Ngày 15/7, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh dự và chủ trì hội nghị.
Dự Hội nghị có các vị Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.
Nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho biết Thành phố Hồ Chí Minh đã đi qua nửa chặng đường của Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI trong bối cảnh có nhiều tác động phức tạp từ đại dịch COVID-19 gây ra hậu quả chưa từng có tiền lệ, những khó khăn, vướng mắc, tồn tại ở bên trong Thành phố tạo ra một thử thách quá lớn, có lúc tưởng chừng không thể vượt qua được.
Thành phố vượt qua đại dịch nhờ nguồn lực nội sinh, tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm, truyền thống nhân nghĩa và quan trọng hơn là sự lãnh đạo, chỉ đạo từ các cơ quan Trung ương, sự chi viện của các địa phương, đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế…
Sau hệ lụy của đại dịch COVID-19, tình hình kinh tế-xã hội của Thành phố phục hồi và phát triển đạt kết quả tích cực, công tác chăm lo an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng-an ninh được giữ vững, ổn định, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò đầu tàu, năng động, sáng tạo, nghĩa tình.
Trong lĩnh vực kinh tế, tăng trưởng GRDP năm 2021 suy giảm sâu ở mức -5,36% do đại dịch COVID-19 nhưng từ đầu năm 2022 hoạt động kinh tế bắt đầu phục hồi tăng 9,03%, trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3,55%.
[TPHCM tái khởi động chương trình kích cầu đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp]
Thành phố thực hiện các giải pháp về cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi, tạo sức hút mạnh trong đầu tư và phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Theo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, hơn nửa thời gian đầu nhiệm kỳ, Thành phố tập trung mọi nguồn lực để phòng, chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác trên địa bàn.
Sau hơn 2 năm nỗ lực trong công tác phòng, chống đã kiểm soát được dịch bệnh COVID-19, giúp mọi hoạt động của Thành phố sớm trở lại và tạo đà vững chắc để thực hiện chương trình phục hồi kinh tế. Nguy cơ dịch chồng dịch (dịch COVID-19 với biến chủng mới, sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ) được ngăn chặn kịp thời và hiệu quả. Thực hiện các giải pháp tăng cường nguồn nhân lực cho y tế cơ sở. Các hoạt động an sinh xã hội, chăm lo cho nhân dân tiếp tục được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thiết thực, hướng đến nhiều nhóm dân cư, nhất là các nhóm yếu thế.
Trong công tác xây dựng Đảng, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy luôn xác định nhân tố quan trọng hàng đầu là sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết với quyết tâm chính trị cao nhất, quyết liệt, đúng đắn, hiệu quả; phát huy tốt nguồn lực, đoàn kết, trách nhiệm, chủ động, sáng tạo của Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy, của người đứng đầu các cấp và sức mạnh đoàn kết của cả hệ thống chính trị.
Đồng thời tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ, ủng hộ của các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương, chuyên gia, nhà khoa học đã tích cực giúp đỡ Thành phố vượt qua đại dịch COVID-19 và hoàn thành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị, làm cơ sở để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 31 và Nghị quyết số 98, mở ra cơ hội và thời cơ mới để Thành phố phát triển nhanh, bền vững; xứng tầm với vai trò đầu tàu của cả nước.
Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết nhiệm kỳ, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh Thành phố đang nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn, tận dụng thời cơ vượt qua thử thách, nêu cao ý chí quyết tâm, tinh thần tự lực, tự cường phát huy nội lực, huy động ngoại lực, giữ vững mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI đề ra trên cơ sở có điều chỉnh linh hoạt theo thứ tự phù hợp với tình hình, một số nhiệm vụ, giải pháp phấn đấu thực hiện 26 chỉ tiêu phát triển chủ yếu của nhiệm kỳ mà Đại hội đã đề ra, trong đó đầu tư cao nhất là đến năm 2025 đạt một số tiêu chí đô thị thông minh, dịch vụ công nghiệp theo hướng hiện đại; giữ vai trò đầu tàu, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước đi đầu đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Tin tưởng Thành phố hoàn thành các mục tiêu đã đề ra
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương ghi nhận, đánh giá cao những thành tựu, kết quả nổi bật của Thành phố Hồ Chí Minh từ đầu nhiệm kỳ đến nay và tin tưởng trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thành phố sẽ tiếp tục phát huy truyền thống, kết quả đạt được, đoàn kết, nhất trí chung sức, chung lòng, quyết tâm, nỗ lực xây dựng Thành phố trở thành Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động, sáng tạo, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đời sống nhân dân mỗi một ngày một nâng cao.
Về nhiệm vụ, giải pháp sắp tới, bà Trương Thị Mai cho rằngnThành phố đã xác định hai nhóm nhiệm vụ, giải pháp rất rõ ràng về phát triển kinh tế xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh; về cải cách hành chính, tư pháp và phát triển doanh nghiệp; về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Tuy nhiên, Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục bổ sung thêm một việc nữa là chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, con người.
Như vậy, chúng ta sẽ có 4 chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững; về nông thôn mới; về miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số và về văn hóa, con người.
“Những vấn đề này sẽ liên quan, tác động đến Thành phố, vì vậy Thành phố cần tiếp tục quan tâm phát triển nhiều vấn đề liên quan đến văn hóa, con người,” bà Trương Thị Mai lưu ý.
Từ yêu cầu trên, Thường trực Ban Bí thư đề nghị Thành phố tiếp tục gắn kết chặt chẽ giữa thực hiện mục mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nửa nhiệm kỳ còn lại với Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 24 về phát triển vùng Đông Nam Bộ, Nghị quyết 98 của Quốc hội.
Những kết quả của nửa nhiệm kỳ vừa qua cũng là nền tảng, tác động quan trọng đến mục tiêu phát triển tiếp theo của Thành phố năm 2030 đến năm 2045, trong đó đặc biệt cần tiếp tục cụ thể hóa các Nghị quyết sát với thực tiễn Thành phố để có tính khả thi cao.
Bà Trương Thị Mai cũng đề nghị Thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục khắc phục hạn chế, khó khăn, điểm nghẽn và phấn đấu để tháo gỡ khó khăn, trong đó xác định rõ việc gì của mình, việc gì phối hợp thì tiếp tục phối hợp, không để kéo dài, ảnh hưởng đến cơ hội thuận lợi, để phát huy tiềm năng của Thành phố.
Sự phát triển của Thành phố không chỉ cho nhân dân Thành phố hiện nay, trong tương lai mà quan trọng còn góp phần rất to lớn cho phát triển của đất nước và khu vực Đông Nam Bộ với vai trò của thành phố là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, vị trí chính trị trong cả nước.
Bà Trương Thị Mai lưu ý Thành phố cần chú trọng những vấn đề liên quan thiết yếu đến cuộc sống của nhân dân như giáo dục đào tạo, y tế, các chính sách an sinh xã hội để làm sao có thể tăng được số người được tiếp cận bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, đảm bảo một mạng lưới an sinh xã hội tốt hơn, đảm bảo cho người dân có thể chịu đựng được những cú sốc có thể xảy ra về kinh tế, dịch bệnh.
Thành phố cũng cần tiếp tục bảo đảm quốc phòng, an ninh, nhất là các vấn đề tội phạm lừa đảo về tài chính, ma túy; chủ động để xử lý, kiểm soát, kiềm chế và bảo đảm an ninh trật tự, không để xảy ra điểm nóng, điểm phức tạp và phải quan tâm để tiếp tục xử lý nguyện vọng, tâm tư hợp pháp, chính đáng của người dân.
Về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bà Trương Thị Mai đề nghị, Thành phố tiếp tục tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực tha hóa trong đội ngũ cán bộ, chú trọng đến công tác cán bộ và khẩn trương chuẩn bị nguồn cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt cho nhiệm kỳ tiếp theo.
Trong đó, hết sức chú trọng đến những cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, dám dấn thân, hy sinh, nhất là vào những thời điểm khó khăn của Thành phố.
Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, quan tâm nâng cao tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ; triển khai có hiệu quả Kết luận 14 của Bộ Chính trị về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo. Đồng thời tập trung đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát để có thể chủ động phòng ngừa từ xa...
Tại hội nghị, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cũng xác định các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm từ nay đến năm 2025, trong đó tập trung triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội; phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động gắn với Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2022-2025; phát triển văn hóa-xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho Thành phố phát triển bền vững; phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ.
Cùng với đó, Thành phố tập trung bảo đảm an sinh xã hội; quốc phòng-an ninh và trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế; tiếp tục thực hiện tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, công tác dân vận.../.