Hà Nội phấn đấu đón 11 triệu lượt khách nội địa nửa cuối năm 2020

An toàn du lịch trở thành mối quan tâm hàng đầu của du khách cùng với xu hướng lựa chọn các điểm đến gần, du lịch ngắn ngày theo các nhóm nhỏ và du lịch cá nhân.
Nhiều gia đình đưa các em nhỏ đi chơi trên phố đi bộ nhân ngày Quốc tế thiếu nhi. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)
Nhiều gia đình đưa các em nhỏ đi chơi trên phố đi bộ nhân ngày Quốc tế thiếu nhi. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Trên cơ sở dự báo tình hình và bám sát kịch bản điều hành phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng, ứng phó với dịch COVID-19 của thành phố Hà Nội, ngành Du lịch Thủ đô tập trung thực hiện các giải pháp nhằm khôi phục hoạt động du lịch theo các giai đoạn phục hồi.

Theo đó, trước mắt, Hà Nội tập trung phục hồi thị trường khách du lịch nội địa, tiếp đến là thị trường khách du lịch quốc tế.

Từ nay đến cuối năm 2020, Hà Nội phấn đấu đón lượng khách du lịch nội địa đạt mức cao nhất, ước khoảng 10-11 triệu lượt khách.

Thực tế, ngành du lịch đang mở ra những xu hướng mới cần các doanh nghiệp chuyển động để thích ứng. An toàn du lịch trở thành mối quan tâm hàng đầu của du khách cùng với xu hướng lựa chọn các điểm đến gần, du lịch ngắn ngày theo các nhóm nhỏ và du lịch cá nhân.

[Phát triển kinh tế đêm – Động lực thu hút khách du lịch tại Hà Nội]

Bởi vậy, các doanh nghiệp du lịch xây dựng tour tuyến đều lựa chọn những điểm đến an toàn, thận trọng khi đặt các dịch vụ vận chuyển, lưu trú, ăn uống phục vụ khách; thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch bệnh cho du khách.

Hiện nay, hàng loạt các điểm đến tại Hà Nội như các di tích, bảo tàng, công viên, điểm mua sắm, các cơ sở lưu trú... đều thực hiện các giải pháp kích cầu, thu hút khách bằng việc giảm giá vé, giá dịch vụ, tặng quà... 

Ngành du lịch Hà Nội tích cực vận động các tổ chức, đơn vị, cá nhân thực hiện phong trào "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam." Sở Du lịch Hà Nội ban hành và triển khai Kế hoạch kích cầu du lịch nội địa trên địa bàn thành phố năm 2020.

Theo đó, Sở tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch là thế mạnh của Hà Nội gồm du lịch di sản, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch gắn với các sự kiện văn hóa, thể thao, thương mại... khi dịch COVID-19 được kiểm soát tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, ngành du lịch Hà Nội tiếp tục xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện, văn minh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, liên kết hợp tác thu hút khách du lịch trong nước.

Theo các chuyên gia du lịch thế giới và Việt Nam, ngành du lịch sẽ cần nhiều thời gian để phục hồi sau đại dịch COVID-19 và chỉ có thể phục hồi sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các hoạt động kinh tế hoạt động trở lại bình thường.

Nhiều chuyên gia cho rằng hiện tại chưa thể đưa ra các dự báo chắc chắn về thời điểm có thể phục hồi lượng khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế.

Các chuyên gia du lịch ước tính, thời gian phục hồi lượng khách du lịch nội địa tối thiểu sau 2 tháng và khách quốc tế tối thiểu sau 6 tháng sau khi dịch bệnh được kiểm soát.

Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp tại các thị trường châu Âu, châu Mỹ và các nước trong khu vực, trong khi dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát tại Việt Nam nên thị trường du lịch nội địa có khả năng phục hồi nhanh hơn.

Đây cũng là một trong những yếu tố có lợi cho quá trình hồi phục của du lịch Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.