Hàn Quốc mời Việt Nam xây dựng hồ sơ đa quốc gia về nghề sơn mài

Việt Nam có thể hợp tác với Hàn Quốc và các nước có di sản nghề sơn mài để xây dựng hồ sơ đa quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hàn Quốc mời Việt Nam xây dựng hồ sơ đa quốc gia về nghề sơn mài ảnh 1Làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội duy trì nghề sơn mài truyền thống hơn 200 năm. (Nguồn: TTXVN)

Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ đã có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xin phép tham gia xây dựng hồ sơ đa quốc gia “Nghề sơn mài truyền thống.”

Nếu được cho phép, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tham gia, hợp tác với Hàn Quốc và các nước có di sản nghề sơn mài truyền thống để xây dựng hồ sơ đa quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Trước đó, vào ngày 16/9/2015, Tổng cục Di sản văn hóa Hàn Quốc có thư gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị cùng nước này xây dựng hồ sơ đa quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh nghệ thuật sơn mài vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Việc hợp tác xây dựng hồ sơ đa quốc gia nêu trên nhằm góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị độc đáo của nghề sơn mài truyền thống Việt Nam trên phạm vi quốc tế và thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể giữa các nước trong khu vực. Phía Hàn Quốc cho biết khả năng sẽ có sự tham gia của cả Trung Quốc và Nhật Bản.

Trong văn bản trình Thủ tướng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ nghề sơn mài truyền thống có ở một số nước Đông Á, Đông Nam Á (tiêu biểu là Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc).

Ở Việt Nam, sơn mài có lịch sử lâu đời và đã được phát triển từ nghề thủ công truyền thống sang nghề thủ công mỹ nghệ và cao hơn là nghệ thuật tạo hình hiện đại (tranh sơn mài), với các giá trị đặc sắc về văn hóa, nghệ thuật, lịch sử và khoa học.

Theo cố họa sỹ Tô Ngọc Vân, sơn mài là một danh từ mới đặt sau này để chỉ một kỹ thuật trước kia gọi là “sơn ta” nhưng đã biến hóa hẳn do nghệ thuật mài sơn.

Trước đây, người Việt Nam dùng sơn ta trong trang trí đồ thờ cúng, làm hàng mỹ nghệ. Vào thập niên 30 của thế kỷ 20, một số sinh viên Việt Nam đầu tiên theo học tại Trường Mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Gia Trí, Phạm Hậu, Nguyễn Khang, Trần Văn Cẩn và nghệ nhân Đinh Văn Thành đã mạnh dạn thử nghiệm đưa kỹ thuật sơn ta vào làm tranh sơn mài. Đây là sự tìm tòi và phát triển kỹ thuật của nghề sơn thủ công truyền thống thành kỹ thuật, nghệ thuật sơn mài độc đáo của Việt Nam. Sơn mài có nhiều chất liệu độc đáo mang đậm hồn dân tộc, dung dị mà thuần khiết chất Á Đông...

Nếu được Chính phủ chấp thuận hồ sơ về nghề sơn mài truyền thống sẽ là hồ sơ đa quốc gia thứ 2 mà Việt Nam tham gia.

Trước đó, Việt Nam đã tham gia xây dựng hồ sơ đa quốc gia với Campuchia, Hàn Quốc, Philippines về nghi lễ và trò chơi kéo co. Nghi lễ và trò chơi kéo co đã chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2015./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục