Hậu Giang giải quyết bài toán phát triển du lịch nông nghiệp

Tuy giàu tiềm năng nhưng ngành du lịch của Hậu Giang mới chỉ bước những bước ban đầu, chưa có nhiều sản phẩm ấn tượng được thương mại hóa và cạnh tranh được với các địa phương khác.
Hậu Giang giải quyết bài toán phát triển du lịch nông nghiệp ảnh 1Du khách nước ngoài học làm nông dân. (Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam)

Với lợi thế nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, khoảng 80% dân số sống bằng nông nghiệp, tỉnh Hậu Giang đang có những biện pháp mạnh mẽ nhằm đưa du lịch nông nghiệp trở thành thế mạnh của tỉnh.

Đánh thức tiềm năng

Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang ví von, ngành du lịch của tỉnh giống như cô gái đẹp đang ngủ say và cần được đánh thức. Hậu Giang với viên ngọc xanh Lung Ngọc Hoàng, chợ nổi Ngã Bảy đi vào bài hát ''Tình anh bán chiếu,'' Trúc lâm thiền viện, rừng tràm Vị Thủy, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, sáng tạo... và đặc biệt là người Hậu Giang mến khách, nghĩa tình, thủy chung.

Tuy giàu tiềm năng nhưng ngành du lịch của Hậu Giang mới chỉ bước những bước ban đầu, chưa có nhiều sản phẩm ấn tượng được thương mại hóa và cạnh tranh được với các địa phương khác.

Cũng theo ông Lê Tiến Châu, tỉnh phát triển du lịch không chỉ nhằm phát triển kinh tế-xã hội mà quan trọng hơn là bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa, đặc sắc của quê hương, con người Hậu Giang.

Cùng với định hướng phát triển một Hậu Giang xanh, trở thành trung tâm nông nghiệp của khu vực, phát triển du lịch nông nghiệp, gắn với làm nông nghiệp thông minh là định hướng đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Hậu Giang và nhu cầu của thị trường.

Chia sẻ về những khó khăn trong phát triển du lịch của Hậu Giang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thị Lý trăn trở việc phát triển loại hình du lịch nông nghiệp ở Hậu Giang đang gặp nhiều khó khăn. Đó là điều kiện sinh thái tương đồng với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh đã phát triển loại hình du lịch nông nghiệp. Hoạt động du lịch nông nghiệp ở Hậu Giang chủ yếu mang tính tự phát, nhỏ lẻ, trùng lắp, na ná về mô hình, cách tổ chức thực hiện với các địa phương lân cận.

Người nông dân chỉ quen sản xuất nông nghiệp, chưa có các kỹ năng để phục vụ khách du lịch theo hướng chuyên nghiệp nên hiệu quả không cao. Điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương những năm qua tuy có khởi sắc nhưng vẫn khó khăn, nhất là ở vùng nông thôn. Hạ tầng giao thông đến các điểm du lịch nông nghiệp chưa thuận tiện. Hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch còn thiếu và yếu.

Phát triển Hậu Giang trở thành điểm đến hấp dẫn

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang cho biết, sau 15 năm thành lập, Hậu Giang đang đặt nhiều kỳ vọng phát triển thành trung tâm nông nghiệp xanh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó Tỉnh ủy có riêng một nghị quyết về phát triển du lịch Hậu Giang đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Trên cơ sở này, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành kế hoạch và triển khai đề án cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế quan trọng.

[TP. HCM tăng khai thác du lịch nông nghiệp, sinh thái chuyên đề]

Theo kế hoạch, Hậu Giang sẽ phát triển thành điểm đến hấp dẫn, tiêu biểu về du lịch sinh thái sông nước, sinh thái nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Mục tiêu đến năm 2025 tỉnh sẽ thu hút 1 triệu lượt du khách (trong đó có 70.000 lượt khách quốc tế), doanh thu hơn 1.400 tỷ đồng, tạo việc làm cho 4.200 người dân địa phương.

Hậu Giang giải quyết bài toán phát triển du lịch nông nghiệp ảnh 2Du khách ghé vào thăm miệt vườn. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Đến nay, về hạ tầng du lịch, tỉnh đang tập trung thực hiện nhiều dự án trọng điểm, gồm các dự án Khu du lịch sinh thái tại Trung tâm nông nghiệp mùa Xuân, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu, Khu du lịch sinh thái Việt Úc-Hậu Giang, Dự án xây dựng, khai thác địa điểm Cây Lộc Vừng, du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng...

Song song đó, Hậu Giang xây dựng nhiều sản phẩm du lịch mang thế mạnh, đặc trưng của tỉnh như mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật chế biến đa dạng hóa các sản phẩm từ dứa, gồm sáu sản phẩm được chế biến từ dứa. Cùng với đó là các sản phẩm đã đăng ký sở hữu công nghiệp như bưởi Năm Roi Phú Thành Hậu Giang, cam sành Ngã Bảy, quýt đường Long Trị, cá thát lát Hậu Giang, cam xoàn Phụng Hiệp...

Đặc biệt, Dự án bảo tồn và phát huy chợ nổi Ngã Bảy gắn với du lịch sông nước đang được tỉnh quan tâm thực hiện, cùng đó là triển khai mô hình du lịch nông nghiệp gắn với nông thôn trên tuyến đường Vị Thanh-Cần Thơ.

Ngoài việc đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch, Hậu Giang đang tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch; đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến du lịch, chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch, nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng về phát triển du lịch.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 đang từng ngày từng giờ làm thay đổi tư duy và phương thức sản xuất trong mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực du lịch. Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang nhận thức rằng, mặc dù du lịch nông nghiệp của tỉnh còn ở mức tiềm năng nhưng ở khía cạnh đầu tư, đây lại là lợi thế lớn nếu cùng nhau hợp tác và quyết tâm đi những bước thật nhanh, đúng hướng, đón đầu xu hướng thế giới.

“Hậu Giang sẵn sàng hợp tác và cần tiếp nhận công nghệ làm du lịch, để làm giàu hơn, đặc sắc hơn các sản phẩm du lịch hiện có, thích ứng với nhu cầu của thị trường và phải làm sao để du khách biết đến Hậu Giang và các sản phẩm du lịch đó,” ông Lê Tiến Châu nhấn mạnh.

Cùng với đó Hậu Giang tăng cường hợp tác với các tỉnh, thành phố trong khu vực để liên kết, mở rộng thị trường và mời gọi các doanh nghiệp du lịch đến khảo sát các điểm du lịch trên địa bàn Hậu Giang.

Tỉnh tăng cường xúc tiến, mời gọi một số doanh nghiệp, chủ đầu tư có năng lực tài chính, có chuyên môn về du lịch để phát triển một số mô hình mẫu về du lịch nông nghiệp gắn với các loại hình lưu trú khác nhau, sau đó nhân rộng ra các khu vực lân cận để tăng khả năng thành công; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thí điểm xây dựng một số mô hình làm nông nghiệp thông minh kết hợp du lịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Cổng nhà rêu phong cùng phần mái ngói đặc trưng của kiến trúc làng cổ Việt. (Ảnh: Vân Chi/TTXVN phát)

Cự Đà - làng cổ lưu dấu hồn xưa giữa phố thị

Cự Đà là ngôi làng cổ nổi tiếng thuộc xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội, sở hữu những căn nhà mang nét truyền thống, mộc mạc của làng quê Bắc Bộ, giao thoa hài hòa với vẻ cổ kính đậm dấu ấn kiến trúc Pháp.

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Độc đáo Tháp Thần Nông làm từ cối đá

Liên minh Kỷ lục thế giới phối hợp với Trung ương Hội Kỷ lục gia Việt Nam và Tổ chức kỷ lục gia Việt Nam Vietkings tổ chức trao Bằng công nhận Kỷ lục thế giới với Tháp Thần nông.