Theo trang tin HK01 của Hong Kong (Trung Quốc), Cục thống kê quốc gia Trung Quốc công bố số liệu sơ bộ cho hay GDP quý 4/2020 tăng 6,5% so với cùng kỳ và GDP cả năm 2020 tăng 2,3%, cao hơn so với kỳ vọng của các giới quan sát bên ngoài.
Trước đó, vào tháng 10/2020, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2020 của Trung Quốc từ 0,9% lên 1,9%.
Năm 2020, kinh tế thế giới chịu cú sốc lớn do dịch COVID-19 hoành hành, nhưng Trung Quốc không chỉ trở thành nước đạt mức tăng trưởng dương duy nhất trong số các nền kinh tế chủ chốt trên toàn cầu, mà kết quả còn cao hơn nhiều so với kỳ vọng của các tổ chức nước ngoài. Điều này cơ bản thể hiện hai dấu hiệu tích cực.
GDP bốn quý trong cả năm 2020 của Trung Quốc lần lượt là -6,8%, 3,2%, 4,9%, 6,5%. Điều đó cho thấy GDP phục hồi có trình tự. Ngoại trừ quý 1 dịch bùng phát trên quy mô lớn, các quý còn lại đều ghi nhận mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ, phản ánh xu thế GDP các quý của năm sau cao hơn so với cùng kỳ năm trước duy trì trong một thời gian dài (trừ quý 1).
Việc GDP ở trong trạng thái phục hồi toàn diện, ở mức độ rất lớn phụ thuộc vào chính sách phòng chống và kiểm soát dịch bệnh đạt được hiệu quả triệt để trong quý 1, ngoại trừ một số khu vực xuất hiện tình trạng bùng phát cục bộ ở quy mô nhỏ, làn sóng bùng phát thứ hai mà các chuyên gia lo ngại đã không xuất hiện.
Ngược lại, nhiều nền kinh tế ở châu Âu, Mỹ, cũng như Khu hành chính đặc biệt Hong Kong đều chịu ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh khiến cho GDP không thể phục hồi hiệu quả trong năm.
Chẳng hạn, GDP hai quý đầu năm 2020 của Hong Kong đã sụt giảm mạnh trên 9%, đến quý 3/2020 bắt đầu phục hồi, chỉ giảm 3,% so với cùng kỳ, nhưng dịch bệnh tái bùng phát trong quý 4/2020 làm cho các hoạt động kinh tế bị cản trở.
[Trung Quốc sẽ trở thành hình mẫu tái cơ cấu nền kinh tế]
Thị trường dự đoán GDP quý 4/2020 của Hong Kong sẽ giảm 1% so với quý 3/2020.
Trong khi đó, mặc dù những dự đoán về GDP của các nước châu Âu và Mỹ có sự khác nhau, nhưng rõ ràng trong quý 4/2020 các nước này đều chịu tác động của làn sóng dịch bệnh thứ hai.
Ví dụ, tuy Mỹ chưa công bố số liệu GDP quý IV/2020, nhưng sau khi số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm đáng kể trong quý 3/2020, số liệu này đã tăng mạnh trở lại và vượt ngưỡng 800.000 đơn vào đầu tháng 12/2020.
Số liệu công bố tuần gần đây nhất (ngày 14/1) đã lên đến 965.000 đơn, cao hơn nhiều so với dự báo, điều này chứng tỏ đà phục hồi kinh tế đã bị làn sóng dịch bệnh thứ hai gây rối loạn.
Xu thế tăng trưởng mạnh hơn so với năm 2019
Điều khiến mọi người ngạc nhiên là trong bối cảnh các nền kinh tế toàn cầu đều đang thảo luận lúc nào mới có thể khôi phục trở lại mức của năm 2019, chẳng hạn như Mỹ dự đoán có thể đến cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022 mới có thể phục hồi về mức năm 2019, Anh và châu Âu có thể phải kéo dài đến năm 2023, thì ngay trong năm 2020 nền kinh tế Trung Quốc đã phục hồi về mức tăng trưởng.
Xu thế tăng trưởng này thậm chí đã vượt qua số liệu ghi nhận trước dịch bệnh. Chịu tác động của các nhân tố bên ngoài như cuộc đọ sức Mỹ-Trung, GDP của Trung Quốc năm 2019 tăng 6,1%, trong đó quý 4/2019 chỉ đạt 6%, ghi nhận mức thấp kỷ lục.
Tuy nhiên, tỷ lệ tăng trưởng của quý 4/2020 đã vượt qua mức trước dịch bệnh, cho thấy Trung Quốc không những không bị liên lụy, mà ngược lại hưởng lợi từ việc sớm khống chế dịch bệnh nên có thể đi đầu đón nhận hiệu quả các cơ hội mang lại từ sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Thêm vào đó, thị trường đặt kỳ vọng rằng năm 2021, Trung Quốc vẫn có thể hưởng lợi từ thành quả kiểm soát dịch bệnh, tối đa hóa thành quả kinh tế mang lại từ sự hồi kinh tế toàn cầu, nên GDP năm 2021 có thể vượt 8%, điều này cho thấy tăng trưởng GDP của Trung Quốc có thể thoát khỏi xu hướng suy giảm đột ngột.
Thách thức của năm 2021
Trong bối cảnh một bên suy giảm một bên tăng trưởng, việc thu hẹp khoảng cách GDP giữa Trung Quốc với Mỹ đã được rút ngắn 4-5 năm, và nếu tính đến những ảnh hưởng kinh tế phái sinh thì có thể lớn hơn. Dù vậy, năm 2021 phát triển kinh tế của Trung Quốc cũng đối diện với những thách thức lớn.
Thứ nhất, về các nhân tố bên ngoài, đọ sức giữa giữa Mỹ và Trung Quốc, thậm chí Trung Quốc-phương Tây vẫn là thách thức lớn nhất mà Trung Quốc đối mặt hiện nay.
Chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden dường như sẽ lý trí hơn Chính quyền của ông Donald Trump, nhưng đọ sức Mỹ-Trung vẫn mang tính kết cấu. Do đó Trung Quốc phải tiếp tục tăng cường hệ thống đa phương, tránh rơi vào cục diện Chiến tranh Lạnh.
Thứ hai, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc hưởng lợi từ dịch bệnh, nhưng cũng phải tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng thời kỳ hậu dịch bệnh. Năm 2020, Trung Quốc đã thực hiện mục tiêu xóa bỏ đói nghèo, song về tổng thể vấn đề bất bình đẳng thu nhập vẫn nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người cũng chưa thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, nên cần phải tăng cường sáng tạo và phát triển kinh tế bền vững mới có thể duy trì tăng trưởng cao./.