"Hành động của Trung Quốc khiến người Việt đoàn kết hơn"

Theo các chuyên gia, học giả người Việt tại Mỹ, chính hành động vừa qua của Trung Quốc đã khiến cộng đồng người Việt ở nước ngoài gần gũi hơn với cộng đồng trong nước.
Tiến sỹ Ngô Như Bình, Chủ nhiệm Chương trình Tiếng Việt thuộc Bộ môn Văn minh và Ngôn ngữ Đông Á, Đại học Harvard. (Ảnh: Quang Tuyến-Lê Dương/Vietnam+)

Liên quan tới việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou-981) trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, các chuyên gia, học giả người Việt tại Đại học Harvard và Đại học Massachusetss Boston cho rằng hành động của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

Các học giả cũng đánh giá cao các biện pháp phản ứng mà Việt Nam đã và đang thực hiện và nhận định về khả năng Việt Nam kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Dưới đây là một số ghi nhận của phóng viên TTXVN tại New York,

Tiến sỹ Ngô Như Bình, Chủ nhiệm Chương trình Tiếng Việt thuộc Bộ môn Văn minh và Ngôn ngữ Đông Á, Đại học Harvard nói: "Là một người Việt Nam, tôi cực lực phản đối hành động của Trung Quốc đã đặt giàn khoan trong vùng biển của Việt Nam. Tại sao Trung Quốc lại hành động như vậy? "

Theo tôi nghĩ, mục tiêu về kinh tế không phải là mục tiêu quan trọng mà mục tiêu chính trị có lẽ rõ ràng hơn. Trung Quốc có tham vọng rất lớn tại Biển Đông và 'đường lưỡi bò' là sự thể hiện rất rõ tham vọng bành trướng ấy.

Tại hội thảo về biển đảo do tôi đứng ra tổ chức tháng Một năm nay tại Havard, tôi đã mời các chuyên gia nước ngoài để nghe ý kiến của họ. Đường lưỡi bò không được ai thừa nhận cả.

Về cách phản ứng của Việt Nam trước hành động của Trung Quốc, tôi thấy có nhiều dấu hiệu rất đáng mừng." 

Riêng về sự cố đáng tiếc xảy ra do biểu tình tự phát bị lợi dụng, Tiến sĩ Ngô Như Bình cho rằng việc này đã gây ra hậu quả hết sức tai hại, nghiêm trọng về kinh tế và chính trị nhưng "rất mừng là Chính phủ Việt Nam đã khởi tố, nghiêm trị những kẻ cầm đầu."

Ông Bình cũng cho rằng thời điểm này là thời điểm Việt Nam có thể đưa vấn đề ra tòa án quốc tế và nên tham khảo kinh nghiệm của Philippines và ý kiến các chuyên gia luật pháp quốc tế.

Tiến sỹ Tạ Văn Tài, luật sư, cựu giảng viên Trường Luật Harvard thuộc Đại học Harvard. (Ảnh: Quang Tuyến-Lê Dương/Vietnam+)

Tiến sỹ Tạ Văn Tài, luật sư, cựu giảng viên Trường Luật Harvard thuộc Đại học Harvard cho rằng: "Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) luôn đòi hỏi các bên thương nghị và cả hòa giải trước khi đem ra các thủ tục bó buộc. Vì thế các cuộc thương nghị ngoại giao song phương, đa phương phải luôn có. Nếu thương nghị song phương mà bá quyền lấn áp, phải dùng thương nghị đa phương qua ASEAN.

Theo luật sư này, một nền ngoại giao đa phương đã có thể làm chùn bớt hành vi hung hăng của Trung Quốc. Việt Nam cũng có thể đưa vấn đề ra Đại hội đồng Liên hợp quốc hoặc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Một nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc là áp lực công luận quốc tế, có thể làm chùn bước Trung Quốc.

Đây là thủ tục có thể làm bất cứ khi nào có đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, cụ thể là việc Trung Quốc đem chiến hạm đe dọa và dùng các thủ đoạn vũ lực với lực lượng kiểm ngư, Cảnh sát biển và ngư dân Việt Nam.

Ông cũng phân tích rất kỹ về các khả năng Việt Nam có thể kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế và khẳng định để đưa ra vụ kiện, Việt Nam cần phải hiểu rõ lập luận của Trung Quốc về vị trí giàn khoan và chuẩn bị đầy đủ các bằng chứng pháp lý.

Chuyên gia nghiên cứu Nguyễn Bá Chung thuộc Viện nghiên cứu William Joiner, Đại học Massachusetts Boston. (Ảnh: Quang Tuyến-Lê Dương/Vietnam+)

Chuyên gia nghiên cứu Nguyễn Bá Chung thuộc Viện nghiên cứu William Joiner, Đại học Massachusetts Boston nói: "Tôi có theo dõi báo chí từ khi Trung Quốc đem giàn khoan vào vùng biển chủ quyền Việt Nam, tôi rất vui khi thấy quốc tế nói chung không có cảm tình với hành động của Trung Quốc và rất đáng mừng là Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của thế giới.

Thêm vào đó, người dân cả trong nước và ngoài nước đã rất năng nổ trong việc chống lại hành động sai trái của Trung Quốc. Trước đó, đã có những hiểu lầm ở ngoại quốc là Việt Nam trao đất trao biển cho Trung Quốc. Nhưng quan điểm của chính phủ Việt Nam vừa rồi rất rõ ràng, nếu Trung Quốc không rút giàn khoan, sẽ có những biện pháp kế tiếp, và điều này đã xóa được những sự hiểu lầm trước kia và do đó nhận được sự ủng hộ của người dân Việt Nam trên khắp thế giới.

Trung Quốc đem giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam đã tạo ra một phản ứng mạnh tại cộng đồng người Việt hải ngoại. Họ lần đầu tiên thấy Trung Quốc trực tiếp xâm phạm hải phận của Việt Nam, hết sức ngang ngược và không có cớ gì để làm chuyện đó. Họ có trao đổi bàn luận nhiều trong cộng đồng, tất cả đều chống đối.

Ông cho rằng chính hành động vừa qua của Trung Quốc đã khiến cộng đồng người Việt ở nước ngoài gần gũi hơn với cộng đồng trong nước. Còn với giới học giả tại Mỹ nói chung và tại Boston nói riêng, họ đều thấy việc làm của Trung Quốc là không hợp lý. Vấn đề họ bàn thảo hiện nay là Mỹ nên làm gì để đối phó với sự hiếu chiến của Trung Quốc tại Biển Đông.

Thái độ hiện tại của Việt Nam đối với Trung Quốc rất hợp lý, mình chọn con đường hòa bình trước, nếu không giải quyết được sẽ có biện pháp kế tiếp, chẳng hạn đưa ra tòa án quốc tế giống như Philippines đã làm. "Tôi tin chắc với lịch sử làm chủ các hòn đảo đó của Việt Nam trong quá khứ, chắc chắn Việt Nam sẽ thắng," chuyên gia này khẳng định.

Ông cũng cho rằng Trung Quốc có thể sẽ không ra tòa vì họ biết họ thua, nhưng cả thế giới sẽ thấy rằng quyết định của Trung Quốc là sai và Trung Quốc khó có thể tiếp tục dùng sức mạnh để đàn áp các nước khác tại Biển Đông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục