Hàn Quốc tìm nguồn nhập khẩu và phân phối than chì từ Việt Nam

Trong bối cảnh Trung Quốc tăng kiểm soát xuất khẩu than chì, DA Technology kỳ vọng hợp đồng nhập khẩu từ Việt Nam sẽ có thể đóng một vai trò tích cực trong việc cung cấp than chì cho Hàn Quốc.

CEO DA Technology ông Lee Sang-hwa (trái) và Chủ tịch VGG ông Nguyễn Đức Lượng trao đổi ký kết hợp tác. (Nguồn: DA Technology)
CEO DA Technology ông Lee Sang-hwa (trái) và Chủ tịch VGG ông Nguyễn Đức Lượng trao đổi ký kết hợp tác. (Nguồn: DA Technology)

Công ty DA Technology (Hàn Quốc) ngày 3/1 đã ký hợp đồng độc quyền về than chì tự nhiên với Công ty TNHH Tập đoàn Graphite Việt Nam (Vietnam Graphite Group·VGG).

Thông qua hợp đồng này, DA Technology đã giành được quyền nhập khẩu và phân phối độc quyền than chì tự nhiên có độ tinh khiết 99,97% do VGG sản xuất tại thị trường Hàn Quốc.

Hai công ty đã ký hợp đồng này sau khi thảo luận các điều kiện chi tiết và chuẩn bị liên doanh sau khi ký kết thỏa thuận kinh doanh liên quan đến phân phối và xuất nhập khẩu than chì tự nhiên vào tháng 12/2023.

Hai công ty có kế hoạch tiến hành liên doanh liên quan đến xuất nhập khẩu than chì được khai thác, chế biến và tinh chế tại Việt Nam.

VGG có kế hoạch cung cấp ít nhất 20.000 tấn than chì tự nhiên hàng năm cho DA Technology dựa trên nhà máy chế biến và mỏ than chì hiện có. DA Technology sẽ nhận được độc quyền nhập khẩu và quyền phân phối tại thị trường Hàn Quốc đối với than chì tự nhiên có độ tinh khiết 99,97% do VGG khai thác, nghiền và tinh chế.

Một quan chức của DA Technology cho biết năm 2023 mức độ phụ thuộc của Hàn Quốc vào than chì tự nhiên của Trung Quốc là 96,4%, cao nhất trong 5 năm qua.

Trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường kiểm soát xuất khẩu than chì ra nước ngoài từ tháng 12/2023, DA Technology kỳ vọng hợp đồng nhập khẩu từ Việt Nam sẽ có thể đóng một vai trò tích cực trong việc cung cấp than chì cho nội địa.

DA Technology có kế hoạch cùng đầu tư vào các cơ sở sản xuất như nhà máy chế biến than chì gồm tinh luyện và nấu chảy để mở rộng năng lực sản xuất than chì (CAPA) và tinh chế than chì có độ tinh khiết cao.

Thông tin cho biết độ tinh khiết của than chì đạt mức 70-80% trong điều kiện khai thác và chế biến thông thường là rất thấp. Vì vậy để thu được than chì có độ tinh khiết cao, cần phải qua quá trình tinh chế để tăng thêm lượng carbon.

Thông qua quá trình làm giàu và tinh chế, có thể thu được than chì có hàm lượng carbon từ 95% đến 97%. Đặc biệt, do nhu cầu bùng nổ gần đây, than chì có độ tinh khiết cao được sử dụng rộng rãi làm vật liệu cực dương cho pin lithium-ion.

Lãnh đạo của doanh nghiệp DA Technology cũng chia sẻ thêm VGG là một công ty tài nguyên khoáng sản với hơn 20 năm kinh nghiệm và sở hữu nhiều bí quyết cũng như khả năng khai thác và kinh doanh khoáng sản với sự cho phép của Chính phủ Việt Nam.

VGG đang nắm quyền khai thác mỏ than chì có tổng diện tích 34,3ha tại xã Yên Thái, tỉnh Yên Bái và có nhà máy chế biến than chì tại huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.

Tổng trữ lượng quặng thô của mỏ than chì ước tính khoảng 4 triệu tấn, nhà máy sản xuất than chì của VGG có khả năng xử lý 400.000 tấn tinh quặng mỗi năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.