Hệ lụy từ xu hướng cực đoan trong cạnh tranh Mỹ-Trung

Mục đích ban đầu của Mỹ khi phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc là giảm thâm hụt thương mại, tuy nhiên giờ đây, cuộc chiến đã lan sang cả lĩnh vực khoa học công nghệ và tài chính tiền tệ.
Hàng hóa Trung Quốc tại cảng Long Beach, Los Angeles, Mỹ, ngày 27/2/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Hàng hóa Trung Quốc tại cảng Long Beach, Los Angeles, Mỹ, ngày 27/2/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày một leo thang nhưng dường như không ai nhắc đến mục tiêu ban đầu của Mỹ khi phát động cuộc chiến này là giảm thâm hụt thương mại nữa.

Ngược lại, điều mà mọi người lo ngại giờ đây là chiến tranh thương mại đã mở rộng sang lĩnh vực khoa học công nghệ và tài chính tiền tệ.

Theo tờ Economic Journal, trong thời gian diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka (Nhật Bản), Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp nhau vào ngày 29/6.

Phó Chủ tịch Trung tâm Giao lưu kinh tế quốc tế, cựu Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Ngụy Kiến Quốc tin tưởng cuộc gặp gỡ giữa nguyên thủ hai nước sẽ đạt kết quả tích cực, rất có thể hai bên sẽ hủy bỏ toàn bộ thuế quan và quyết định nối lại đàm phán thương mại.

Theo ông Ngụy, cuộc gặp Trump-Tập vẫn diễn ra như dự kiến cho thấy Mỹ-Trung đã đạt được nhận thức chung về một số vấn đề, ở chừng mực nào đó đang chuẩn bị cho việc hòa giải.

Sau thời gian dài va chạm, hai bên đều nhận thức được rằng chiến tranh thương mại không có lợi cho cả Trung Quốc và Mỹ, cũng không có lợi cho thế giới.

Dự kiến sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung tại Hội nghị G20, hai bên sẽ cùng tuyên bố nối lại đàm phán thương mại.

Nhận định của ông Ngụy cũng là một trong những kịch bản kỳ vọng về cuộc gặp Trump-Tập của sách lược gia Donald Straszheim thuộc tập đoàn Evercore ISI.

Theo Straszheim, nối lại đàm phán giúp cả hai bên linh hoạt hơn trong xử lý các vấn đề tồn tại.

Tuy nhiên, trong các kịch bản mà Straszheim đưa ra còn có vấn đề Mỹ có áp thuế bổ sung đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc còn lại hay không.

[Tổng thống Mỹ “không vội” đạt thỏa thuận với Trung Quốc]

Tạm hoãn chung chung và tạm hoãn trong thời gian nhất định, đối với Trung Quốc, là hai câu chuyện rất khác nhau.

Tồi tệ nhất đối với Trung Quốc là ông Trump không đề cập tới việc áp thuế đối với hơn 300 tỷ USD hàng hóa còn lại từ Trung Quốc.

Điều đó có nghĩa phía Mỹ sẵn sàng giáng cây gậy thuế quan xuống Trung Quốc bất cứ lúc nào và kinh tế Trung Quốc có thể sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Hệ lụy từ xu hướng cực đoan trong cạnh tranh Mỹ-Trung ảnh 1Thao túng tiền tệ là bước leo thang mới trong cuộc thương chiến Mỹ-Trung. (Nguồn: TTXVN)

Trở lại với cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, theo tờ Đông Phương nhật báo, bề ngoài, ông Trump dường như đang chiếm thế thượng phong.

Nhưng gần đây, nhiều hiệp hội doanh nghiệp lớn của Mỹ ra sức khuyên can ông Trump suy nghĩ lại, bởi Mỹ không thể tách rời khỏi Trung Quốc và biện pháp thuế quan sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế, không có lợi cho việc theo đuổi khả năng liên nhiệm tổng thống của ông Trump.

Ví dụ nếu Mỹ áp thuế trừng phạt đối với 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc, bao gồm 167 tỷ USD các sản phẩm điện tử mang tính chất tiêu dùng như điện thoại cầm tay, máy tính bảng, thiết bị nghe nhạc số, máy trò chơi…, giá cả các mặt hàng này chắc chắn sẽ tăng lên.

Do đại bộ phận người tiêu dùng không vội vàng theo đuổi trào lưu, mua mới các sản phẩm điện tử nêu trên, chỉ cần giá tăng, họ sẽ kéo dài chu kỳ thay máy.

Hệ quả là thời gian biểu tung ra các sản phẩm công nghệ mới cũng sẽ bị kéo dài. Chỉ cần “đợi” cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế.

Nguyên nhân chủ yếu là trong xã hội hiện nay, các sản phẩm thông minh đang giữ vai trò chủ lưu và sự phát triển của chuỗi ngành nghề lệ thuộc rất lớn vào tốc độ thay mới sản phẩm của người tiêu dùng.

Cho nên, nếu ông Trump quyết định áp thuế trừng phạt đối với các sản phẩm liên quan tới dân sinh, “hiệu ứng tuyết lở” là câu chuyện không thể xem nhẹ.

Đó là chưa nói tới tình hình hiện nay cho thấy dù Mỹ-Trung có “bắt tay” thì cũng khó tránh được cuộc chiến ngầm trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Vấn đề là ông Trump có để nó công khai hóa, diễn biến thành Chiến tranh Lạnh thực sự.

Ngoài khoa học công nghệ, cuộc chiến tài chính Mỹ-Trung cũng là một thách thức lớn. Ngày 25/6, hãng tin Reuters cho biết 3 ngân hàng đầu tư lớn của Trung Quốc có thể bị từ chối tham gia vào hệ thống tài chính của Mỹ.

Nguyên nhân là do những ngân hàng này vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên, bị điều tra.

[Quan chức Trung Quốc khẳng định Mỹ-Trung có nhiều lợi ích hơn bất đồng]

Do thông tin nêu trên loan đi vào thời điểm nhạy cảm, nên đã xuất hiện đồn đoán rằng phía Mỹ đang cố ý tăng thêm quân bài trong tay trước khi trở lại bàn đàm phán thương mại với Trung Quốc.

Tình hình hiện nay là nếu đàm phán thương mại Mỹ-Trung lại đổ vỡ, chiến tranh tài chính bùng nổ là điều khó tránh.

Vấn đề càng trở nên đáng quan tâm hơn khi gần đây không ít quan chức cấp cao của Trung Quốc bắn tin rằng khi cần thiết đồng Nhân dân tệ (NDT) của nước này có thể phá mốc 7 nhân dân tệ đổi 1 USD vốn được giữ vững kể từ sau khủng hoảng tài chính quốc tế năm 2008.

Cộng thêm việc ngân hàng trung ương châu Âu, Mỹ giảm lãi suất, lời kêu gọi nới lỏng định lượng sẽ tăng lên và cuộc cạnh tranh phá giá tiền tệ giữa các nước sẽ gây ra sự hỗn loạn tài chính trên thế giới.

Các nền kinh tế quy mô nhỏ như Hàn Quốc hay các quốc gia Đông Nam Á có thể sẽ rơi vào suy thoái trước.

Đứng trước tình thế khó lường hiện nay, nhiều ngân hàng và thể chế tài chính lớn đã cảnh báo thị trường không thể chịu đựng được việc Mỹ-Trung “lật mặt” với nhau.

Một khi cuộc gặp Trump-Tập cũng có cái kết giống như cuộc gặp Trump-Kim tại Hà Nội, trong ngắn hạn, toàn thế giới sẽ rơi vào khủng hoảng tài chính, thị trường chứng khoán rơi vào xu thế giảm và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm ngay lãi suất trong tháng 7/2019./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.