Thuở xa xưa, đèo Hải Vân nổi tiếng với nạn giặc cướp, thú dữ hoành hành. Những năm trước thời kỳ đổi mới, đường sá kém phát triển, cung đèo này là nỗi ám ảnh của cánh lái xe đường dài, bởi lơ mơ là phơi xe dưới vực thẳm.
Ấy thế mà giờ đây đèo Hải Vân lại trở thành một cung đường có sức hấp dẫn đến kỳ lạ.
Trở lại câu chuyện về thời điểm chưa có hầm đường bộ Hải Vân (hầm này được khánh thành và đưa vào sử dụng năm 2005), mọi thứ phương tiện xe cộ vào Nam ra Bắc, muốn đi từ Huế sang Đà Nẵng và ngược lại thì chỉ có mỗi một cách là... leo đèo Hải Vân.
Và nói không ngoa, dọc theo con đường thiên lý Bắc Nam thời bấy giờ có lẽ không có con đèo nào dữ dằn và đáng sợ bằng đèo Hải Vân. Vì thế, những câu chuyện về lật xe, đổ đèo mất thắng, xe lao xuống vực vì bị mây mù che mất lối đi... là những chuyện "thường ngày ở huyện."
Còn nhớ, vào thời ấy, nếu ai đã từng có dịp đi qua đèo Hải Vân sẽ không thể nào quên được hình ảnh những chồng cục chêm bằng gỗ (dân nhà xe gọi là can) to như cái vồ dùng để chèn lốp xe được bày bán đầy rẫy ở hai phía chân đèo. Cánh lái xe tải, xe khách nào đi qua đây trước khi lên đèo cũng phải dừng lại mua vài cái để phòng khi lên đèo ngộ nhỡ xe bị trôi không thắng được thì còn có cái mà chèn vào lốp để hãm lại.
Thậm chí, các anh nhà xe, nhất là xe chở khách, trước khi đổ đèo đều chuẩn bị mấy bó nhang to để thắp và cầu khấn ở các miếu trên đỉnh đèo nhằm cầu mong thần linh, trời Phật phù hộ cho xe xuôi đèo bình an vô sự. Thành ra, ở mấy khúc cua nguy hiểm trên đèo bầu không khí lúc nào bảng lảng khói hương, khiến cho người đi qua đây thường có cái cảm giác chờn chợn, rợn người.
ít nguy hiểm nhưng cũng không kém phần ấn tượng đối với những tay lái ưa mạo hiểm.
bằng xe môtô phân khối lớn do chính những tay lái người địa phương điều khiển.
Ngày nay, khi hầm Hải Vân được đưa vào sử dụng, mọi phương tiện xe cộ đi qua đoạn đường này đều đi theo tuyến hầm đường bộ vì vừa an toàn lại vừa rút ngắn được đáng kể thời gian đi lại. Chỉ một số ít loại xe như xe chở xăng dầu, vật liệu cháy nổ, súc vật mới phải đi đường đèo. Cùng với đó, người ta đã cho mở mang, tu sửa, chỉnh trang lại con đèo này, biến nó từ cung đường đáng sợ nhất trở thành cung đường hấp dẫn nhất, đáng khám phá nhất của miền Trung và cả nước.
Có lẽ vì thế mà giờ đây, không chỉ người dân tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng, mà hầu hết những ai đến với hai tỉnh thành này cũng đều không muốn bỏ qua cơ hội được một lần đặt chân lên con đèo nổi tiếng này. Thế rồi nhiều tour du lịch đã được mở ra, và cũng nhiều người đã tự tìm đến để thử sức và khám phá bằng nhiều hình thức và phương tiện khác nhau.
Chỉ cần một chiếc xe máy du khách đã có thể làm một cuộc hành trình đầy ấn tượng, không thể nào quên qua những cung đường tuyệt đẹp trên đèo Hải Vân. Đường đèo rộng thoáng vi vu gió, qua mỗi cung đường cảnh vật lại đổi khác. Có những đoạn chỉ thấy núi cao vực thẳm, cây rừng bạt ngàn một màu xanh ngắt, đường đèo thì ngoằn ngoèo thoắt ẩn thoắt hiện.
Ấy thế mà thoáng cái chỉ mới qua khỏi một khúc cua, cảnh vật như đã mở choàng ra trước mắt với bát ngát bao la màu xanh của biển, của trời, của núi non trùng trùng điệp điệp... Rồi thì thấp thoáng xa xa đâu đó phía dước chân đèo là hình ảnh của vịnh biển ăn sâu vào vách núi tạo thành những vòng cánh cung khổng lồ với dải cát vàng lung linh trong nắng.
Xe cứ đi, cảnh vật cứ chuyển mình thay đổi. Tất cả như một cuốn phim tài liệu phóng sự tuyệt đẹp về thiên nhiên cứ thế lần lượt trải bày ra trước mắt khiến cho ta có lúc cảm thấy choáng ngợp trước vẻ đẹp của tạo hóa.
Đặc biệt, vào những ngày nắng đẹp, từ trên đèo Hải Vân, tùy vào vị trí quan sát ở phía Nam hay Bắc mà ta có thể nhìn thấy hình ảnh toàn cảnh của một thành phố Đà Nẵng hiện đại nằm lung linh bên bờ biển, hoặc cảnh thị trấn Lăng Cô của Huế với bờ biển dài miên man cát trắng...
Du ngoạn đèo Hải Vân, du khách còn có cơ hội được khám phá những câu chuyện kì thú về di tích lịch sử Hải Vân quan; hay thậm chí cả những câu chuyện nhuốm màu dị thường, kì bí về miếu ông Hổ, miếu cô Ba cô Bảy... là những nơi thờ thần hổ và vong hồn những người đã chết do gặp nạn khi qua đèo./.
về bãi biển Lăng Cô từ một điểm cao ngay dưới chân đèo Hải Vân.