Hãng thời trang toàn cầu Forever 21 (F21) ngày 29/9 tuyên bố đã đệ đơn xin phá sản theo Chương 11 của Luật phá sản Mỹ, một bước đi được xem là nhằm tái cơ cấu hoạt động kinh doanh trong bối cảnh khách hàng ngày càng thay đổi thói quen mua sắm truyền thống sang mua bán trên mạng.
Theo quyết định trên, F21 sẽ đóng cửa 350 trên tổng số khoảng 800 cửa hàng trên khắp thế giới, trong đó riêng tại Mỹ, thị trường lớn nhất của chuỗi bán lẻ thời trang này, sẽ có 178 cửa hàng bị đóng.
Chuỗi thời trang bán lẻ có trụ sở tại California khẳng định việc đệ đơn phá sản không có nghĩa là họ sẽ rời bỏ thị trường Mỹ. F21 khẳng định: "Đệ đơn xin bảo hộ phá sản là một bước đi có chủ ý và đúng đắn cho tương lai của công ty."
Phó chủ tịch điều hành của F21 Linda Chang cho biết: "Đây là bước đi quan trọng và cần thiết để đảm bảo tương lai của F21, điều này sẽ cho chúng tôi cơ hội tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, tái định vị thương hiệu."
[Công nghệ mới nhất làm thay đổi xu hướng ngành bán lẻ thế giới]
Theo bà Chang, công ty đã mở rộng quá nhanh, phủ sóng 47 quốc gia chỉ trong chưa đầy 6 năm và vô tình gây ra sự "phức tạp về lợi nhuận và quản lý."
Ngoài ra, sự thay đổi nhanh chóng của công nghiệp bán lẻ cũng như sự trỗi dậy của thương mại điện tử đã khiến doanh nghiệp này đối mặt với nhiều khó khăn.
Trên thực tế, thông tin F21 đứng trước nguy cơ phá sản đã rộ lên từ một năm trước, khi công ty này thuê một nhóm tư vấn tài chính để tìm hướng tái cấu trúc thương hiệu.
F21 được thành lập vào năm 1984, do hai vợ chồng Jin Sook và Do Won Chang người Hàn Quốc đứng đầu.
Chuỗi cửa hàng nhanh chóng phát triển tại khắp các trung tâm mua sắm, chủ yếu phục vụ khách hàng nữ trẻ tuổi với sản phẩm thời trang cơ bản, bình dân. F21 từng là đối thủ cạnh tranh của các thương hiệu thời trang như H&M và Zara./.