Hải Dương: Các khu di tích quốc gia đặc biệt đón hàng nghìn du khách

Đêm 21 và ngày 22/1 (tức 30 tháng Chạp Nhâm Dần và sáng mùng 1 Tết Quý Mão, hàng nghìn người dân và du khách cũng đã đến chiêm bái và dâng hương tại các di tích lịch sử, đền, chùa nổi tiếng.
Hải Dương: Các khu di tích quốc gia đặc biệt đón hàng nghìn du khách ảnh 1Đền Kiếp Bạc thờ Anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và toàn thể gia quyến. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Theo bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Trưởng ban quản lý Di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc, một trong 4 di tích quốc gia đặc biệt của Hải Dương, trong những ngày đầu nghỉ Tết Nguyên đán, di tích đã đón khoảng 5.000 lượt du khách đến chiêm bái và dâng hương.

Ban quản lý Di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc đã cắm 2.000 lá cờ thần, hồng kỳ; treo hàng trăm đèn lồng, hàng nghìn mét cờ dây... tại các di tích; dựng hệ thống panô, phướn tuyên truyền trực quan tại khuôn viên các di tích, các tuyến đường vào di tích Côn Sơn, Kiếp Bạc, đền Nguyễn Trãi, đền Trần Nguyên Đán, hồ Côn Sơn…, chỉnh trang toàn bộ hệ thống biển tuyên truyền trực quan tại hai Khu Di tích Côn Sơn-Kiếp Bạc; sửa chữa, lắp đặt hoàn chỉnh hệ thống điện chiếu sáng và điện màu trang trí tại điểm di tích đảm bảo phục vụ lễ hội.

Ban quản lý cũng tuyên tuyền về chương trình lễ hội mùa Xuân, hành trình xây dựng hồ sơ Di sản thế giới Quần thể di tích Yên tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc tới du khách.

Cùng với đó, Ban quản lý di tích đã phối hợp với chính quyền địa phương đảm bảo an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; xử lý nghiêm các trường hợp hành nghề mê tín dị đoan, chèo kéo du khách.

Công an thành phố Chí Linh đã bố trí 2 tổ công tác ứng trực tại 2 di tích Côn Sơn và Kiếp Bạc để đảm bảo an ninh trật tự, hỗ trợ du khách. Trong khuân viên các di tích, Ban quản lý cũng đã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân bảo vệ môi trường; bổ sung trang thiết bị, dụng cụ xử lý rác thải; nâng cấp, xây mới các công trình vệ sinh công cộng; trồng bổ sung các lại cây, hoa tạo cảnh quan cho di tích...

[Thời điểm diễn ra lễ hội mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2023] 

Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc 2023 sẽ diễn ra từ ngày 4-13/2 tới. Điểm nhấn của lễ hội là Lễ tưởng niệm 689 năm ngày viên tịch của Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả (1334-2023) và Lễ khai hội mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc 2023.

Bên cạnh những nghi lễ truyền thống, lễ hội còn có nhiều chương trình đặc sắc như hội thi gói bánh chưng và giã bánh giầy; Liên hoan pháo đất; thi đấu vật dân tộc, cờ tướng..., hứa hẹn thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương.

Nét mới trong chương trình năm nay là Tuần Văn hóa du lịch hội Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2023 với nhiều hoạt động hấp dẫn tại khu vực trải nghiệm Côn Sơn như các gian hàng giới thiệu các sản phẩm du lịch tiêu biểu và sản phẩm nông sản đặc trưng của Hải Dương; các chương trình biểu diễn nghệ thuật để du khách thưởng thức và trực tiếp tham gia trải nghiệm như hát chèo, hát văn, ca trù...

Ông Hà Quang Thành, Trưởng ban quản lý di tích huyện Cẩm Giàng cho biết trong 2 ngày nghỉ Tết Nguyên đán (30 và mùng 1 Tết - tức 21 và 22/1), 2 di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn huyện là Văn miếu Mao Điền và Đền Bia-Chùa Giám-Đền Xưa đã đón hơn 2.000 lượt du khách đến chiêm bái và dâng hương.

Để đón người dân địa phương và du khách, Ban quản lý di tích đã tiến hành tổng vệ sinh khuôn viên trong nội tự và sân bãi đỗ xe, đường vào di tích; trang trí khánh tiết, cắm cờ hồng kỳ, cờ thần và bố trí treo cờ đại tại các di tích. Tại di tích Văn miếu Mao Điền, Ban quản lý đã in các biển pano giới thiệu thể lệ thi Hương, Hội thời phong kiến (thời Lê, Nguyễn) và giới thiệu về trường thi Hương trấn Hải Dương đặt tại Mao Điền; trưng bày Văn miếu Mao Điền xưa và nay; giới thiệu thân thế sự nghiệp Đức Thánh Khổng tử và các bậc đại khoa phối thờ tại di tích Văn miếu Mao Điền.

Tại di tích Đền Bia-Chùa Giám-Đền Xưa, Ban quản lý đã in pano về giới thiệu y đức của Đức Thánh Tuệ Tĩnh; trưng bày chuyên đề: “Giá trị cụm di tích lưu niệm Đại Danh y-Thiền sư Tuệ Tĩnh đền Xưa, chùa Giám, đền Bia”… Ủy ban Nhân dân huyện Cẩm Giàng cũng đã giao lực lượng công an huyện và chính quyền các địa phương Cẩm Điền và Cẩm Văn, Cẩm Vũ tăng cường, hỗ trợ công tác an ninh trật tự, đảm bảo an toàn giao thông tại các di tích; kiên quyết không để tình trạng cờ bạc diễn ra.

Trong đêm 21 và 22/1 (tức 30 tháng Chạp Nhâm Dần và sáng mùng 1 Tết Nguyên đán Quý Mão, hàng nghìn người dân địa phương và du khách cũng đã đến chiêm bái và dâng hương tại các di tích lịch sử, đền, chùa nổi tiếng như chùa Hào Xá, đình Mộ Trạch, đền Chu Văn An, đền Quát, đền Cao, đền Tranh, chùa Thanh Mai, chùa Nhẫm Dương, đền Cao An Phụ…./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.