Hãng hàng không lỡ chuyến, thiệt hại cả tỷ đồng vì khách thiếu ý thức

Nếu hành khách không tuân thủ các quy định, hướng dẫn, làm hư hại trang thiết bị trên máy bay sẽ góp phần làm tăng nguy cơ chậm, huỷ chuyến.
Một trong những vấn đề phổ biến nhất là tình trạng thất lạc dây đai an toàn trên tàu bay. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Những nguyên nhân thất lạc dây đai an toàn, mất áo phao, tắc bồn cầu nhà vệ sinh vì các “vật thể lạ” hay bung xuồng phao do tự ý mở cửa thoát hiểm... đã khiến kế hoạch khai thác của hãng hàng không đôi lúc bị thay đổi, làm thiệt hại tới cả tỷ đồng chỉ vì sự thiếu ý thức của hành khách.

Khách “táy máy” gây thiệt hại lớn

Một trong những vấn đề phổ biến nhất là tình trạng thất lạc dây đai an toàn tại vị trí ghế ngồi sau khi chuyến bay kết thúc, hoặc hành khách yêu cầu đai nối dài dây, dây an toàn cho trẻ em nhưng không trả lại cho tiếp viên.

Theo đại diện hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines), từ đầu năm 2019 đến nay, Vietnam Airlines đã phải chi gần 1 tỷ đồng để bổ sung gần 600 chiếc dây an toàn bị thất lạc.

“Chuyến bay không được phép cất cánh nếu thiếu dây đai an toàn ở bất kỳ ghế ngồi nào, kể cả của tiếp viên. Hãng phải dừng khai thác tàu bay để bổ sung, lắp đặt dây đai an toàn. Hành khách cần phải đeo dây an toàn trong suốt thời gian lăn bánh, cất cánh và hạ cánh hoặc khi đèn tín hiệu thắt dây an toàn được bật sáng,” đại diện Vietnam Airlines cho hay.

Để an toàn hơn, hành khách nên thắt dây an toàn trong suốt chuyến bay phòng khi tàu bay đi vào khu vực thời tiết xấu hoặc vùng nhiễu động mạnh. Nếu hành khách đang đi với trẻ em, cần đảm bảo là trẻ em biết cách sử dụng dây an toàn hoặc trợ giúp trẻ em thắt dây an toàn. Trong trường hợp khách đi cùng trẻ sơ sinh, thành viên tổ bay sẽ phát dây an toàn dành cho trẻ sơ sinh và hướng dẫn cách sử dụng cho hành khách.

[Phát hiện nhiều khách ngoại trộm cắp hành lý xách tay trên máy bay]

Đặc biệt, hãng hàng không khuyến cáo hành khách sử dụng dây an toàn theo đúng chỉ dẫn của tiếp viên, đảm bảo dây an toàn và các phụ kiện đi kèm được đặt ở đúng vị trí hoặc trả lại cho tiếp viên sau khi sử dụng.

Nhiều hãng hàng không còn đau đầu vì tình trạng hành khách mở áo phao khi không có sự hướng dẫn của tiếp viên, hoặc “cầm nhầm” áo phao ra khỏi tàu bay.

Đơn cử, vào giữa tháng Mười vừa qua, trong quá trình kiểm tra soi chiếu, nhân viên an ninh hàng không sân bay Liên Khương phát hiện chiếc áo phao chuyên dụng chỉ được dùng trên máy bay lại nằm trong hành lý xách tay của khách dự định đi chuyến bay VJ408 từ Đà Lạt về Hà Nội.

Căn cứ vào những thông tin ghi trên áo phao, an ninh sân bay Liên Khương nhanh chóng xác nhận, nữ hành khách này đã lấy chiếc áo phao tại ví trí ghế ngồi số 18F trên chuyến bay VJ783 ngày 2/10 từ Hà Nội đi Cam Ranh mà khách bay trước đó.

Nhiều hãng hàng không còn đau đầu vì tình trạng hành khách mở áo phao khi không có sự hướng dẫn của tiếp viên, hoặc “cầm nhầm” áo phao ra khỏi tàu bay. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Do không có tình tiết tăng nặng hay giảm nhẹ, chiểu theo Nghị định 162 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, cơ quan chức năng quyết định xử phạt 8,5 triệu đồng đối với nữ hành khách vì hành vi này.

Theo đại diện các hãng hàng không Việt, trong trường hợp áo phao bị làm hỏng, chuyến bay phải quay đầu để cắt khách do yêu cầu về an toàn, mỗi chuyến bay phải có đủ áo phao tương ứng với số người trên máy bay, đề phòng tình huống hạ cánh khẩn cấp trên mặt nước. Mặt khác, hãng phải bổ sung áo phao với chi phí cao.

Máy bay phải 'nằm sân' vì... tắc nhà vệ sinh

Hệ thống toilet (nhà vệ sinh) máy bay không thể sử dụng do bị kẹt các vật ngoại lai như cuộn giấy vệ sinh, khăn lau mặt, khăn ăn, cốc giấy,… bị hành khách vô ý thả vào sau khi sử dụng là lý do khiến nhiều chiếc máy bay buộc phải “nằm sân” để chờ sữa chữa.

Thời gian qua, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Kỹ thuật máy bay (VAECO) liên tục ghi nhận nhiều trường hợp hệ thống toilet của máy bay không thể sử dụng. Sau khi kiểm tra, thông tắc đường ống toilet, nguyên nhân được xác định là do các "vật ngoại lai" như khăn, tã, bỉm, thậm chí cả chai rượu mini… ở trong bồn vệ sinh.

Theo một kỹ sư VAECO, trên đội tàu thân rộng Airbus A350, Boeing B787 có một hệ thống thoát chất thải trong toilet gồm 2 nhánh đường ống, khi bị tắc sẽ khiến thiết bị bơm hút (vacccum blower) hoạt động quá công suất gây hỏng hóc thiết bị, tắc toàn bộ đường ống của hệ thống đó, làm hàng loạt các toilet thuộc nhánh tương ứng hút yếu hoặc không thoát được.

Để khắc phục sự cố, đội ngũ kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay phải thực hiện nhiều thao tác tỉ mỉ theo đúng quy trình kỹ thuật như ngâm hóa chất để làm giảm, mềm cặn cứng; dùng vòi nước áp suất cao để làm sạch cặn đường ống.

“Việc thực hiện xả, ngâm đường ống bằng hóa chất với đá bào có thể mất tới 7 ngày nhằm giảm cặn và chống đóng cặn trở lại,” vị kỹ sư VAECO cho hay.

Theo đại diện Vietnam Airlines, mỗi lần sửa chữa, bảo trì buộc máy bay phải dừng khai thác trong nhiều giờ, gây ảnh hưởng đến hoạt động khai thác cũng như thiệt hại về kinh tế cho hãng bay, đặc biệt trong mùa cao điểm.

"Trong hệ thống buồng vệ sinh máy bay của Vienam Airlines luôn có những hướng dẫn, lưu ý cụ thể về nơi vứt rác, thay bỉm cho em bé hay hong khô tay được hãng hướng dẫn thông qua hệ thống bảng hiệu… Tuy nhiên, hành khách đôi khi vì nhiều lý do nên ‘bỏ qua’ những hướng dẫn rất chi tiết mà hãng đưa ra,” vị này nói.

Máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Chính vì vậy, để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra, các tiếp viên thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và hỗ trợ hành khách khi cần nhưng việc này vẫn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức tuân thủ quy định, văn minh của mỗi người.

Không những thế, nhiều trường hợp khách tự ý mở cửa thoát hiểm của máy bay, gây bung xuồng phao (mỗi cửa thoát hiểm được trang bị xuồng phao cứu sinh, xuồng phao sẽ tự động bung ra khi cửa thoát hiểm được mở).

[Cửa thoát hiểm hành khách trên máy bay được thiết kế ra sao?]

Theo đại diện các hãng hàng không, mỗi xuồng phao tương ứng với số hành khách nhất định nên khi một xuồng không sử dụng được, chuyến bay sẽ phải cắt giảm số lượng khách theo tỷ lệ tương ứng. Sau đó, máy bay phải được đưa vào xưởng để lắp lại xuồng phao với chi phí hàng trăm triệu đồng.

Ngoài ra, còn các tình trạng như xước màn hình phía trước ghế ngồi trên đội tàu bay thân rộng A350, B787 (Vietnam Airlines đã thay thế 70 khối màn hình từ đầu năm 2019 đến nay); sờn, rách túi da đựng tạp chí trên đội tàu bay A321 do hành khách kê, gác chân lên túi (Vietnam Airlines phải thay mới, sửa chữa túi da, chi phí cho mỗi chiếc theo giá của nhà sản xuất là hơn 1.000 USD); hỏng tai nghe nhạc, rách chăn...

Chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ bước vào mùa cao điểm vận tải cuối năm, số lượng chuyến bay tăng cường rất lớn, đại diện hãng bay cho rằng, nếu hành khách không tuân thủ các quy định, hướng dẫn, làm hư hại trang thiết bị trên máy bay sẽ góp phần làm tăng nguy cơ chậm, huỷ chuyến./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục