Hang Con Moong đón bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt

Ngày 23/11, tại huyện Thạch Thành, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ đón bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong và các di tích phụ cận.
Hang Con Moong đón bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt ảnh 1Hang Con Moong. (Nguồn: yendinh.thanhhoa.gov.vn)

Ngày 23/11, tại huyện Thạch Thành, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức lễ đón bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt hang Con Moong và các di tích phụ cận.

Nằm trong vùng đệm rừng quốc gia Cúc Phương, hang Con Moong (thuộc địa phận xã Thành Yên, huyện Thạch Thành)​, được phát hiện lần đầu vào năm 1974, khai quật lần đầu năm 1976.

Năm 2008-2009, phục vụ việc nghiên cứu lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, hang Con Moong được khảo sát và công bố kết quả nghiên cứu bước đầu.

Năm 2010-2014, Viện Khảo cổ học Việt Nam hợp tác với Viện Khảo cổ học - Dân tộc học Novosibirsk thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tiếp tục khai quật, nghiên cứu hang Con Moong và các di tích phụ cận.

Các nghiên cứu đã cho thấy, địa tầng hang Con Moong thực sự là chứng cứ đặc biệt về truyền thống văn hóa đã mất, là nơi quần cư liên tục của 3 nền văn hóa tiền sử tiêu biểu nhất cho Việt Nam và Đông Nam Á là văn hóa Sơn Vi, qua văn hóa Hòa Bình đến văn hóa Bắc Sơn; là sự tiếp nối giữa thời kỳ đá cũ đến đá mới, từ kỹ thuật ghè đẽo đến mài lưỡi công cụ, từ săn bắn hái lượm đến trồng trọt sơ khai; cho thấy con người thời tiền sử đã có mặt ở hang Con Moong từ khoảng 60.000 năm trước.

Việc phát hiện một di chỉ khảo cổ học có tính liên tục được thể hiện qua các tầng, các lớp văn hóa rõ ràng, kéo dài qua nhiều thời đại để nghiên cứu tiến trình của lịch sử nhân loại của hang Con Moong và các di tích phụ cận là rất hiếm và vô cùng quý giá.

Có thể xem đây là điển hình tiêu biểu của sự định cư hang động truyền thống lâu dài, ổn định của nhân loại, minh chứng cho thấy sự tác động của con người đến môi trường tự nhiên.

Bên cạnh đó, những di tích liên quan như động Người xưa, mái đá Mộc Long, hang Lai, hang Diêm... quanh khu vực cùng với hang Con Moong tạo thành quần thể di tích cho thấy một cộng đồng dân cư cư trú trong một thung lũng rộng lớn, có sự thay đổi về dân số, vị trí cư trú và phương thức sản xuất.

Với những giá trị lịch sử văn hóa nổi bật đó, hang Con Moong và các di tích phụ cận đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Đây là một sự kiện văn hóa có ý nghĩa to lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, là mốc son xác định rõ vị trí của Di tích hang Con Moong và các di tích phụ cận.

Đây là thành công có ý nghĩa quan trọng trong hành trình đưa di tích hang Con Moong trở thành Di sản Văn hóa thế giới.

Phát biểu tại Lễ đón bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt, bà Trịnh Thị Thủy, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đề nghị, thời gian tới tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục nghiên cứu, củng cố, bổ sung tư liệu, tài liệu để hình thành bộ hồ sơ khoa học trình UNESCO công nhận Di tích hang Con Moong là Di sản Văn hóa thế giới khi đủ điều kiện.

Bên cạnh đó, địa phương cần tiếp tục tuyên truyền giá trị của di tích tới các tầng lớp nhân dân, để mọi người cùng chung tay giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.