Hà Nội đề nghị xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô với 9 nhóm chính sách

Trong quá trình xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), thành phố dự kiến đề xuất 16 nhóm chính sách, nhưng sau khi rà soát, xem xét kỹ lưỡng, thành phố đã cô đọng lại còn 9 nhóm chính sách.
Hà Nội đề nghị xây dựng Dự thảo Luật Thủ đô với 9 nhóm chính sách ảnh 1Quang cảnh cuộc họp. (Nguồn: VOV)

Chiều 2/3, Thường trực Thành ủy Hà Nội và Thường trực Ban Chỉ đạo xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) của Thành ủy Hà Nội đã làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Tư pháp về đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long chủ trì hội nghị.

Cùng dự có Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy; đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp, lãnh đạo thành phố Hà Nội.

Trình bày báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" và chỉ đạo của Thành ủy về việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô năm 2012, thời gian qua, Ủy ban Nhân dân thành phố đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Bộ Tư pháp tổ chức nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) với 9 nhóm chính sách trên các lĩnh vực.

[BCH Đảng bộ thành phố Hà Nội cho ý kiến về 3 nội dung quan trọng]

Đến nay, hồ sơ đã được báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố cho ý kiến tại 2 hội nghị, trên cơ sở đó, đã tiếp thu, hoàn thiện hồ sơ và gửi Bộ Tư pháp để phục vụ việc lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật.

Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội đồng thẩm định đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật. Sau đó, Thường trực Chính phủ đã tổ chức họp cho ý kiến đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Luật.

Đến ngày 23/2/2023, Chính phủ đã tổ chức phiên họp để xem xét hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) và cơ bản thông qua 9 nhóm chính sách như trong Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) do Bộ Tư pháp trình.

Ngày 27/2/2023, Ủy ban Nhân dân thành phố đã làm việc với Bộ Tư pháp, một số bộ, ngành trung ương và các chuyên gia để trao đổi, giải trình, dự kiến điều chỉnh một số giải pháp chính sách trong Luật Thủ đô.

Thời gian tới, thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp triển khai các hoạt động theo quy trình xây dựng Luật và dự kiến 14 nội dung hoạt động chính theo các mốc thời gian cụ thể.

Theo lộ trình dự kiến, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 vào cuối năm 2023; xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 diễn ra tháng 5/2024...

Trao đổi, thảo luận tại hội nghị, các đại biểu đã đề cập đến các vấn đề đặt ra trong thực hiện Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó, nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tính khả thi, nhất là Luật Thủ đô (sửa đổi) phải thực sự trao cho Hà Nội những cơ chế có tính vượt trội, qua đó tạo điều kiện cho Thủ đô phát triển xứng tầm.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết trong quá trình xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), ban đầu, thành phố dự kiến đề xuất 16 nhóm chính sách trên các lĩnh vực; sau khi rà soát, xem xét kỹ lưỡng, thành phố đã cô đọng lại còn 9 nhóm chính sách.

Các nội dung này đều dựa trên cơ sở tổng kết thực hiện Luật Thủ đô 2012 và nhu cầu bức thiết từ thực tiễn đời sống Thủ đô như: Việc xây dựng các khu nhà ở xã hội quy mô lớn đồng bộ về hạ tầng; khuyến khích sử dụng đất hiệu quả, thu hồi các dự án có sử dụng đất kéo dài gây lãng phí; bảo vệ và phát huy kho tàng di sản, di tích văn hóa, lịch sử; phát triển các đô thị vệ tinh, kéo giãn mật độ dân cư đô thị lõi; tỷ lệ điều tiết ngân sách, nguồn lực đầu tư; khó khăn trong xử lý các vi phạm về sử dụng đất đai, trật tự xây dựng...

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị thời gian tới, Bộ Tư pháp, các Ủy ban của Quốc hội, nhất là Ủy ban Pháp luật tiếp tục đồng hành, sát cánh với thành phố Hà Nội với tinh thần khẩn trương, quyết liệt để hoàn thiện Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) bảo đảm chất lượng và đúng lộ trình dự kiến.

Phát biểu kết thúc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá cao sự chủ động của thành phố Hà Nội trong quá trình xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) thời gian qua; đồng thời khẳng định, Bộ Tư pháp nhất trí với lộ trình và các đề xuất của thành phố Hà Nội, tiếp tục phối hợp chặt chẽ để hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bảo đảm cơ chế, chính sách thực sự vượt trội, khả thi cho Hà Nội phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục