Hiệp định RCEP giúp tăng quy mô thương mại khu vực lên 40 tỷ USD

Thủ tướng Campuchia Hunsen cho biết với quy mô thương mại khu vực tăng lên 40 tỷ USD, thu nhập thực tế tăng đến 2,5%, gia tăng hoạt động trao đổi thương mại giữa các thành viên RCEP tăng lên 12,3%.
Logo biểu tượng của các nước thành viên tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực - RCEP. (Ảnh: CGTN/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Campuchia, sáng 2/11, phát biểu khai mạc diễn đàn cấp cao kỷ niệm 10 năm Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) diễn ra tại Phnom Penh, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Techo Hun Sen dẫn kết quả nghiên cứu của các tổ chức quốc tế cho biết, nếu 15 nước thành viên thực hiện đầy đủ Hiệp định này, quy mô thương mại khu vực sẽ tăng lên khoảng 40 tỷ USD.

Theo Thủ tướng Campuchia Hun Sen, với quy mô thương mại tăng ở mức trên, thu nhập thực tế tăng đến 2,5%, gia tăng hoạt động trao đổi thương mại giữa các thành viên RCEP lên 12,3%, góp phần nâng cao đời sống, giúp thêm 27 triệu cư dân trong khu vực có mức sống trung bình vào năm 2035, trong bối cảnh RCEP được cho là sẽ góp phần tăng thu nhập toàn cầu thêm 263 tỷ USD.

RCEP cũng có tác động tích cực đến đời sống và hoạt động kinh tế của Campuchia, nước Chủ tịch ASEAN 2022.

[ASEAN đánh giá cao vai trò của RCEP trong tiến trình phục hồi khu vực]

Theo một khảo sát được tiến hành vào đầu năm 2022 của Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN-Đông Á (ERIA), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Campuchia có thể tăng từ 2%-3,8%, hoạt động xuất khẩu có thể tiếp tục tăng từ 9,4%-18%, cơ hội việc làm hàng năm tăng từ 3,2%-6,2%, nguồn thu từ thuế mỗi năm tăng từ 2%-3,9%, nguồn vốn đầu tư nói chung có thể tăng đến 23,4%.

Tuy là quốc gia kém phát triển nhưng Campuchia là đất nước có nền kinh tế mở, chú trọng hệ thống thương mại đa phương dựa trên nền tảng luật pháp, hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu, phù hợp với mục tiêu của RCEP, hiệp định thương mại thu hút 15 quốc gia tham gia ký kết hồi năm 2012, cũng tại Phnom Penh, Campuchia.

Với 15 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương tham gia ký kết và có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, RCEP bao gồm các quy định về thương mại số, bao gồm việc chuyển dữ liệu xuyên quốc gia, bảo vệ các giao dịch và người tiêu dùng trực tuyến; đồng thời mang lại cơ hội củng cố môi trường kinh doanh thương mại số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở châu Á.

Các thành viên tham gia RCEP gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 đối tác thương mại tự do khác là Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.

Nhân dịp này, ERIA cũng đã công bố ra mắt đầu sách nghiên cứu thứ hai của tổ chức này về khu vực với tiêu đề “Động lực của khu vực Đông Á: Khuôn khổ hội nhập khu vực” dưới sự chủ trì của Thủ tướng Campuchia Hun Sen./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục