Hàng trăm người mất tích trong vụ chìm thuyền ngoài khơi Libya

Lực lượng tìm kiếm và cứu nạn trên biển Địa Trung Hải đang nỗ lực cứu hộ các nạn nhân của chiếc thuyền chở hơn 600 người nhập cư tìm cách vào châu Âu, bị đắm ngoài khơi Libya ngày 5/8.
Hàng trăm người mất tích trong vụ chìm thuyền ngoài khơi Libya ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: theguardian)

Lực lượng tìm kiếm và cứu nạn trên biển Địa Trung Hải đang nỗ lực cứu vớt các nạn nhân của chiếc thuyền chở hơn 600 người nhập cư tìm cách vào châu Âu bị đắm ngoài khơi Libya ngày 5/8.

Các quan chức cơ quan cứu trợ cho biết khoảng 400 người đã được cứu sống nhưng hiện chưa rõ số phận của 200 người còn lại. Tai nạn xảy ra vào đầu giờ chiều ngày 5/8, cách bờ biển Libya 15 hải lý. Con thuyền bị nghi đắm do chở quá tải và nhiều người có thể đã chết đuối.

Nếu các con số trên được xác nhận, đây sẽ là một trong những thảm họa đắm thuyền chở người nhập cư nghiêm trọng nhất trên biển Địa Trung Hải kể từ tháng Tư năm nay, sau vụ hơn 700 người thiệt mạng khiến Liên minh châu Âu (EU) phải tăng gấp 3 kinh phí cho các sứ mệnh tìm kiếm và cứu nạn.

Tai nạn đắm thuyền nêu trên một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về những hiểm nguy mà người di cư phải đối mặt trong hành trình vượt biển tới Italy. Phần lớn họ đến từ những nước nghèo đói hoặc có nội chiến ở Trung Đông và Bắc Phi.

Vụ tai nạn xảy ra trong bối cảnh hai quốc gia châu Âu là Anh và Pháp đang đau đầu xử lý tình trạng hàng nghìn người di cư cố gắng tìm cách vào nước Anh trái phép thông qua đường ngầm Channel, điểm chuyển tiếp phổ biến trong hành trình của nhiều người tị nạn. Tuần trước, một người đã thiệt mạng trong khi tìm cách vượt qua tuyến đường ngầm này từ thành phố cảng Calais của Pháp.

Theo số liệu của Tổ chức Di cư Quốc tế, từ đầu năm đến nay đã có khoảng 2.000 người di cư thiệt mạng trên biển Địa Trung Hải - phần lớn trong hải trình từ Libya tới Italy.

Việc EU tăng ngân sách cho sứ mệnh tìm kiếm và cứu nạn dường như đã giúp giảm số người chết trên biển Địa Trung Hải trong những tháng gần đây, cho đến khi xảy ra vụ đắm thuyền nêu trên. Trong năm nay, hơn 90.000 người di cư đã tới Italy bằng đường biển.

Nhập cư đã trở thành vấn đề chính trị nhức nhối cho các nhà lãnh đạo châu Âu trong bối cảnh "lục địa già" đang phải đối mặt với làn sóng người tìm kiếm tị nạn lớn nhất kể từ khi Nam Tư tan rã vào thập niên 90 của thế kỷ trước.

Một kế hoạch bố trí tái định cư cho 40.000 người tìm kiếm tị nạn một cách cân bằng hơn giữa các quốc gia thành viên trên cơ sở bắt buộc đã bị các nhà lãnh đạo từ chối tại một hội nghị hồi tháng Năm.

Thay vào đó, một số nước tình nguyện tiếp nhận thêm 32.000 người tìm kiếm tị nạn đang tá túc tại Hy Lạp và Italy, hai nước có đông người di cư tìm đến nhất trong thời gian gần đây. Anh cùng với Áo và Hungary không tham gia cơ chế này.

Các nhà lãnh đạo châu Âu gần đây cũng tỏ ý cương quyết hơn với việc trấn áp nạn buôn người, nhưng các tổ chức tị nạn cho rằng chiếc lược này là chưa đủ và chưa hiệu quả.

Năm ngoái, 626.000 người tị nạn đã làm đơn xin được định cư ở châu Âu và theo dự báo của các chuyên gia con số này sẽ còn tăng cao hơn nữa trong năm nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Hiện trường vụ tai nạn. (Nguồn: Egypt Today)

Tai nạn tàu hỏa gây thương vong ở miền Nam Ai Cập

Theo cơ quan đường sắt Ai Cập, vụ tai nạn xảy ra khi một đầu máy tàu hỏa đâm vào đuôi của một đoàn tàu đang di chuyển từ tỉnh Aswan về thủ đô Cairo, khiến hai toa của đoàn tàu bị tách rời.