơn cả tiêu chí đô thị như trường học, cơ sở vật chất văn hóa…
Bà Bùi Thị Thu Hiền, Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa cho biết đến nay, tỷ lệ người dân trên địa bàn được sử dụng nước sạch tập trung mới đạt 43%.
Bí thư Huyện ủy Ba Vì Dương Cao Thanh mong muốn được thành phố hỗ trợ xây dựng chuỗi từ khâu sản xuất đến tiêu thụ nông sản để nông dân yên tâm sản xuất.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng hiện nay, Hà Nội còn 3 huyện cuối cùng đang chuẩn bị được công nhận nông thôn mới. Từ đây, thành phố xác định phát triển nông nghiệp, nông thôn mới của Thủ đô sẽ chuyển sang giai đoạn mới.
Cụ thể, Hà Nội đã và đang "đặt hàng" các nhà khoa học, viện, học viện… hỗ trợ thành phố tập trung vào sản xuất các lĩnh vực chủ lực trong nông nghiệp, trong đó, về chăn nuôi, tập trung vào phát triển con giống để cung cấp giống cho cả nước.
Hà Nội định hướng cung cấp giống bò, lợn, gà… cho các địa phương để tạo chuỗi liên kết; cung cấp giống cho các tỉnh để chăn nuôi và đưa sản phẩm về Thủ đô.