Hậu Giang đề nghị Casuco thực hiện cam kết về tiêu thụ mía

Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang đề nghị Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ tiếp tục thực hiện cam kết tiêu thụ mía, nâng giá thu mua mía, đảm bảo người trồng có lãi để yên tâm tái sản xuất niên vụ sau.
Hậu Giang đề nghị Casuco thực hiện cam kết về tiêu thụ mía ảnh 1Nông dân thu hoạch mía. (Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN)

Sáng 4/11, tại buổi làm việc với lãnh đạo Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco), ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang đề nghị lãnh đạo Casuco tiếp tục thực hiện cam kết tiêu thụ hết mía cho người dân Hậu Giang.

“Đề nghị công ty tiếp tục thực hiện cam kết tiêu thụ hết mía tại Hậu Giang trong và cả ngoài hợp đồng như Casuco đã cam kết. Trước mắt khoảng 1.000ha mía ngoài hợp đồng của công ty hiện đang có nguy cơ giảm chất lượng vì ngập úng.

Casuco cũng cần xem xét lại các chính sách thu mua như: thời gian trả tiền mua mía cho người dân có thể sớm hơn so hiện nay; điều chỉnh nâng giá thu mua mía, đảm bảo người trồng mía có lãi để họ yên tâm tái sản xuất niên vụ mía tới” - ông Trương Cảnh Tuyên nói.

Ông Trần Ngọc Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Casuco cho biết, công ty sẽ cố gắng thực hiện tiêu thụ mía cho người dân Hậu Giang nhanh hơn trong thời gian tới.

Do Nhà máy đường Phụng Hiệp mới vào vụ ép nên vận hành chưa ổn định, chưa đạt hết công suất 3.000 tấn mía/ngày, nên việc tiêu thụ mía cho người dân Hậu Giang chưa được nhiều.

Công ty cũng đã lên kế hoạch ngày 11/11 sẽ vận hành Nhà máy đường Sóc Trăng để tiêu thụ tiếp nguồn mía tại Hậu Giang.

[Doanh nghiệp cam kết mua hết mía cho nông dân Hậu Giang]

Cùng với đó, công ty cũng sẽ xem xét thời điểm cụ thể để tăng giá thu mua mía nguyên liệu cho người dân trong thời gian tới.

Theo ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang, chính sách giá cả, thu mua mà Casuco đang áp dụng đối với vùng mía nguyên liệu tại Hậu Giang đang còn nhiều hạn chế.

Việc tính năng suất và sản lượng mía nguyên liệu tại Hậu Giang của Casuco chưa chính xác, chỉ đạt khoảng 50% so thực tế.

Trên thực tế niên vụ mía này người dân Hậu Giang trồng được trên 8.000ha, sản lượng thấp nhất cũng đạt 95.000 tấn/ha.

Do đó nếu với chỉ một Nhà máy đường Phụng Hiệp ép có công suất 2.500 tấn/ngày, tương đương khoảng 75.000 tấn/tháng thì cần 10 tháng mới tiêu thụ hết lượng mía trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Theo báo cáo của ngành nông nghiệp Hậu Giang, đến nay diện tích mía thu hoạch chỉ đạt hơn 3.000ha.

Tiến độ thu hoạch mía này đã chậm hơn so cùng kỳ gần 1.000ha. Tiến độ thu mua mía tại các vùng nguyên liệu còn chậm, bình quân mỗi ngày chỉ đươc từ 5-10ha, với 25 ghe chuyên chở, mỗi ghe chở được từ 40-50 tấn.

Tiến độ thu hoạch mía chậm là do hiện tại chỉ có Nhà máy đường Phụng Hiệp hoạt động; mía chặt theo lệnh của Casuco cấp nên thiếu nhân công đốn chặt.

Cùng với đó, những ngày qua, công suất ép của Nhà máy đường Phụng Hiệp rất thấp, trung bình chỉ đạt 1.400 tấn/ngày./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.