Hang động Huổi Cang, Huổi Đáp trở thành di tích quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia đối với quần thể di tích danh thắng hang động Huổi Cang, Huổi Đáp thuộc huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.
Vẻ đẹp kỳ thú của những nhũ đá trên vách trong hang động Huổi Cang. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Vẻ đẹp kỳ thú của những nhũ đá trên vách trong hang động Huổi Cang. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Quyết định số 1183/QĐ-BVHTTDL, ngày 28/3/2019, về việc xếp hạng di tích cấp quốc gia đối với quần thể di tích danh thắng hang động Huổi Cang, Huổi Đáp, thuộc địa phận hai bản Huổi Cang, Huổi Đáp, xã Pa Ham, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.

Quần thể hang động Huổi Cang, Huổi Đáp nằm trong dãy núi đá vôi ở vị trí cao gần 500m so với mực nước biển, được hình thành do quá trình kiến tạo địa chất của trái đất, quá trình karst hòa tan (hiện tượng phong hóa đặc trưng của núi đá vôi bị nước chảy xói mòn) cách đây hàng nghìn năm.

Nằm trên khu vực có tên Pom Thẳm Bẻ, hai hang động Huổi Cang và Huổi Đáp nằm cách nhau 450m, bao bọc xung quanh là khu rừng tái sinh, nương rẫy và một số hang động nhỏ khác. Đây là những tuyệt tác nghệ thuật của thiên nhiên, hội tụ nhiều tính chất đa dạng của thiên nhiên như: địa chất, địa mạo, địa hình, khí hậu, sinh học, sinh thái và cảnh quan môi trường.

Vẻ đẹp kỳ thú của những nhũ đá trên vách trong hang động Huổi Cang. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Vẻ đẹp kỳ thú của những nhũ đá trên vách trong hang động Huổi Cang. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Những khối nhũ đá mang hình cây nấm, chùm đèn khổng lồ trong hang động Huổi Cang. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Những khối nhũ đá mang hình cây nấm, chùm đèn khổng lồ trong hang động Huổi Cang. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Khối nhũ đá hình dáng vân mây trong hang động Huổi Đáp. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Khối nhũ đá hình dáng vân mây trong hang động Huổi Đáp. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Vẻ đẹp trong hang động Huổi Đáp. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Vẻ đẹp trong hang động Huổi Đáp. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Vẻ đẹp kỳ thú của những nhũ đá trên vách trong hang động Huổi Cang. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Vẻ đẹp kỳ thú của những nhũ đá trên vách trong hang động Huổi Cang. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Vẻ đẹp độc đáo, lạ mắt của những nhũ đá trong hang động Huổi Cang. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Vẻ đẹp độc đáo, lạ mắt của những nhũ đá trong hang động Huổi Cang. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Vẻ đẹp trong hang động Huổi Đáp. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)
Vẻ đẹp trong hang động Huổi Đáp. (Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN)

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, khu vực này từng là nơi sơ tán của người dân và các cơ quan nhà nước, nơi cất giấu lương thực, vũ khí, đạn dược của quân, dân tỉnh Lai Châu (cũ).

Hang động Huổi Cang có tổng chiều dài hơn 1km, cửa hang chỉ rộng 1m, cao 1,5m; nằm ở vị trí giáp ranh giữa hai quả đồi, cửa hang quay theo hướng Đông Nam. Hang được chia làm ba khoang chính và nhiều ngách nhỏ, dưới nền hang động là đất, đá, hai bên vách, trần hang có nhiều nhũ đá với sắc màu xám, vàng, trắng, xanh rêu mang hình thù như các cột đá, măng đá, hình rèm, cây nấm, tượng phật, những con vật như khủng long, tê giác một sừng, voi, hải cẩu…

Cách cửa hang 15m là khoang thứ nhất, trên trần và hai bên vách hang động là nhũ đá có hình thù như những móng vuốt tua tủa sắc nhọn, hình bức rèm và các bàn tay khổng lồ. Trong những ngách hình vòng cung khác có nhũ đá hình cây măng, tượng Phật, cây nấm khổng lồ... và các cột đá cao khoảng từ 4-5m, đường kính 1,5- 2m phủ nhũ màu vàng, trắng xen lẫn tạo sự óng ánh. Trên vách còn có những dải nhũ đá màu trắng tinh hoặc vàng óng như thác nước đang chảy.

Khoang thứ hai chìm sâu xuống lòng đất. Trong khoang có nhiều nhũ đá mang hình thù kỳ lạ với gườm đá dài nối từ trần hang động xuống dưới nền hay dải san hô dài 8-10m, rộng gần 10m; trên vách và trần hang động, nhũ đá buông xuống như những dải lụa. Đặc biệt, trên trần hang nhũ đá kết lại như những cụm đèn chùm pha lê, hình quả chuông, nhiều khối nhũ hình thác vàng, thác bạc đang đổ từ trên cao xuống tung bọt nước trắng xóa, sau đó ngưng đọng tạo thành hình rèm, khối nhũ khác thì giống tượng phật hoặc các cô tiên đang vui đùa. Các khối nhũ khác giống hình những con vật như tê giác một sừng, cá sấu, hải cẩu…

Khoang thứ ba có chiều dài gần 300m, ngay cửa khoang là khối nhũ đá hình một quả trứng khổng lồ. Khoang thứ ba chia thành hai ngách lớn và các ngách nhỏ, ở mỗi ngách là những khối nhũ đá đa dạng hình thù như: khối giống quả chuông khi chạm vào phát ra âm thanh thánh thót; khối tạo những đám măng đá tua tủa sắc nhọn, khối thì mang hình thù của sư tử biển, tê giác một sừng, hình chim... Trên trần và hai bên vách là những vân mây đá màu vàng, trắng, xám kết hợp pha quyện vào nhau gây ấn tượng, tạo sự thích thú, thỏa mãn trí khám phá của người xem.

Hang động Huổi Đáp có tổng chiều dài 350m, chia làm ba khoang chính, cửa hang hướng Đông - Nam rộng 3m, cao 1,5m ăn sâu xuống lòng đất khoảng 7m. Khoang thứ nhất có chiều dài khoảng 100m, nơi rộng nhất từ 25-30m, vòm khoang cao từ 15-20m là những khối nhũ đá ánh màu vàng và xanh xám liên kết thành từng mảng lớn, mang hình thù các con vật như đang ẩn mình trong các nhũ đá, hốc đá và măng đá.

Nền hang động chủ yếu là những tảng, phiến đá, nhũ đá lớn tạo hình tượng đàn voi, đàn hươu, cây thông, cây xương rồng, tượng phật, ông bụt và cột đá, măng đá dài, sắc nhọn tạo nên một khung cảnh kỳ ảo, huyền bí. Vách hang động là các gườm đá dài từ 5-7m màu vàng, xanh xám đan xen nhau buông xuống nền hang động như những dải lụa, đèn chùm to nhỏ khác nhau. Trong khoang thứ nhất có nhiều dơi, chim, nhện và ốc rừng trú ngụ.

Khoang thứ hai với hai lối vào và chia ba ngách nhỏ. Bên trong các ngách là những khối nhũ đá hình ruộng bậc thang, hình những ang nước được trang trí nhiều đường diềm màu nâu, màu vàng và xám đen, sắp xếp từ cao xuống thấp; các khe nước rộng, nước trong veo, những cột đá, măng đá khổng lồ như những gốc cây cổ thụ chống trần hang với nền.

Khoang thứ ba có chiều dài khoảng 100m, để vào được bên trong phải nằm nghiêng người chui qua, sau đó đi khom lưng để khám phá, khoang được chi thành hai ngách nhỏ. Ngách thứ nhất dài 50m, ăn sâu xuống lòng đất, vòm hang thấp hơn so với hai khoang trước, vách và nền hang động có những khối đá có màu vàng, xám đen liên kết với nhau thành những khối liền mạch, nhẵn nhụi, thông suốt từ đầu đến cuối ngách. Ngách thứ hai thấp hơn ngách thứ nhất khoảng 2m, cấu tạo của ngách này như những đường giao thông hào, nhẵn nhụi, liên kết và liền mạch thông suốt từ đầu đến cuối mang vẻ đẹp riêng biệt.

Anh Hoàng Trọng Minh, cán bộ Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, cho biết: Đến quần thể di tích danh lam thắng cảnh hang động Huổi Cang, Huổi Đáp du khách có thể đi bằng xe cơ giới, xe thô sơ, đi thuyền, xuồng theo ba tuyến đường chính.

Từ thành phố Điện Biên Phủ, theo quốc lộ 12, đến thị xã Mường Lay, du khách ngược lên quốc lộ 6 khoảng 26km đến xã Pa Ham hoặc từ thành phố Điện Biên Phủ theo quốc lộ 279, khoảng 80km đến thị trấn Tuần Giáo, ngược lên quốc lộ 6, khoảng 54km đến xã Pa Ham hay từ thành phố Điện Biên Phủ, theo quốc lộ 12 qua thị trấn huyện Mường Chà 24km rẽ phải theo đường liên xã 10km đến xã Hừa Ngài, qua xã Hừa Ngài 24km đến quốc lộ 6, rẽ trái đi 17km đến xã Pa Ham.

Theo cả ba tuyến đường thì khi đến xã Pa Ham đều đi thuyền, xuồng ngược sông Nậm Mức khoảng 5km để đến địa phận bản Huổi Cang, rồi đi bộ khoảng 500m đến ngọn đồi Pom Thẳm Bẻ. Từ đây du khách đi bộ men theo sườn đồi xuống dưới là đến được hang động Huổi Cang, tiếp tục đi bộ ngang khoảng 450m là đến hang Huổi Đáp.

Cũng theo anh Hoàng Trọng Minh, quần thể hang động Huổi Cang, Huổi Đáp nằm trong dãy núi đá vôi cùng với sự hình thành địa chất đã tạo cho quần thể này các kiểu hệ sinh thái độc đáo như: hệ sinh thái trên núi đá vôi, hệ sinh thái hang động và hệ sinh thái dưới nước. Quần thể này là một di sản văn hóa độc đáo chứa đựng những dấu tích quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển lịch sử của Trái Đất, cũng như tiến trình địa chất đang diễn ra hay quá trình hình thành các dạng đất đai hoặc đặc điểm về địa hình, địa mạo sinh học.

Xét về giá trị về mặt khoa học thì quần thể hang động Huổi Cang, Huổi Đáp là cơ sở để nghiên cứu chu kỳ vận động, sự hình thành các dạng đất, đá, đặc điểm về địa hình, địa mạo và môi trường, sinh vật của Trái Đất.

Hiện nay quần thể danh lam thắng cảnh hang động này đang giữ được vẻ đẹp hoang sơ với sự ưu đãi của thiên nhiên đa dạng sinh học, lại nằm trên tuyến liên kết phát triển du lịch, kết nối với điểm di tích khác trên tuyến đường từ thành phố Ðiện Biên Phủ đi huyện Mường Chà qua huyện Tuần Giáo, kết nối với tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch trên sông Nậm Mức đầy thơ mộng, hùng vĩ và đi qua tiểu vùng văn hóa ở các bản văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc nằm trên quốc lộ 6 với những giá trị văn hóa phi vật thể mang đậm nét văn hóa dân tộc vùng Tây Bắc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.