Hai doanh nghiệp vận tải đường sắt giảm lỗ hơn trăm tỷ đồng so dự báo

Nhờ tiết kiệm, cắt giảm chi phí, tăng thị phần vận tải hàng hóa...Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội giảm lỗ hơn 74 tỷ đồng; Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn giảm lỗ khoảng 78,2 tỷ đồng.
Hai doanh nghiệp vận tải đường sắt giảm lỗ hơn trăm tỷ đồng so dự báo ảnh 1Những hành khách đi tàu SE9 từ ga Hà Nội đi Tp Hồ Chí Minh chiều 10/2. (Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN)

Mặc dù phải dừng chạy nhiều đoàn tàu khách trong thời gian qua, nhưng nhờ sự chỉ đạo của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), đặc biệt thực hiện nhiều giải pháp như tiết giảm chi phí, tăng thị phần vận tải hàng hóa... nên hai doanh nghiệp vận tải đường sắt là Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội và Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn vẫn bất ngờ công bố giảm lỗ hơn trăm tỷ đồng so với dự báo trước đó.

Cụ thể, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội (Haraco) vừa công bố năm 2021 giảm lỗ hơn 74 tỷ đồng so với năm 2020.

Năm 2021, doanh nghiệp này lỗ hơn 121 tỷ đồng, trong khi số lỗ năm 2020 là hơn 196 tỷ đồng. Cùng với đó, so với năm 2020, tổng doanh thu và thu nhập khác năm 2021 giảm hơn 379 tỷ đồng (tương đương với tỷ lệ giảm hơn 19%).

Trong đó, doanh thu cung cấp hàng hóa và dịch vụ giảm hơn 392 tỷ đồng do ảnh hưởng dịch COVID-19 kéo dài nên phải ngừng chạy toàn bộ các đoàn tàu khách trên các tuyến.

Ngược lại, thu nhập khác tăng hơn 19,8 tỷ đồng, chủ yếu do thanh lý, nhượng bán các toa xe đã hết niên hạn sử dụng theo quy định.

Doanh thu giảm nhưng vẫn giảm lỗ. Điều này được lãnh đạo Haraco lý giải là do doanh nghiệp thực hiện cắt giảm chi phí. Năm 2021, tổng các khoản chi giảm gần 454,7 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ giảm hơn 21%. Tỷ lệ này cao hơn tỷ lệ giảm thu (hơn 19%).

[Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Ngành đường sắt phải quyết liệt đổi mới]

Ngoài ra, đơn vị giảm một số chi phí khác như chi phí khấu hao cơ bản tài sản cố định giảm do nhiều toa xe đã hết khấu hao và hết niên hạn sử dụng; chi phí lãi vay thực hiện các dự án đầu tư giảm; chi phí sản xuất kinh doanh giảm do phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia giảm từ 8% doanh thu xuống 4% doanh thu...

Lãnh đạo Haraco cho hay, công ty vẫn giảm được lỗ hàng chục tỷ đồng là nỗ lực rất lớn trong thực hiện mọi giải pháp, nhất là tiết kiệm, cắt giảm chi phí, từ lao động đến phương tiện.

Năm 2022, Haraco đang xây dựng kế hoạch, tính toán dự kiến lỗ giảm hơn so với thực tế thực hiện năm 2021. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn mong kết quả thực hiện năm 2022 sẽ giảm được lỗ hơn nữa so với dự kiến khi tình hình vận tải hành khách khả quan hơn, vận tải hàng hóa tiếp tục được đẩy mạnh.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng cho biết, các đợt dịch COVID-19 bùng phát lần 3 và lần 4 trong năm 2021 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận tải hành khách. Để tiết giảm chi phí và đảm bảo phòng dịch, doanh nghiệp đã cắt giảm nhiều đoàn tàu.

Việc dừng chạy tàu ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, các chỉ tiêu về sản lượng, doanh thu về hành khách, hàng hóa không đạt so với kế hoạch và giảm so với cùng kỳ; đồng thời, phát sinh một số chi phí phòng, chống dịch, vệ sinh toa xe, nhà ga...

Công ty đã ban hành các chính sách cắt giảm tiền lương, nhân công, bố trí lao động làm việc luân phiên, tạm hoãn hợp đồng lao động, giảm hệ số lương và giảm các chi phí khác để giảm lỗ và kết quả lợi nhuận sau thuế năm 2021 lỗ ít hơn năm 2020.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế năm 2021 âm khoảng 138,9 tỷ đồng, trong khi năm 2020 âm khoảng 217 tỷ đồng. Như vậy, giảm lỗ được khoảng 78,2 tỷ đồng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.