ASEAN đánh giá cao vai trò của RCEP trong tiến trình phục hồi khu vực

Trong tuyên bố chung công bố ngày 18/9, AEM-54 chia sẻ quan điểm RCEP có thể đóng góp vào nỗ lực phục hồi sau đại dịch của khu vực và tạo ra chuỗi cung ứng chắc chắn hơn.
ASEAN đánh giá cao vai trò của RCEP trong tiến trình phục hồi khu vực ảnh 1Quang cảnh Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN-EU trong khuôn khổ AEM-54, sáng 18/9/2022. (Huỳnh Thảo/TTXVN)

Trong tuyên bố chung được công bố ngày 18/9, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đánh giá Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có thể đóng góp vào nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19 của khu vực.

Tuyên bố được đưa ra sau Hội nghị Bộ trưởng RCEP diễn ra tại tỉnh Siem Reap (Campuchia), bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 54 (AEM-54).

Theo tuyên bố, hội nghị hoan nghênh việc RCEP bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/1/2022 và mong đợi hiệp định sẽ được tất cả các nước thành viên tham gia phê chuẩn.

Tuyên bố nêu rõ: "Hội nghị chia sẻ quan điểm RCEP có thể đóng góp vào nỗ lực phục hồi sau đại dịch của khu vực và tạo ra chuỗi cung ứng chắc chắn hơn. Về vấn đề này, hội nghị đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thúc đẩy tận dụng RCEP để tăng cường hội nhập kinh tế khu vực."

[AEM 54 tập trung vào thúc đẩy kinh tế với các đối tác của ASEAN]

Hội nghị cũng ghi nhận tiến độ trong công việc của Ủy ban Hỗn hợp RCEP và hoan nghênh việc thành lập các bộ phận trực thuộc sự giám sát của ủy ban này.

Ngoài ra, hội nghị cũng kêu gọi nhanh chóng thành lập Ban Thư ký RCEP, theo các điều khoản được các bên nhất trí, để cung cấp hỗ trợ hành chính và kỹ thuật cho Ủy ban Hỗn hợp RCEP và các bộ phận trực thuộc ủy ban.

Với 15 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương tham gia ký kết và có hiệu lực vào tháng 1/2022, RCEP bao gồm các quy định về thương mại số, bao gồm việc chuyển dữ liệu xuyên quốc gia, bảo vệ các giao dịch và người tiêu dùng trực tuyến, đồng thời mang lại cơ hội củng cố môi trường kinh doanh thương mại số cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở châu Á./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.