Hãng hàng không Philippine Airlines đệ đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ

Hãng cho biết việc đệ đơn phá sản sẽ cho phép hãng tái cơ cấu các hợp đồng và cắt giảm ít nhất 2 tỷ USD tiền nợ trong khi nhận được 655 triệu USD vốn mới theo Chương 11 của luật phá sản.
Hãng hàng không Philippine Airlines đệ đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ ảnh 1Ảnh minh họa.(Nguồn:GettyImages)

Hãng hàng không quốc gia Philippine Airlines (PAL) của Philippines ngày 4/9 cho biết đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ để cắt giảm 2 tỷ USD tiền nợ hiện nay trong bối cảnh hãng đang cố gắng để sống sót qua những tác động của đại dịch COVID-19.

Hãng cho biết việc đệ đơn phá sản sẽ cho phép hãng tái cơ cấu các hợp đồng và cắt giảm ít nhất 2 tỷ USD tiền nợ trong khi nhận được 655 triệu USD vốn mới theo Chương 11 của luật phá sản.

PAL cũng sẽ giảm 25% phi đội của mình và đàm phán lại các hợp đồng nhằm giảm tiền thuê.

Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc Tài chính Nilo Thaddeus Rodriguez cho biết: "PAL sẽ tiếp tục các chiến dịch kinh doanh như bình thường trong khi hoàn tất việc tái cơ cấu mạng lưới, phi đội và tổ chức của mình."

[Saudi Arabia công bố kế hoạch ra mắt hãng hàng không quốc gia thứ 2]

Theo ông Rodriguez, trong các thỏa thuận đạt được với các nhà cung ứng, bên cho vay và các chủ cho thuê hợp đồng, PAL sẽ có 505 triệu USD để thực hiện kế hoạch phục hồi.

Số tiền này sẽ được chuyển thành chứng khoán và nợ dài hạn của công ty. Ngoài ra, công ty sẽ có thêm 150 triệu USD trong quỹ nợ sau khi hoàn tất tiến trình tái cơ cấu "trong vài tháng nữa."

Chủ tịch PAL Gilbert Santa Maria cho biết lượng đi lại bằng đường hàng không ở Philippines đã giảm 75% từ mức 30 triệu lượt khách năm 2019 xuống còn 7 triệu lượt khách trong năm 2020 do các biện pháp hạn chế nhằm chống dịch COVID-19.

Hãng đã phải hủy hơn 80.000 chuyến bay, khiến doanh thu giảm 2 tỷ USD và phải sa thải 2.300 nhân viên.

Cổ đông lớn nhất của công ty đã "bơm" hơn 130 triệu USD tiền mặt khẩn cấp và một tài sản không mang tính chiến lược đã được bán với giá hơn 70 triệu USD.

Chủ tịch Santa Maria cho biết PAL hiện vận hành 21% chuyến bay so với trước đại dịch đến 70 điểm đến thông thường của hãng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Biểu tượng Boeing tại nhà máy ở Renton, Washington, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Boeing bán công ty con để có thêm nguồn thu

Boeing cho biết sẽ bán Digital Receiver Technology, công ty sản xuất thiết bị không dây cho các cơ quan tình báo, cho Thales Defense & Security, công ty điện tử quốc phòng lớn nhất châu Âu.