Hơn 300 lãnh đạo doanh nghiệp Anh đã kêu gọi cử tri nước này bỏ phiếu ủng hộ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là "Brexit," trong cuộc trưng cầu ý dân dự kiến vào ngày 23/6 tới vì cho rằng "bộ máy cồng kềnh" của EU kìm hãm khả năng phát triển của các doanh nghiệp Anh.
Hàng trăm chủ doanh nghiệp nói trên đã bày tỏ sự ủng hộ Anh rời EU trong một bức thư chung được đăng tải trên tờ The Daily Telegraph số ra ngày 16/5, chỉ vài ngày sau khi Chính phủ Anh nhận một loạt các cảnh báo từ Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về những tổn thất tài chính khôn lường nếu "Brexit" xảy ra.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lớn ở Anh như Steve Dowdle - cựu Phó Chủ tịch Tập đoàn Sony tại châu Âu - và David Sismey - Giám đốc Ngân hàng đầu tư Mỹ Goldman Sachs, đều ký vào bức thư chung nói trên với lập luận rằng "tệ quan liêu" trong thể chế EU kìm hãm hoạt động kinh doanh của 5,4 triệu doanh nghiệp Anh, mặc dù chỉ một phần nhỏ các doanh nghiệp này có giao dịch thương mại thực sự với EU.
Ngoài ra, nội dung bức thư cũng nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp trong việc tạo ra sự giàu có và việc làm cho người dân Anh.
Giới lãnh đạo doanh nghiệp ủng hộ "Brexit" đều nhất trí cho rằng tính cạnh tranh của nền kinh tế Anh bị suy yếu nếu nước này tiếp tục là thành viên của một EU "lỗi thời."
Theo họ, việc Anh đứng ngoài EU sẽ giúp các doanh nghiệp nước này phát triển nhanh hơn, vươn ra các thị trường mới và tạo thêm nhiều việc làm, theo đó kêu gọi cử tri Anh lựa chọn rời khỏi EU để Xứ sở Sương mù giành lại quyền kiểm soát tài chính.
Trước đó, IMF và BoE đều đã cảnh báo nguy cơ Anh rời khỏi EU sẽ tác động mạnh tới hoạt động kinh tế và tạo ra những biến động trên các thị trường thị trường, tác động lớn tới sản lượng kinh tế Anh và nghiêm trọng hơn, "Brexit" có thể khiến kinh tế Anh rơi vào suy thoái về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Anh đã cho rằng những cảnh báo trên là "không đáng tin."
Chưa đầy 6 tuần nữa, cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên Anh trong EU sẽ diễn ra. Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận trước thềm cuộc trưng cầu ý dân nói trên, các chiến dịch vận động “ở lại” và “ra đi” hiện nay tại Anh đều đang được đẩy mạnh nhằm thu hút sự ủng hộ của các cử tri./.