Theo thống kê từ Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương), trong 4 tháng đầu năm 2017, Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800-6838 đã ghi nhận 1.895 cuộc gọi đến, trong đó các tổng đài viên của Cục đã tiếp nhận và trả lời 1.032 cuộc gọi, chiếm 54,46%.
Đa số các vụ việc hoặc yêu cầu tư vấn của người tiêu dùng đã được các tổng đài viên tư vấn ngay khi tiếp nhận. Đối với các vụ việc phát sinh thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, tổng đài viên đã hướng dẫn người tiêu dùng liên hệ trực tiếp doanh nghiệp, Sở Công Thương hoặc Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại địa phương.
Riêng với các vụ việc có tình tiết phức tạp hoặc liên quan đến nhiều chủ thể tại các địa phương khác nhau, tổng đài viên hướng dẫn người tiêu dùng gửi đơn khiếu nại bằng các hình thức khác (email, gửi bưu điện, gửi qua trang web bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đến trực tiếp) tới Cục Quản lý Cạnh tranh.
Cùng với đó, ngành hàng được yêu cầu tư vấn giải quyết khiếu nại và được phản ánh tới Cục nhiều nhất là hàng hóa tiêu dùng thường ngày (52 trường hợp, chiếm khoảng 19%). Kế đó là nhóm đồ điện tử gia dụng (43 trường hợp, chiếm 15,8%) và nhóm điện thoại, viễn thông (38 trường hợp, chiếm 14%) . Tương tự như năm 2015 và 2016, ba nhóm ngành hàng này thường xuyên nằm trong nhóm bị khiếu nại, phản ánh nhiều nhất.
Theo Cục Quản lý Cạnh tranh, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục là hai thành phố có nhiều phản ánh, khiếu nại nhất về vi phạm quyền lợi người tiêu dùng (tương ứng 70 và 75 vụ việc). Các tỉnh có số lượng phản ánh nhiều sau Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là Đồng Nai và Nghệ An. 40% khiếu nại còn lại nằm rải rác tại các tỉnh, thành phố khác nhưng số lượng tại từng địa phương là rất nhỏ.
Điều này cho thấy việc tuyên truyền trong thời gian tới cần tiếp tục được đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt là ở các địa phương chưa có điều kiện phát triển tập trung về kinh tế, vị trí địa lý ở vùng sâu, vùng xa...
Bên cạnh việc tiếp nhận và giải quyết yêu cầu tư vấn, hỗ trợ của người tiêu dùng qua Tổng đài 1800-6838, trong 4 tháng đầu năm 2017, Cục đã tiếp nhận và xử lý 112 vụ việc khiếu nại bằng văn bản của người tiêu dùng, trong đó, có những vụ việc nghiêm trọng như vụ việc quảng cáo sai sự thật thông qua hình thức trúng phiếu mua hàng qua điện thoại của công ty Cát Hưng Thịnh, vụ việc Công ty Asiabooking đã nhận tiền đặt phòng nhưng người tiêu dùng vẫn phải đóng tiền cho khách sạn. Đặc biệt là các vụ việc liên quan đến Công ty Recess (Lazada.vn) với 11 khiếu nại....
Đến đầu tháng Năm, Cục đã xử lý thành công hoặc chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền để xử lý thành công 105 vụ việc trong tổng số 112 vụ việc tiếp nhận (chiếm khoảng 93,7%). Bảy vụ việc khiếu nại còn lại đang được Cục phối hợp với các cơ quan liên quan, doanh nghiệp và người tiêu dùng để giải quyết.
Ngoài ra, Cục Quản lý Cạnh tranh cho biết Cục đã nhận được nhiều phản ánh của người tiêu dùng về hiện tượng nhận được các cuộc gọi điện thoại thông báo trúng thưởng, trúng phiếu mua hàng với giá trị cao. Kèm theo đó, người tiêu dùng được yêu cầu nộp một khoản tiền nhỏ để có thể nhận thưởng hoặc nhận phiếu mua hàng.
Hơn nữa, nhiều người tiêu dùng đã nộp khoản tiền nhưng thực tế khi nhận được quà thưởng thì là sản phẩm có giá trị nhỏ hơn so với khoản tiền đã nộp. Khi liên hệ lại số điện thoại đã gọi thì vụ việc không được tiếp nhận để giải quyết hoặc thậm chí không liên hệ được.
Vì vậy, Cục Quản lý Cạnh tranh cảnh báo người tiêu dùng cần kiểm tra thông tin cẩn thận, tránh rơi vào việc bị lừa đảo. Trường hợp cần kiểm tra thông tin, người tiêu dùng có thể tham khảo ý kiến của bạn bè, lên mạng Internet để tra cứu thông tin hoặc liên hệ Tổng đài 1800.6838 của Cục Quản lý Cạnh tranh để được tư vấn thông tin chi tiết./.