Theo hãng tin BBC, cô Sahra Nguyễn, thế hệ người Mỹ gốc Việt đầu tiên sinh ra và lớn lên ở Boston, cho biết cô luôn có tình cảm đặc biệt với văn hóa, ẩm thực Việt Nam nơi bố mẹ cô sinh ra, đặc biệt là với càphê.
Khi thấy những tiệm càphê ở New York bán càphê sữa đá Việt Nam nhưng lại sử dụng hạt càphê từ châu Phi hoặc Nam Mỹ, Sahra Nguyễn quyết định tự mình mang hạt càphê từ Việt Nam sang Mỹ.
Trong những lần về thăm Việt Nam, Sahra có ấn tượng mạnh với thức uống càphê pha bằng phin.
Đây là tiền đề để cô thành lập Nguyen Coffee Supply, hãng sản xuất càphê thủ công đầu tiên ở Mỹ sử dụng hạt Robusta có nguồn gốc 100% tại Việt Nam, vào năm 2018.
Sahra cho biết khi phát hiện ra Việt Nam là nước xuất khẩu càphê lớn thứ hai trên thế giới, cô đã cảm thấy ấn tượng bởi cô - một người gốc Việt - lại không biết điều này và thực tế này lại không được thế giới biết đến rộng rãi hơn.
Cô cho biết Việt Nam là quốc gia có đóng góp lớn cho ngành càphê toàn cầu, nhưng những người trồng càphê ở Việt Nam dường chưa được biết đến, được ghi nhận và trân trọng.
Trên cơ sở đó, Sahra bắt đầu hiện thực hóa ý tưởng bằng việc nhập khẩu hạt càphê Việt Nam từ những người nông dân ở Đà Lạt và Sơn La rồi rang xay để bán tại thị trường Mỹ.
Theo cô Sahra, những sản phẩm của Nguyen Coffee Supply đã nhận được phản hồi tích cực khi ra mắt.
Sau 5 năm thành lập, Nguyen Coffee Supply đến nay đã cho ra mắt những sản phẩm càphê đặc sản và càphê lon ủ lạnh từ hạt Robusta, phân phối đến hơn 550 siêu thị Whole Foods trên toàn nước Mỹ.
Mặc dù giá thành của Nguyen Coffee Supply (4,99 USD) có phần nhỉnh hơn so với các sản phẩm khác ở thị trường Mỹ (dao động từ 3-4,5 USD), nhưng Sahra cho biết những sản phẩm này được yêu thích trên các kệ hàng của Whole Food bởi sự khác biệt, và giờ đây, ngày càng có nhiều người cởi mở hơn và đánh giá cao loại càphê từ hạt Robusta.
Để được khách hàng Mỹ yêu thích là cả một chặng đường dài đầu tư và sáng tạo.
Nữ doanh nhân giải thích: “Chúng ta không cần so sánh Robusta với Arabica. Hai loại hạt này khác nhau và mang đến những trải nghiệm khác nhau. Chúng tôi mang đến cho người tiêu dùng trải nghiệm đa dạng và trao quyền quyết định cho họ.”
Hiện Nguyen Coffee Supply đang nhập khẩu cả hai loại càphê Robusta và Arabica từ Việt Nam, với mục đích cung cấp dịch vụ đa dạng hơn nhưng vẫn tập trung vào hạt Robusta.
Ngay cả cái tên Nguyen Coffee Supply cũng là cách mà Sahra muốn quảng bá về văn hóa Việt Nam.
[Càphê Việt Nam mang lại trải nghiệm độc đáo cho người tiêu dùng Bỉ]
Cô quyết định sử dụng họ Nguyễn của mình để làm tăng tính đại diện và tính hiển thị cho cộng đồng người Việt.
Cô nhấn mạnh: “Đó là cách để những người không phải là người Việt Nam tìm hiểu về Việt Nam.”
Sahra và câu chuyện về càphê Việt đã thu hút sự chú ý của truyền thông địa phương, góp phần lan tỏa mong muốn thay đổi định kiến đối với hạt Robusta.
Cô xuất hiện trên các tờ báo danh tiếng như The New Yorks Times, Los Angeles Times và được tạp chí Imbibe Magazine vinh danh là 75 người thay đổi cách ăn uống của người Mỹ năm 2021.
Hiện tại, Nguyen Coffee Supply đang tập trung củng cố sự hiện diện tại thị trường Mỹ.
Sahra cho biết cô và đội ngũ của mình có thể nhắm đến các nước châu Âu hoặc châu Á để mang thương hiệu, sứ mệnh, câu chuyện và các sản phẩm càphê của Việt Nam đến với nhiều người hơn.
Cô bày tỏ mong muốn trong vài năm tới, vẫn tiếp tục tập trung vào việc đưa càphê Việt Nam đến với ngày càng nhiều người ở Mỹ hơn, và giúp càphê Việt trở nên dễ tiếp cận hơn.
Theo Sarah, Nguyen Coffee Supply đang nhắm tới sản phẩm càphê pha sẵn đóng lon với mục tiêu mở rộng quy mô bán lẻ.
Tuy nhiên, cô cũng chia sẻ rằng trong tương lai, Nguyen Coffee Supply sẽ có thêm nhiều dòng sản phẩm như càphê gói, hạt cà phê, càphê lon, và cả các “phin” để chia sẻ văn hóa càphê tới người tiêu dùng.
Sarah nhấn mạnh: “Chúng tôi muốn trở thành nền tảng cho tất cả sự phát triển bao gồm các sản phẩm mới, sự đổi mới, trải nghiệm khác biệt.”
Bên cạnh đó, công ty của nữ doanh nhân trẻ gốc Việt cũng nỗ lực để tăng cơ hội kinh tế cho nông dân Việt Nam bằng cách hợp tác với họ để cải thiện sản xuất và chuyển đổi đất từ canh tác thương mại sang canh tác cao cấp./.