Hàn Quốc: Xuất khẩu giảm mạnh, thâm hụt thương mại kéo dài

Hàn Quốc hiện phải chịu mức thâm hụt thương mại hàng tháng lớn nhất từ trước đến nay (tháng 1/2023) do giá năng lượng cao, làm gia tăng mối lo ngại về đà tăng trưởng kinh tế của nước này.
Hàn Quốc: Xuất khẩu giảm mạnh, thâm hụt thương mại kéo dài ảnh 1Quầy bán hải sản tại một khu chợ ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc dẫn số liệu thống kê của Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) công bố ngày 1/2 cho thấy xuất khẩu của Xứ Kim chi trong tháng 1/2023 đã ghi nhận mức giảm mạnh hơn so với cùng kỳ năm 2022 do nhu cầu yếu đối với chất bán dẫn và các mặt hàng khác trong bối cảnh kinh tế suy thoái.

Hàn Quốc hiện cũng đang phải chịu mức thâm hụt thương mại hàng tháng lớn nhất từ trước đến nay (tháng 1/2023) do giá năng lượng cao, làm gia tăng mối lo ngại về đà tăng trưởng kinh tế của nước này.

Số liệu của MOTIE cho thấy các chuyến hàng đi nước ngoài trong tháng 1/2023 đã giảm 16,6% so với cùng kỳ năm 2022 xuống còn 46,27 tỷ USD, sau khi ghi nhận mức giảm 9,5% của tháng 12/2022.

[Điều kiện để Hàn Quốc lọt top cường quốc kinh tế G5 vào năm 2035]

Xuất khẩu, động lực tăng trưởng chính của Hàn Quốc, đã ghi nhận giảm lần đầu tiên vào tháng 10/2022 (kể từ năm 2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát) và đã báo cáo mức giảm so với cùng kỳ trong mỗi tháng tiếp theo.

Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2020, xuất khẩu của Hàn Quốc giảm 4 tháng liên tiếp.

Trong khi đó, nhập khẩu cũng giảm 2,6% so với cùng kỳ xuống còn 58,96 tỷ USD, dẫn đến thâm hụt thương mại hàng tháng ở mức cao nhất từ trước đến nay là 12,69 tỷ USD, cao hơn nhiều so với kỷ lục trước đó là 9,44 tỷ USD được thiết lập vào tháng 8/2022.

Bên cạnh đó, nhập khẩu cũng đã vượt xuất khẩu kể từ tháng 4/2022 và đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1997 Hàn Quốc ghi nhận thâm hụt thương mại trong 11 tháng liên tiếp.

Hàn Quốc đang phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu năng lượng và nhập khẩu năng lượng của nước này đạt 15,8 tỷ USD trong tháng Một, chiếm 26,8% tổng nhập khẩu.

Ngược lại, xuất khẩu của Hàn Quốc sụt giảm được cho là do có tác động ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế toàn cầu trong bối cảnh lạm phát cao và chính sách thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ của các nền kinh tế lớn cũng như sự suy thoái của thị trường chip thế giới.

MOTIE cho biết hiệu ứng cơ sở cao cũng là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm vào tháng 1/2023 khi xuất khẩu tăng 15,5% lên 55,46 tỷ USD vào tháng 1/2022, con số cao nhất trong bất kỳ tháng Một nào.

Doanh số bán chất bán dẫn của Hàn Quốc ở nước ngoài (một trong những mặt hàng xuất khẩu chính) đã giảm 44,5% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 6 tỷ USD vào tháng 1/2023 do nhu cầu giảm và giá chip giảm.

Doanh số bán hóa dầu cũng giảm 25% còn 3,79 tỷ USD và xuất khẩu máy móc giảm 15,8% còn 3,86 tỷ USD. Xuất khẩu các sản phẩm thép giảm 25,9% xuống còn 2,71 tỷ USD, các lô hàng phụ tùng ôtô giảm 16,2% còn 1,73 tỷ USD trong khi các mặt hàng sinh học và y tế giảm 33,5% còn 1,11 tỷ USD.

Tuy nhiên, xuất khẩu ôtô của Hàn Quốc đã tăng 21,9% lên 4,98 tỷ USD và doanh số bán các sản phẩm xăng dầu tăng 12,2% lên 4,13 tỷ USD.

Số liệu của MOTIE cũng cho thấy doanh số bán tàu biển tăng vọt 86,3% lên 1,44 tỷ USD và doanh số bán pin thứ cấp tăng 9,9% lên 800 triệu USD.

Theo quốc gia, xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc (đối tác thương mại số 1 của Hàn Quốc) đã giảm 31,4% xuống còn 9,17 tỷ USD, với các chuyến hàng chuyên chở chip đến quốc gia láng giềng giảm hơn 45% và ghi nhận mức giảm trong 8 tháng liên tiếp.

Xuất khẩu của Hàn Quốc sang Mỹ giảm 6,1% còn 8,05 tỷ USD và xuất khẩu sang Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng giảm 19,8% còn 8,26 tỷ USD.

Xuất khẩu sang Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) giảm 17,6% còn 920 triệu USD trong bối cảnh khủng hoảng Nga-Ukraine kéo dài.

Tuy nhiên, xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) tăng 0,2% lên 5,43 tỷ USD và xuất khẩu sang các quốc gia Trung Đông tăng 4,0% lên 1,46 tỷ USD./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.