Hàn-Trung đạt nhiều bước tiến trong đàm phán FTA

Tại vòng đàm phán FTA thứ 9, hai bên đã thảo luận về mức độ tự do hóa hàng hóa, mở cửa dịch vụ và thị trường đầu tư cũng như hợp tác song phương.

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc ngày 10/1 cho biết nước này và Trung Quốc đã đạt được nhiều bước tiến trong vòng đàm phán thứ chín về Thỏa thuận thương mại tự do song phương (FTA) đang được tổ chức tại thành phố Tây An, thủ phủ tỉnh Thiểm Tây, Tây Bắc Trung Quốc.

Theo bộ trên, tại vòng đàm phán FTA thứ 9 từ ngày 6-10/1, hai bên đã thảo luận về mức độ tự do hóa hàng hóa, mở cửa dịch vụ và thị trường đầu tư cũng như hợp tác song phương.

Hai bên đưa ra danh sách các mặt hàng được tự do hóa, bao gồm một số hàng hóa nhạy cảm, mở đường cho việc tiếp tục thảo luận về một thỏa thuận khung.

Phái bộ hai nước cũng đã thảo luận về xuất xứ hàng hóa, thủ tục hải quan, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và các rào cản kỹ thuật trong thương mại.

Ngoài ra, vấn đề hợp tác trong các lĩnh vực dịch vụ, đầu tư, vấn đề bản quyền, cạnh tranh thương mại, môi trường, thương mại điện tử và kinh tế cũng được trao đổi.

Hai nước cũng nhất trí sẽ tổ chức vòng đàm phán thứ 10 tại Hàn Quốc trong thời gian tới.

Trước đó, trong vòng đàm phán thứ 8 tổ chức tại quận Songdo ở thành phố Incheon, cảng phía Tây của Hàn Quốc trong tháng 11/2013, hai bên đã thảo luận một dự thảo về thỏa thuận thương mại và mức độ tự do hóa hàng hóa.

Hai bên đã hoàn tất giai đoạn một gồm bảy vòng đàm phán từ đầu tháng 9/2013, theo đó chấp thuận các nguyên tắc cơ bản của FTA song phương, nhất trí xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 90% sản phẩm tính về số lượng và đối với 85% hàng hóa tính về giá trị.

Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại số một của Hàn Quốc. Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, kim ngạch thương mại song phương hàng năm đã tăng gần 50 lần, đạt 256 tỷ USD vào năm 2012./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.