Sáng 21/9 là ngày đầu tiên Hà Nội chuyển xuống áp dụng Chỉ thị 15 sau hai tháng thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16. Nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ được phép mở cửa trở lại, trong đó có chợ truyền thống.
Giá rau, thịt “hạ nhiệt”
Theo khảo sát của phóng viên lúc 7 giờ sáng tại một số chợ truyền thống như chợ Vĩnh Tuy, chợ Hôm (quận Hai Bà Trưng), chợ cá Yên Sở… cho thấy sau một thời gian dài giãn cách xã hội, giá hàng hóa, thực phẩm tại Hà Nội không những không tăng mà còn giảm nhẹ một số mặt hàng thịt và rau củ.
Ghi nhận tại khu vực chợ Hôm-Đức Viên, giá thịt lợn dao động từ 120.000-150.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg so với thời điểm giãn cách xã hội. Cụ thể, giá thịt ba chỉ có giá 140 nghìn đồng/kg, thịt thăn giá 140 nghìn đồng/kg, nạc vai giòn giá 150 nghìn đồng/kg, sườn vai 130 nghìn đồng/kg, chân giò 120 nghìn đồng/kg...
Theo chị Nguyễn Thị Liễu, tiểu thương tại chợ Hôm cho hay giá thịt lợn hôm nay không biến động so với thời điểm trước đó, thậm chí còn quay đầu “giảm nhẹ.” Thành phố đã lên phương án cho phép lưu thông, vận chuyển hàng hóa từ trong những ngày giãn cách xã hội nên việc cung ứng vẫn diễn ra bình thường khiến giá thịt vẫn đảm bảo, thậm chí còn giảm giá.
Không chỉ thịt, giá thủy sản hay trứng, gia cầm cũng giữ ở mức ổn định. Cụ thể, giá bán cá dao động từ 60-140.000 đồng/kg, thịt gà từ 80 nghìn-140.000 đồng/kg, trứng gà dao động từ 2.000-3.000 đồng/quả.
Mặt hàng nông sản giá cũng giảm khá mạnh. Bí xanh có giá 20 nghìn đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg so với ngày trước, rau muống giá 10.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg, bắp cải giá 15.000/kg, giảm 3.000 đồng/kg, chanh 20.000 đồng/kg, giảm 2.000 đồng/kg…
Bên cạnh đó, người dân trong buổi sáng hôm nay cũng đi chợ mua đồ như những ngày thường và không cần phải sử dụng phiếu đi chợ. Anh Cường (Thanh Nhàn) cho biết: “Hôm nay Hà Nội đã tạm thời dỡ bỏ việc cấm đi đường nên tôi có thể đi mua thực phẩm tại các chợ đầu mối để chọn lựa được nhiều đồ hơn.”
Còn với chị Thúy (Minh Khai) nhận xét rằng giá thịt, rau củ quả trong ngày hôm nay rẻ hơn nhiều so với những ngày trước mà các mặt hàng đều sạch sẽ, tươi ngon. Để đảm bảo hạn chế việc ra đường, chị vẫn duy trì gọi “ship” hàng hóa thực phẩm từ các tiểu thương tại chợ.
Chủ động duy trì phòng dịch
Theo ghi nhận, mặc dù đã dừng giãn cách xã hội tại địa bàn nhưng tại một số các địa điểm chợ, siêu thị vẫn duy trì và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Các điểm chợ cóc ở Lương Yên, Nguyễn Cao, Trại Găng (quận Hai Bà Trưng) vẫn chưa được mở bán và duy trì quây rào, chốt kiểm soát. Lực lượng chức năng trong khu vực yêu cầu tiểu thương không họp chợ đồng thời nhắc nhở bà con không tập trung đông người cũng như phải thực hiện quy định về phòng dịch.
Còn tại các điểm chợ truyền thống như chợ Hôm, chợ Vĩnh Tuy, chợ cá Yên Sở..., ban quản lý chợ cũng vẫn duy trì đã đặt biển nhắc nhở người dân đeo khẩu trang đồng thời bố trí nhân viên trực đo thân thiệt, khai báo y tế cho người dân vào trong mua sắm; các mặt hàng không thiết yếu vẫn chưa được phép hoạt động bên trong chợ.
[Các địa phương chủ động xử lý linh hoạt trong phòng, chống COVID-19]
Ông Bùi Quang Tuấn, Tổ trưởng đội phòng chống dịch COVID-19 thuộc Ban quản lý chợ Hôm-Đức Viên cho biết thực hiện Chỉ thị 22 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội cũng như Chỉ thị số 15/CT-TTg, ban quản lý chợ Hôm đã xây dựng kế hoạch buôn bán đối với các tiểu thương tại chợ đồng thời vẫn duy trì các biện pháp phòng chống dịch đã thực hiện trong thời gian giãn cách xã hội vừa qua.
"Đối với người dân vào mua sắm, chúng tôi vẫn duy trì việc khai báo y tế, quét mã QR đồng thời đo thân nhiệt và phân luồng lối đi lại để đảm bảo giãn cách. Còn đối với các chủ hộ kinh doanh, bên cạnh việc tuân thủ các biện pháp 5K của Bộ Y tế: Đeo khẩu trang, giãn cách, khai báo rửa tay sát khuẩn… thì mỗi tiểu thương tại đây 100% đảm bảo tiêm chủng ít nhất 1 mũi vaccine COVID-19 để đảm bảo an toàn,” ông Tuấn nói./.