Hàn Quốc biến rủi ro thành cơ hội trong ngành công nghiệp chiến lược

Các doanh nghiệp Hàn Quốc đã chủ động đa dạng hóa nguồn cung đồng thời bắt tay vào tự sản xuất thành công một số mặt hàng từng phải nhập khẩu từ Nhật Bản.

Nhằm đối phó hiệu quả hơn với việc Nhật Bản áp đặt biện pháp hạn chế xuất khẩu các mặt hàng công nghệ cao, Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành sửa đổi Luật đặc biệt về vật liệu, linh kiện và thiết bị công nghiệp chiến lược.

Dự luật này đã được Quốc hội Hàn Quốc thông qua hồi tháng 12/2019 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/4/2020.

Luật đặc biệt về vật liệu, linh kiện và thiết bị công nghiệp chiến lược được ban hành vào năm 2001 và có hiệu lực đến hết năm 2021 với trọng tâm “nuôi dưỡng” các doanh nghiệp thuộc ba phân ngành này.

Hàn Quốc biến rủi ro thành cơ hội trong ngành công nghiệp chiến lược ảnh 1Quan chức cấp cao Bộ Thương mại Hàn Quốc (bên phải) trong cuộc đàm phán cấp chuyên viên với những người đồng nhiệm Nhật Bản về việc Tokyo siết chặt quy chế xuất khẩu đối với ba mặt hàng nguyên liệu công nghệ cao sang Seoul, tại Tokyo ngày 12/7/2019. (Ảnh: KYODO/TTXVN)

Tuy nhiên, chuyên gia Lee In-chul, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế Chamjoeun (Hàn Quốc), cho rằng để tạo ra cơ sở pháp lý hỗ trợ các doanh nghiệp nội địa, đẩy nhanh tiến trình thoát khỏi sự phụ thuộc vào vật liệu, linh kiện và thiết bị nhập khẩu từ Nhật Bản, Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành bổ sung và sửa đổi nội dung luật nhằm quy định cách thức áp dụng công nghệ lõi, lựa chọn và quản lý các nhà sản xuất nhỏ dẫn dắt xu thế.

Hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản

Ngày 4/7/2019, Chính phủ Nhật Bản đã áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với ba nguyên liệu quan trọng trong sản xuất thiết bị bán dẫn và màn hình là nhựa nhiệt dẻo, chất cản màu và khí ăn mòn. Chỉ 55 ngày sau, ngày 28/8 Chính phủ Nhật Bản tiếp tục loại Hàn Quốc ra khỏi "Danh sách trắng" (gồm các quốc gia được hưởng ưu đãi xuất khẩu của Tokyo).

Có thể nói hành động bất ngờ đó của Tokyo là cú sốc với Seoul bởi Hàn Quốc khi đó đang phụ thuộc nhiều vào Nhật Bản về các loại vật liệu công nghiệp quan trọng này. Tuy nhiên, động thái này đã thúc đẩy Seoul đặt mục tiêu giảm phụ thuộc vào Tokyo và phát triển các công nghệ thay thế.

Ngay từ đầu tháng 8/2019, Chính phủ Hàn Quốc đã công bố một loạt biện pháp hỗ trợ ngân sách, thuế và tài chính cho các ngành có liên quan, để giải quyết khó khăn trước mắt, tăng cường khả năng cạnh tranh dài hạn. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cam kết hỗ trợ đầy đủ cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển, theo đuổi mục tiêu tăng trưởng chất lượng các ngành công nghiệp mới.

Sự khan hiếm nguyên liệu trong nước

Theo chuyên gia Lee In-chul, Nhật Bản đang nắm giữ 70-90% thị trường toàn cầu về nhựa nhiệt dẻo, chất cản màu và khí ăn mòn. Do đó, nếu nguồn cung các vật liệu công nghệ cao này bị gián đoạn, ngành công nghiệp bán dẫn Hàn Quốc sẽ là đầu mối chịu tổn thất nặng nề, nhất là sau khi Tokyo loại Seoul ra khỏi "Danh sách trắng." Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp Nhật Bản sản xuất 1.120 mặt hàng chiến lược buộc phải xin giấy phép để xuất khẩu sang Hàn Quốc với quy trình tốn nhiều thời gian hơn.

Để giải quyết khó khăn này, Chính phủ Hàn Quốc đã chọn 100 mặt hàng chịu tác động mạnh nhất từ quy chế xuất khẩu của Nhật Bản để tìm cách nội địa hóa trong vòng năm năm. Một Ủy ban trực thuộc phủ Tổng thống (Nhà Xanh) đã được thành lập vào ngày 11/10/2019 để thúc đẩy quá trình giành sự "tự chủ" cho các ngành công nghiệp linh kiện, vật liệu và thiết bị công nghệ cao trong nước.

[Hàn Quốc rời vị trí top 3 thị trường xuất khẩu lớn của Nhật Bản]

Số liệu thống kê cho thấy Hàn Quốc chưa bao giờ đạt thặng dư thương mại với Nhật Bản trong 50 năm qua, kể từ thời điểm hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao (năm 1965). Điều này phản ánh rõ nét sự phụ thuộc quá lớn của Seoul vào nguồn cung từ quốc gia láng giềng Nhật Bản.

Theo Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc, thâm hụt thương mại của nước này với Nhật Bản trong lĩnh vực vật liệu và linh kiện là hơn 15 tỷ USD trong năm 2018 và trong giai đoạn 2014-2018 là trên 76 tỷ USD, chiếm 2/3 tổng thâm hụt thương mại song phương.

Doanh nghiệp nhỏ trước cơ hội lớn

Nhiều người cho rằng Hàn Quốc bị tụt hậu so với Nhật Bản và Đức về công nghệ lõi liên quan đến các ngành công nghiệp chủ chốt nên buộc phải nhập khẩu. Tuy nhiên, để khắc phục điểm yếu này, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã chủ động đa dạng hóa nguồn cung đồng thời bắt tay vào tự sản xuất thành công một số mặt hàng từng phải nhập khẩu từ Nhật Bản. Năm 2019, xu hướng nhập siêu của Seoul với Tokyo đã giảm xuống mức thấp nhất trong 16 năm qua.

Hàn Quốc biến rủi ro thành cơ hội trong ngành công nghiệp chiến lược ảnh 2Trẻ em tìm hiểu vật liệu bán dẫn tại phòng trưng bày sản phẩm của Hãng Samsung Electronics Co. ở Seoul, Hàn Quốc ngày 31/7/2019. (Ảnh: YONHAP/TTXVN)

Chuyên gia Lee In-chul cho biết, luật đặc biệt sẽ cung cấp nền tảng pháp lý và thể chế để phát triển ngành công nghiệp vật liệu, linh kiện và thiết bị và Chính phủ Hàn Quốc coi đây là "nhiệm vụ quốc gia." Thực tế cho thấy, các nhà sản xuất nhỏ ở các ngành này đang gặp khó khăn trong mở rộng kinh doanh dù sở hữu công nghệ đẳng cấp thế giới. Việc luật này chính thức có hiệu lực sẽ góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nơi các doanh nghiệp được đánh giá dựa trên doanh số bán hàng thay vì năng lực kỹ thuật. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhỏ đủ năng lực cạnh tranh dự kiến cũng sẽ được nhận hỗ trợ lớn hơn.

Sau khi luật đặc biệt này chính thức có hiệu lực, những doanh nghiệp nhỏ trong ba phân ngành công nghiệp chủ chốt nêu trên, các doanh nghiệp phụ thuộc nhu cầu nội địa (do các thỏa thuận độc quyền với các doanh nghiệp lớn) và những doanh nghiệp sở hữu ít bằng sáng chế ở nước ngoài đều có thể tăng cường năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, chuyên gia Lee In-chul nhấn mạnh rằng mọi thứ mới chỉ là sự khởi đầu.

Về mặt pháp lý, Chính phủ sẽ công bố lộ trình tăng cường năng lực cạnh tranh của các phân ngành vật liệu, linh kiện và trang thiết bị ngay trong năm 2020. Lộ trình dự kiến bao gồm kế hoạch trung và dài hạn để đạt được sự độc lập về công nghệ, đảm bảo nguồn cung ổn định. Sau đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ tích cực tìm cách xây dựng mạng lưới toàn cầu để khuyến khích các doanh nghiệp nội địa khám phá thị trường nước ngoài.

Để mở rộng hợp tác quốc tế trong ngành công nghiệp vật liệu, linh kiện và thiết bị công nghệ cao, Hàn Quốc sẽ thúc đẩy nghiên cứu và phát triển chung với các đối tác của Mỹ, Israel và Nga. Luật đặc biệt chắc chắn sẽ mở đường cho những sáng kiến này, góp phần đẩy nhanh quá trình độc lập về công nghệ của Hàn Quốc.

Seoul đang "biến rủi ro thành cơ hội" để nâng cao trình độ công nghệ của mình. Tranh chấp thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản có thể được giải quyết hoặc không, song Seoul cần có biện pháp hỗ trợ ba phân ngành công nghiệp chủ chốt một cách kiên định như một chiến lược quốc gia./.
 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.