Hàng tỷ người đã và đang phải sinh sống dựa vào các con sông lớn của châu Á như Brahmaputra, Mekong hay Dương Tử (còn gọi là Trường Giang) cùng các sông ngòi, kênh rạch nhỏ hơn.
Tuy nhiên, biến đổi khí hậu, bất ổn chính trị, dân số gia tăng và sự phát triển vượt ngoài tầm kiểm soát đang gây ra sức ép nặng nề cho các dòng sông lớn chảy qua một số quốc gia đông dân bậc nhất thế giới, cũng như chính cuộc sống của người dân nơi đây.
10 con sông lớn của châu lục khởi nguồn từ Tây Tạng, đang tạo ra những thách thức đặc thù và đòi hỏi sự hợp tác quốc tế nếu dân số châu Á bùng nổ trong thế kỷ tới.
Dưới áp lực gia tăng dân số, nguồn nước ngày càng khan hiếm khi phải phục vụ cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp và tiêu dùng của con người. Trong đó, Ấn Độ đang vật lộn với một cuộc khủng hoảng nước trên mọi mặt khi trong bối cảnh tình trạng nóng lên toàn cầu đang khiến thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn, trong khi sự yếu kém trong quy hoạch môi trường đang khiến hàng triệu người đối mặt với nhiều rủi ro.
[Các thủy vực nước ngọt ở châu Âu đang đối mặt nguy cơ nghiêm trọng]
Các trận lũ lụt tồi tệ làm nước sông Brahmaputra chảy qua Ấn Độ dâng cao tràn bờ, khiến hàng trăm người thiệt mạng và nhiều người phải rời bỏ nhà cửa.
Tuy nhiên, công tác kiểm soát và dự trữ nước tại những khu vực ven sông khi nguồn nước dồi dào lại yếu kém.
Kết quả là hiện có khoảng 163 triệu người tại Ấn Độ đang phải sống trong cảnh thiếu nước sạch.
Giới chuyên gia cho rằng cuộc khủng hoảng nước tại Ấn Độ sẽ tồi tệ hơn khi dân số nước này tăng lên khoảng 1,6 tỷ người vào năm 2050.
Tại nước láng giềng Pakistan, con sông Indus đang bị đe dọa do tình trạng nóng lên toàn cầu.
Theo Liên hợp quốc, lưu vực sông Indus mang lại 90% nguồn cung thực phẩm của Pakistan. Với việc dân số tăng mạnh, các chuyên gia cảnh báo quốc gia Nam Á này phải đối mặt với "tình trạng cạn kiệt nước" vào năm 2025, do những dòng sông băng trên dãy Himalaya đang dần biến mất.
Trong khi đó, số lượng các loài cá có kích thước lớn ở các sông lớn như sông Mekong chảy qua các nước gồm Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, đang sụt giảm nghiêm trọng.
Các ngư dân Thái Lan cho biết những loài thủy sinh khổng lồ đặc trưng như các da trơn sông Mekong khổng lồ hay nược (còn gọi là cá heo sông) đang trên bờ vực tuyệt chủng.
Còn tại Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới đang phải đối mặt với những thách thức của riêng mình.
Qua nhiều thập kỷ phát triển kinh tế "nóng," sông Dương Tử, con sông dài thứ ba thế giới, đang bị tổn thương nặng nề vì hóa chất độc hại, nhựa và rác thải, đe dọa nguồn nước uống của gần 400 triệu dân, tương đương 1/3 dân số Trung Quốc.
Nhằm thực hiện bước đi quan trọng để ngăn chặn tình trạng khai thác kiệt quệ nguồn tài nguyên cũng như bảo vệ đa dạng sinh học trên sông Dương Tử, từ ngày 1/1 năm nay, Trung Quốc đã chính thức thực thi lệnh cấm đánh bắt cá 10 năm tại các khu vực chủ chốt của con sông dài nhất quốc gia này./.