Hà Nội đề xuất biện pháp mạnh để giảm phương tiện cá nhân

Hà Nội đề xuất có biện pháp mạnh để giảm phương tiện cá nhân

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đề xuất với Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành phối hợp với Hà Nội xây dựng lộ trình để hạn chế phương tiện cá nhân, nhằm giảm ùn tắc giao thông.
Ách tắc giao thông tại Hà Nội trong giờ cao điểm ngày càng nghiêm trọng. (Ảnh minh họa. Nguồn: PV/Vietnam+)

Báo cáo tại "Hội nghị của Chính phủ với các địa phương" diễn ra sáng nay (28/12), ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành phối hợp với Hà Nội xây dựng lộ trình để hạn chế phương tiện cá nhân, nhằm giảm ùn tắc giao thông.

Theo ông Chung, bình quân hàng tháng trên địa bàn thành phố có từ 18.000-22.000 xe máy và khoảng 6.000-8.000 ôtô đăng ký mới.

Bức tranh giao thông sẽ tiếp tục nghiêm trọng hơn khi đến năm 2018, nhiều dòng thuế liên quan đến ôtô được miễn giảm tiếp tục làm gia tăng các phương tiện đăng ký mới.

Chủ tịch Thành phố dự báo đến năm 2020 Hà Nội sẽ có gần 1 triệu ôtô, chưa kể ôtô của lực lượng vũ trang cũng như các tỉnh vào Hà Nội và khoảng 7 triệu xe máy.

"Với những hiện trạng như bây giờ, trong vòng 4 năm nữa vấn đề giao thông ở Hà Nội sẽ ngày càng phức tạp," ông Nguyễn Đức Chung nói.

Vấn đề chống ùn tắc giao thông cũng là một tâm điểm trong phiên thảo luận của Hội đồng nhân dân ngày 1/12.

Theo ông Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, với sự gia tăng nhanh chóng lượng phương tiện giao thông cá nhân, việc đầu tư công trình hạ tầng còn nhiều khó khăn, ý thức chấp hành quy định về an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao...

“Dự báo tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn còn diễn biến phức tạp, khó lường nhất là khu vực nội đô từ đường vành đai 3 trở vào và trên một số tuyến đường trục hướng tâm. Số lượng điểm và tuyến đường ùn tắc giao thông còn nhiều, tai nạn ở mức cao”, ông Hùng cảnh báo.

Để khắc phục những nguy cơ trên, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố đề nghị tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu nhằm giảm thiểu ùn tắc và đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn giai đoạn 2016-2020 với tổng số kinh phí dự kiến 2.167 tỷ đồng.

Riêng năm 2016, Hà Nội sẽ chi khoảng 700 triệu đồng, lập đề án từng bước hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân. Qua đó, Hà Nội xác định rõ lộ trình, giải pháp khắc phục tình trạng phát triển quá nhanh phương tiện cá nhân trong khi kết cấu hạ tầng phát triển không theo kịp, gây ùn tắc trên địa bàn.

Liên quan đến vấn đề trên, tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an phối hợp với các cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn, nhất là trong các dịp nghỉ lễ, Tết.

Đồng thời, tiếp tục siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát trọng tải phương tiện, chấm dứt tình trạng xe chở quá tải trọng. Tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật để đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn cả nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục