Việc xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Thành phố Hồ Chí Minh sẽ phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nhằm tạo điều kiện cho địa phương này phát huy vai trò là đầu tàu, dẫn dắt phát triển kinh tế của cả nước.
Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội
Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV vào sáng 26/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh nghị quyết hướng đến xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn về phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, góp phần xây dựng và phát triển Thành phố Hồ Chí Minh như mục tiêu đã đặt ra tại các nghị quyết của Bộ Chính trị và Quốc hội.
Cụ thể, về các cơ chế chính sách được kế thừa từ Nghị quyết số 54, thành phố được điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; ngân sách thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí.
Thành phố quyết định dự toán, phân bổ ngân sách phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế-xã hội và các lĩnh vực quan trọng; được bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương với mức không quá 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố.
Thành phố được sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách Thành phố để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách và chi thu nhập tăng thêm; được áp dụng tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp.
[Xây dựng cơ chế đặc thù cho TP.HCM phát triển nhanh, bền vững hơn]
Hội đồng nhân dân thành phố quyết định bố trí ngân sách thành phố để chi thu nhập bình quân tăng thêm với mức không quá 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ; bảo đảm không vượt mức tối đa 0,8 lần quỹ lương cơ bản.
Về các cơ chế, chính sách được quy định tại các nghị quyết đặc thù của các địa phương khác, thành phố chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa dưới 500ha phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phân cấp thành phố phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch; được quy định về các chính sách thu hút và giữ chân nguồn nhân lực cho khoa học công nghệ.
Đối với các cơ chế, chính sách được quy định tại các dự thảo Luật đang trình Quốc hội cho ý kiến, thành phố xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất; bồi thường về đất; tiền thuê đất, sử dụng quỹ đất do nhà nước quản lý.
Dự thảo nghị quyết cũng đưa ra các cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa gồm thành phố được sử dụng vốn đầu tư công của ngân sách thành phố ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam thực hiện cho vay hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm; áp dụng thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông.
Ngoài ra, thành phố được sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện dự án, công trình giao thông đường bộ có tính chất vùng, liên vùng; mở rộng lĩnh vực áp dụng đầu tư theo phương thức PPP đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa…
Rà soát lại miễn giảm thuế, thu ngân sách
Trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, tán thành về sự cần thiết ban hành nghị quyết này, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội cho rằng Chính phủ cần làm rõ với phạm vi chính sách như trong dự thảo đã đủ để tháo gỡ vướng mắc về thể chế đang cản trở tiến trình phát triển hay chưa? Bởi xét về số lượng thì phạm vi của chính sách là tương đối rộng, do vậy, cần có sự lựa chọn trọng tâm, tránh dàn trải để mỗi chính sách đều có cơ hội đi vào cuộc sống.
Cho rằng các chính sách thu ngân sách (như thuế, phí…) còn khá mỏng, trong khi thành phố có đặc thù, lợi thế rất lớn trong khai thác nguồn thu, vì vậy Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị nghiên cứu, có chính sách thu khả thi, góp phần cân đối nguồn lực cho những chính sách chi ngân sách.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị rà soát lại các chính sách có tác động trực tiếp đến ngân sách Trung ương như các đề xuất miễn, giảm thuế để phù hợp với bối cảnh hiện nay, nhất là khi chuẩn bị áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.
[TP Hồ Chí Minh tháo các điểm nghẽn về kinh tế để duy trì tăng trưởng]
Mặc dù rất cần có cơ chế ưu đãi so với các địa phương khác, cần thu hút nhân tài và lao động chất lượng cao theo đúng Nghị quyết 31, song, ông Mạnh khuyến cáo tránh tạo khoảng cách, chênh lệch quá lớn về thu nhập, chế độ, tiêu chuẩn giữa người lao động của thành phố với các địa phương khác.
Dự thảo quy định theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ; nhiều quyền hạn được giao cho các tổ chức cá nhân, tuy nhiên, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị rà soát, quy định rõ bảo đảm đúng nguyên tắc quyền hạn đi đôi với trách nhiệm.
Để bảo đảm đúng mục tiêu thí điểm, Tờ trình của Chính phủ cần làm rõ giá trị nhân rộng mô hình sau thời gian thí điểm theo quy định, theo đó các tỉnh thành khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng… có thể học tập, nhân rộng./.